Nấu “cơm nhà hàng” đãi người nghèo trong đại dịch

13/07/2021 - 06:14

PNO - “Hôm nay, nhóm mình sẽ nấu món Âu. Nguyên liệu cần chuẩn bị là bơ Anchor, lá oregano của Hy Lạp, lá thyme tươi, bột xốt bò Demi Glace…” - anh Nguyễn Trường Giang dặn các phụ bếp.

Mỗi ngày, nhóm của anh Nguyễn Huy Hoàng chuẩn bị khoảng 300 phần ăn để phát cho người khó khăn
Mỗi ngày, nhóm của anh Nguyễn Huy Hoàng chuẩn bị khoảng 300 phần ăn để phát cho người khó khăn

Nghe đoạn trò chuyện, nhiều người nghĩ rằng các đầu bếp đang chuẩn bị thức ăn cho thực khách ở một nhà hàng sang trọng nào đó. Nhưng không, những phần ăn tiêu chuẩn nhà hàng này sẽ được phát miễn phí cho người gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19.

Từ sáng sớm, các thành viên của nhóm “Bếp yêu thương” đã đến một quán ăn tại Q.4, TPHCM, tất bật chuẩn bị nguyên liệu nấu cơm trưa cho người nghèo. Hôm nay, nhóm quyết định sẽ nấu món Âu nên cần khá nhiều nguyên liệu ngoại. Khi nghe anh Nguyễn Trường Giang dặn dò, mọi người tản ra làm các phần việc đã phân công từ trước để đến lúc 10g sẽ hoàn thành 300 suất ăn chuyển đến những người gặp khó khăn ở Q.4.

Nguyễn Trường Giang là cái tên khá quen thuộc với giới đầu bếp ở TPHCM. Nhiều năm liền, anh là Food stylist (người trang trí, thiết kế, trình bày món ăn) cho một cuộc thi chuyên về nấu ăn trên truyền hình. Tháng 4/2020, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, anh được bạn mời về làm đầu bếp cho nhóm “Bếp yêu thương”. Từ đó, anh gắn bó với bếp ăn này trong vai trò bếp trưởng.

Anh tâm niệm, những ai thưởng thức món ăn của mình đều là thực khách. Do đó, dù là nấu bếp ăn từ thiện, anh Giang vẫn luôn chuẩn bị món ăn sao cho ngon nhất có thể. Anh chia sẻ: “Tôi không xem việc nấu ăn cho người nghèo là làm từ thiện mà là hỗ trợ họ lúc khó khăn. Tôi đã nấu nhiều món ăn cho thực khách ở các tầng lớp xã hội khác nhau. Thế nhưng, cảm giác khi những người khó khăn tiếp nhận món ăn của mình rất đặc biệt. Có người tiếp nhận món ăn của mình và ăn như một bữa tiệc chiêu đãi. Đó là niềm vui thật sự của người làm bếp”.

Anh Nguyễn Huy Hoàng - ở Q.4 - là người đã “rủ rê” anh Nguyễn Trường Giang về “Bếp yêu thương”. Anh Huy Hoàng là người kinh doanh quán ăn ở Q.4 nhưng phải tạm đóng cửa quán từ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Nhận thấy nhiều cô, chú bán vé số, người lao động buổi trưa phải ăn tạm ổ bánh mì, gói xôi nên anh quyết định phải “làm gì đó”. Sau vài ngày suy nghĩ, anh quyết định rủ các nhân viên ở quán mình và bạn bè mở ra “Bếp yêu thương”. Anh Giang cũng tham gia nhóm từ thời điểm này.

Nói về ý tưởng những bữa ăn “năm sao” cho người nghèo, anh Hoàng cho biết: “Nhiều người nghĩ người nghèo chỉ cần ăn no, người giàu mới cần ăn ngon. Mình thì không nghĩ như vậy. Mình đã tưởng tượng ra cảnh một người nghèo khó, đang đói và lo lắng không biết tương lai sẽ ra sao, bỗng nhận được một bữa ăn ngon. Nhiều người nghèo chưa từng được nếm thử bữa ăn đúng chuẩn Âu với bơ Anchor, lá oregano của Hy lạp, lá thyme tươi, bay leaf, tomato paste, bột xốt bò Demi Glace… Nếu được ăn món này lúc khó khăn, họ không chỉ ngon miệng, no bụng mà chắc chắn sẽ rất hạnh phúc”. 

Theo anh Hoàng, mỗi ngày, bếp của anh nấu khoảng 300 suất ăn để phát cho những người khó khăn ở Q.4 và những khu phong tỏa. Trong “chiến dịch” một tháng phát cơm vừa qua (từ ngày 2/6 đến 2/7), nhóm của anh đã làm khoảng 8.000 phần cơm kèm đồ ăn cho người nghèo. Để các suất ăn đến “đúng người, đúng chỗ”, sau khi nấu, anh Hoàng thường phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể đưa đến cho người lao động nghèo, người trong khu cách ly.

Tại một khu trọ của người lao động ở Q.4, chị Kim Xuyên đang một tay ẵm con nhỏ, một tay chỉ bài cho đứa con lớn học. Mấy tháng nay, do dịch bệnh, chị Kim Xuyên nghỉ việc, ở nhà, nguồn sống của gia đình dựa cả vào thu nhập từ công việc chạy xe chở hàng của chồng chị. “Mình quê miền Trung nên ăn rau, mắm gì cũng được, chỉ thương mấy đứa nhỏ ăn kham khổ” - chị tâm sự.

Mấy ngày trước, nghe người quen ở bên P.8, Q.4 nói được phát “đồ ăn nhà hàng”, chị Kim Xuyên không tin. Cho đến một ngày, một nhóm thiện nguyện gõ cửa, phát cho gia đình chị ba phần đồ ăn thơm phức, được trang trí giống như ở nhà hàng, chị Kim Xuyên mới ngỡ ngàng. Nhìn đứa con trai tám tuổi ăn bữa ăn “năm sao” ngon lành, chị Kim Xuyên ứa nước mắt: “Cả đời em chưa từng dám nghĩ sẽ ăn được món Âu. Em tưởng bữa ăn này chỉ có trong mơ nhưng hôm nay đã thành sự thật rồi. Trong lúc ngặt nghèo, túng quẫn mà ăn được bữa ngon như vầy thì quả là hạnh phúc”.

Anh Hoàng khẳng định, niềm hạnh phúc của những người dân khó khăn khi được nhận một suất ăn ngon là động lực để nhóm liên tục “nổi lửa” trong những ngày dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. 

 Sơn Vinh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI