Mỹ thẳng thừng bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

15/07/2020 - 11:00

PNO - Các nhà quan sát e ngại, Biển Đông là nơi có khả năng xảy ra xung đột cao nhất bởi Mỹ và Trung Quốc đều duy trì tàu chiến, máy bay chiến đấu trong khu vực.

Hôm 13/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố chính sách của Mỹ ở Biển Đông, trong đó nêu rõ, mọi yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố tại Biển Đông đều vi phạm luật pháp quốc tế. Các nhà quan sát e ngại, Biển Đông vẫn là nơi có khả năng xảy ra xung đột cao nhất bởi hai cường quốc đều duy trì tàu chiến và máy bay chiến đấu trong khu vực.

Mỹ bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh

Thông cáo mới giải thích chi tiết hơn diễn giải pháp lý của chính phủ Mỹ về các quyền lợi hàng hải ở Biển Đông, với trọng tâm là đẩy lùi các yêu sách của Trung Quốc. Văn bản được đưa ra một ngày sau lễ kỷ niệm bốn năm phán quyết của tòa trọng tài quốc tế vào tháng 7/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về “đường chín đoạn” ở Biển Đông. Kết quả, tòa án quốc tế ở Hague (Hà Lan) bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc xung quanh các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. 

 

Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz cùng phi đội trên tàu thao diễn ở Thái Bình Dương ngày 2/6/2020
Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz cùng phi đội trên tàu thao diễn ở Thái Bình Dương ngày 2/6/2020

Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo tuyên bố trên Twitter vào chiều 13/7: “Theo luật pháp quốc tế, chúng tôi đang tăng cường chính sách của Mỹ ở Biển Đông, đồng thời lên án các mối đe dọa, hành vi bắt nạt và tuyên bố không căn cứ từ phía Bắc Kinh”. Tuy nhiên, các nhà phân tích lo ngại phản ứng mới này có thể khiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn trong việc khẳng định yêu sách, chẳng hạn như đối đầu Mỹ và đe dọa các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Điển hình như chiến dịch xây dựng các công trình nhân tạo ở Biển Đông được Bắc Kinh tăng cường sau khi chính quyền Tổng thống Obama xoay trục ngoại giao đến châu Á vào năm 2011.

Collin Koh Swee Lean - chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế Singapore S. Rajaratnam - nói: “Chúng tôi lo rằng, Trung Quốc có thể đẩy mạnh việc thách thức đối với các hoạt động của Mỹ tại vùng biển này, qua đó làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố trên biển”.

Giữa lúc Mỹ và Trung Quốc đang bất đồng về mọi thứ từ thương mại, phản ứng chống dịch COVID-19 đến luật an ninh mới ở Hồng Kông, Biển Đông vẫn là nơi có khả năng xảy ra xung đột cao nhất bởi hai cường quốc đều duy trì tàu chiến và máy bay chiến đấu trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết, ông muốn triển khai thêm lực lượng để đối đầu với Trung Quốc và Hải quân Mỹ dường như đang đẩy mạnh các hoạt động hàng hải tự do, thách thức yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, ví dụ như đợt tập trận ở Biển Đông của hai nhóm tàu sân bay Mỹ vào đầu tháng Bảy.

Trung Quốc không phải chúa tể của Biển Đông

Ngoại trưởng Mike Pompeo nhận xét: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Mỹ đứng về phía các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của mỗi quốc gia theo luật pháp quốc tế”.
Trung Quốc ngay lập tức đáp trả, với việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên lên tiếng bác bỏ tuyên bố của ông Pompeo và cáo buộc Mỹ “làm tất cả những gì có thể để khuấy động rắc rối ở Biển Đông, gây chia rẽ mối quan hệ giữa các nước trong khu vực và Trung Quốc”. 

Một phát ngôn viên khác - bà Hoa Xuân Oánh - cho biết, Trung Quốc không có giàn khoan dầu hoạt động tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời nước này cam kết bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.

Nhóm phân tích Eurasia nhận định, “nguy cơ xảy ra tai nạn ở Biển Đông dẫn đến tình trạng bế tắc lớn hơn đã gia tăng do các mối quan hệ ngoại giao xấu đi” và dự đoán, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố khu vực nhận dạng phòng không trên vùng biển, nhằm buộc các máy bay thương mại và quân sự quốc tế công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Cho đến nay, Bắc Kinh đã chiếm giữ nhiều bãi đá hoặc đảo đá ở Biển Đông, xây dựng cảng, hải đăng và đường băng, cũng như cài đặt tên lửa và các thiết bị quân sự khác.
Lập trường mới của Mỹ đánh dấu lần đầu tiên nước này xác nhận rõ ràng bản chất phán quyết của tòa án và tuyên bố rằng, Trung Quốc không có quyền gì đối với vùng biển, dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển nước này. Điều đó sẽ mở đường cho sự phản đối mạnh mẽ hơn đối với các động thái của Trung Quốc nhằm đe dọa đánh bắt cá, khai thác dầu khí, cũng như góp thêm động lực buộc các nước khác phải lên tiếng nhiều hơn. 

Greg Poling - Giám đốc cơ quan Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Washington - giải thích: “Hành động của Mỹ có giá trị to lớn hơn những gì mà nó thể hiện ban đầu. Trước đây, Mỹ vẫn luôn trung lập về việc ai nắm giữ chủ quyền những quần đảo ở Biển Đông, nhưng hiện tại, họ đã đứng về phía các quốc gia Đông Nam Á”. 

Tấn Vĩ (theo The Diplomat, Bloomberg)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI