Đuối nước xảy ra nhiều nơi
Từ đầu tháng 5/2025 đến nay, nhiều vụ đuối nước đã xảy ra ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngay trong ngày 1/5, tỉnh này có 13 người bị đuối nước, trong đó có 9 người được cứu sống, 2 người tử vong và 2 người mất tích. Các nạn nhân tử vong và mất tích đều là học sinh.
TP Đà Nẵng - nơi có những bãi biển đẹp - cũng liên tục xảy ra các vụ đuối nước. Chiều 12/5, anh N.Đ.M. (26 tuổi) dắt bé 7 tuổi gọi mình bằng cậu ruột ra biển Liên Chiểu (quận Liên Chiểu) tắm. Khi thấy sóng lớn cuốn cháu bé ra xa, người cậu bơi ra cứu khiến cả hai bị đuối nước. May mắn là lực lượng cứu hộ đã kịp can thiệp, đưa cả hai vào bờ, sơ cứu rồi chở tới bệnh viện.
Trước đó 2 ngày, cũng ở biển Liên Chiểu, 2 nam sinh THCS ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang đã đuối nước, tử vong.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa - cư dân huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An - cho hay, năm nay, mùa nắng nóng đến sớm hơn mọi năm nên các vụ đuối nước thương tâm cũng diễn ra sớm hơn. Ngày 13/4, một nhóm học sinh ở xã Nghĩa Thái, huyện Nam Đàn ra hồ nước sau trường chơi thì 1 em bị rơi xuống nước, 1 em khác xuống cứu bạn rồi cả hai cùng bị đuối nước, tử vong. “Xã này có nhiều ao, hồ và bãi tắm vắng người nên rất khó phát hiện các cháu nhỏ lén đi bơi. Rất mong chính quyền địa phương có giải pháp tuần tra, nhắc nhở, ngăn chặn tình trạng này” - ông nói.
 |
Học sinh Trường tiểu học Tiểu La, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng học bơi trong bể bơi di động của trường - Ảnh: Đình Dũng |
Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Định, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 9 vụ đuối nước làm 11 người chết, chủ yếu là trẻ em, học sinh. Trong đó, TP Quy Nhơn xảy ra 2 vụ làm 2 người chết, thị xã Hoài Nhơn xảy ra 3 vụ làm 3 người chết, huyện Phù Mỹ xảy ra 2 vụ làm 3 người chết, huyện Tuy Phước xảy ra 2 vụ làm 3 người chết.
Cấp bách ngăn chặn thảm kịch
Ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng - cho biết, sau 2 vụ đuối nước gần đây, ban quản lý đã cắm thêm biển cảnh báo ở bãi biển Nam Ô với nội dung cấm tắm biển do khu vực này không có lực lượng cứu hộ, đồng thời cung cấp số điện thoại đường dây nóng để liên hệ khi có sự cố xảy ra.
Sở GD-ĐT TP Huế cũng liên tục tuyên truyền về phòng tránh đuối nước ở trẻ em. Lực lượng chức năng TP Huế cũng bố trí người và phao cứu sinh ở các bãi tắm có đông người đến như Thuận An, Phú Thuận. Ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Vang - cho biết, đã cử lực lượng đi dự tập huấn nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn, đồng thời thả dây an toàn ở các bãi tắm biển, tuyên truyền cho du khách về an toàn khi tắm biển, như mang áo phao, cử người lớn kèm sát trẻ nhỏ.
 |
Sau 2 vụ đuối nước đầu tháng 5/2025, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã tổ chức cắm biển cảnh báo ở biển Nam Ô - Ảnh: Đình Dũng |
Mới đây, Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi TP Huế cũng ra văn bản đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp để giảm nguy cơ đuối nước xảy ra ở các hồ thủy lợi; khuyến cáo phụ huynh không cho trẻ em ra khu vực công trình thủy lợi mà không có người lớn đi cùng.
UBND TP Huế đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, ngành triển khai các giải pháp để hạn chế các vụ đuối nước, như tuyên truyền để phụ huynh quản lý con em trong thời gian nghỉ hè, giao sở GD-ĐT, sở văn hóa và thể thao giám sát chặt chẽ các cơ sở vui chơi, giải trí của học sinh trong các hoạt động vui chơi hè. Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Thúy Hòa - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Huế - vẫn bày tỏ lo lắng: “Mới đầu mùa hè nhưng TP Huế đã xảy ra không ít vụ đuối nước mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Do đó, bên cạnh các hoạt động đồng hành, dạy bơi, các bậc phụ huynh cần dạy cho trẻ nhận biết và tránh xa những nơi nguy hiểm”.
 |
Đoàn viên thanh niên và công an hướng dẫn học sinh mầm non ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cách phòng tránh tai nạn đuối nước - Ảnh: Phan Ngọc |
Luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng đều cần thể hiện trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn đuối nước. Thực tế, việc phổ cập bơi ở nhiều nơi vẫn chưa hiệu quả, các lớp dạy bơi thường chỉ tập trung ở khu vực thành thị, trong khi trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa lại là đối tượng dễ bị đuối nước hơn.
Ông kiến nghị: “Để ngăn chặn thảm kịch đuối nước, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần xây dựng và triển khai các chương trình phòng, chống đuối nước một cách thiết thực, hiệu quả, bao gồm việc đầu tư xây dựng các bể bơi công cộng an toàn; tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí hoặc chi phí thấp cho trẻ em; tăng cường công tác tuyên truyền; cảnh báo về nguy cơ đuối nước ở các khu vực nguy hiểm; đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước”.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, từ ngày 15/12/2024 đến ngày 21/4/2025, toàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ đuối nước làm 15 người tử vong, trong đó có 9 trẻ em. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong là do nạn nhân không biết bơi. |
Kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em Các biện pháp hạn chế đuối nước: - Khuyến cáo trẻ em không nên chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối. - Chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ; tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. - Khi đi tắm biển, tắm sông, chỉ nên tắm gần bờ dù có biết bơi hay không. Việc nằm trên phao khi tắm biển cũng khá nguy hiểm do dễ bị cuốn ra xa mà không biết hoặc có thể bị sóng đánh úp, bị uống nước nhiều, mất sức. - Cần chấp hành tốt các quy định về an toàn (như mặc áo phao) khi đi trên các phương tiện giao thông đường thủy. Những lưu ý khi cứu người bị đuối nước: - Khi phát hiện người bị rơi hoặc ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, đồng thời nhanh chóng tìm vật dụng như cây sào, phao, áo, quần, dây nịt quăng xuống để người bị đuối nước bám, người trên bờ kéo dần vào. - Tuyệt đối không nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối bởi chính mình cũng có thể bị đuối nước. Sau khi đưa người bị đuối nước vào bờ, cần nhanh chóng kiểm tra đường thở; nếu trong miệng, mũi, nạn nhân có dị vật thì móc ra ngay rồi nghiêng người nạn nhân để cho lưu dịch thoát khỏi đường thở. - Nếu nạn nhân ngừng thở, ngừng tim, cần hồi sức tim, phổi bằng cách đặt nạn nhân nằm ngửa, lấy tay bịt mũi nạn nhân, hít một hơi thật sâu rồi ngậm kín miệng nạn nhân thổi một hơi dài vào rồi buông ra. Tiếp tục làm thêm 2 lần như vậy, sau đó ép tim lồng ngực bằng cách đan 2 tay vào nhau, đặt lên vị trí 1/3 xương ức về phía ngực trái và ép liên tục khoảng 30 lần. Luân phiên 2 lần hồi sức hô hấp với 30 lần ép tim cho đến khi có nhân viên y tế hoặc có người đưa đi cấp cứu ở các cơ sở y tế. Thạc sĩ Nguyễn Đăng Minh - huấn luyện viên bơi lội, Câu lạc bộ bơi lội Ánh Hoa, TPHCM |
Lê Đình Dũng - Thuận Hoá - Phan Ngọc