Nét cọ tạc những tượng đài thời gian

29/04/2019 - 12:35

PNO - Trong những ngày diễn ra Festival nghề truyền thống Huế 2019, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên- Huế đã giới thiệu 134 chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng với tên gọi 'Nét cọ tạc những tượng đài thời gian' của họa sĩ Đặng Ái Việt.

Nữ họa sĩ Đặng Ái Việt, một người con của quê hương Tiền Giang, nguyên là phóng viên Báo Phụ nữ Giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, nguyên giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc trong 8 năm, bằng những nét cọ tài hoa đã khắc họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng để giới thiệu với công chúng hình ảnh, tâm hồn và những câu chuyện kể về những nỗi đau, chia ly, mất mát và trên hết là sự hy sinh thầm lặng cho Tổ quốc, cho dân tộc. 

Net co tac nhung tuong dai thoi gian
Họa sĩ Đặng Ái Việt trên chiếc xe máy cũ đã rong ruổi khắp cả nước để khắc họa chân dung những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ở đợt triển lãm lần này, họa sĩ Đặng Ái Việt giới thiệu 134 trong số 1.700 chân dung các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những con người không tiếc máu xương cống hiến, hy sinh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Triển lãm truyền đi thông điệp về ân tình sâu nặng, về trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các liệt sĩ nói chung và Bà mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng, về đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn - đáp nghĩa mà các thế hệ người Việt luôn khắc cốt, ghi tâm.

Net co tac nhung tuong dai thoi gian
Chân dung bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Dệt (SN 1911) có 5 người con hy sinh trong chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc. Mẹ ở ấp Phú Lợi, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi TP.HCM.

Thấm thoắt đã 8 năm trôi qua, trên chiếc xe gắn máy cũ kỹ chất gọn thùng đồ vẽ, túi nhu yếu phẩm, hộp đồ nghề sửa xe..., một con đường xẻ dọc đất nước, một tiếng gọi không ngừng giục giã từ mũi Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú, từ miền biển nghèo khó đến rẻo cao cheo leo của 63 tỉnh, thành đều in dấu bước chân người phụ nữ nhỏ bé họa sĩ Đặng Ái Việt.

Net co tac nhung tuong dai thoi gian
Mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Bầu ở TP. Bình Thuận

Điểm đặc biệt là họa sĩ Đặng Ái Việt đã từ chối mọi nguồn tài trợ mà dùng tiền của mình cho hành trình ý nghĩa này. Trọn vẹn tấm ân tình, bà không bán tranh mà hiến tặng cho các bảo tàng như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ...

Người ta tự hỏi, bà lấy đâu ra sức vóc và nghị lực để rong ruổi ngần ấy năm trên chừng ấy chặng đường, khi trèo đèo, khi lội suối, vượt bùn... với chiếc xe máy cà tàng? Họa sĩ Đặng Ái Việt cười: "Chỉ cần niềm đam mê cháy bỏng và chuẩn bị mọi thứ thật khoa học, nghiêm túc thì đều có thể vượt qua". Trước khi bắt đầu hành trình, mỗi ngày bà tập đi bộ cho thể lực tốt dần lên.

Net co tac nhung tuong dai thoi gian
Mẹ Tại Thị Thạnh ở Dĩ An, Bình Dương có chồng và 2 con hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.

Để tăng cường độ, bà đeo thêm ba lô chứa sỏi, đá. Cứ một tuần, bà lại nhịn ăn một ngày hoặc tăng lên 2,3 ngày để rèn sức chịu đói nếu chẳng may bị lạc trong rừng. Vật dụng đi đường cũng có đầy đủ. Hễ đang chạy mà trời mưa thì có ngay cái lọng gạt lên che chắn. Lúc mệt hay đường đi quá khó, cái xe nhanh chóng trở thành chiếc lều cho bà ngả lưng. Một mình một "ngựa" nên dù thân là phụ nữ, lại già cả nhưng bà vẫn mày mò tự học về máy móc, cơ chế vận hành của xe máy để lỡ may nó giở chứng thì còn tự xoay xở dọc đường gió bụi.

Net co tac nhung tuong dai thoi gian
Mẹ Trần Thị Năm (SN 1928) có 3 người con hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, quê ở xã Thạnh An, tỉnh Long An.

Có nhiều bà mẹ khi lần đầu gặp, họa sĩ Đặng Ái Việt phải lặng người rồi khóc nức nở. Khóc vì thương mẹ. Khóc vì thấy mình nhỏ bé trước tượng đài sừng sững mà quá đỗi giản dị ấy. Lần đến gặp mẹ Nguyễn Thị Nghí ở xã Đại Minh, Yên Bình (Yên Bái), mẹ đang bị ốm, hơi thở héo hắt. 

Net co tac nhung tuong dai thoi gian
Họa sĩ Đặng Ái Việt giới thiệu 134 chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong số 1.700 chân dung các bà mẹ Việt Nam.

Trong nhật ký, họa sĩ viết: "Nhìn lên bàn thờ, 3 bằng Tổ quốc ghi công và những di ảnh liệt sĩ như nhìn mình trách móc, tôi quyết định vẽ. Vẽ trong nước mắt. Mẹ cũng cảm nhận nỗi niềm xúc động của họa sĩ. Mẹ yên lặng, mắt chớp chớp. Mẹ đang vui đấy. Cho một vài nét nhấn bắt được niềm vui của mẹ như nắng hoàng hôn sắp tắt nhưng vẫn lóe lên màu tím cuối chân trời".

Net co tac nhung tuong dai thoi gian
Người thưởng lãm cảm động trước những hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại triển lãm.

Đến vẽ mẹ Bùi Thị Dậy ở Quảng Ngãi, bà nghẹn ngào khi gặp mẹ không phải ở nhà, mẹ đang bán khoai lang ngoài chợ nhỏ. Mẹ nhặt từng củ khoai văng ra ngoài, gom lại cho khách chọn lựa. Có mẹ yếu quá, ngồi dậy không nổi. Hơi thở đứt quãng mà đôi mắt vẫn ngóng hoài ra cửa mong bóng dáng thân yêu của người con bặt tăm phương xa. Nỗi ngóng trông vô vọng ngày này qua tháng khác vẫn khắc khoải theo hơi thở dần tàn. Đôi tay Đặng Ái Việt run run chẳng thể nào họa nổi ảnh mẹ. Buông cọ, bà mặc nước mắt rơi lã chã. Đôi mắt mờ lòa trông con mòn mỏi và chiếc bàn thờ vọng ám ảnh bà trên đường về…

Net co tac nhung tuong dai thoi gian
Du khách nước ngoài đến xem triển lãm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở TP. Huế.

Triển lãm giàu ý nghĩa nhân văn, diễn ra đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và kéo dài đến 15/5, tạo thêm sức lan tỏa sâu sắc trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay.  

Trước đó vào tháng 10/2017, tại Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam Bộ (quận Tân Bình, TP.HCM) từng diễn ra triển lãm "Mẹ và Anh hùng của dân tộc anh hùng" của họa sĩ Đặng Ái Việt. Triển lãm trưng bày hơn 200 bức tranh Mẹ Việt Nam anh hùng và 100 bức Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI