Mỹ có thể sắp mất ngôi ‘nền kinh tế mạnh nhất thế giới’

11/01/2019 - 08:04

PNO - Công ty dịch vụ tài chính của ngân hàng Standard Chartered mới đây công bố một phân tích khá bi quan đối với Mỹ: nước này có thể vĩnh viễn đánh mất ngôi vị “nền kinh tế mạnh nhất thế giới” trong năm tới.

My co the sap mat ngoi ‘nen kinh te manh nhat the gioi’
Mỹ có thể sẽ sớm mất ngôi vị siêu cường bá chủ thế giới về kinh tế - Ảnh: Getty

Theo phân tích này, sau khi Mỹ mất ngôi vị quán quân vào tay Trung Quốc, đến năm 2030, Mỹ có thể tụt xuống vị trí thứ 3 sau Ấn Độ.

Đến thời điểm này, tổng sản phẩm quốc nội của các nước châu Á sẽ chiếm khoảng 35% GDP toàn cầu, tương đương với sản lượng kết hợp của eurozone và Mỹ, tăng so với 28% năm 2018 và 20% năm 2010. Và trong thập kỷ tới, 6 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể ở châu Á.

Cũng theo nghiên cứu của Standard Chartered, Trung Quốc có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2020, căn cứ theo đánh giá kết hợp giữa tỉ lệ quy đổi ngang bằng sức mua (PPP) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Nếu chỉ tính riêng chỉ số PPP, Trung Quốc đã được coi là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng về danh nghĩa, Mỹ vẫn là nước đứng đầu.

Không chỉ Trung Quốc có khả năng vượt Mỹ vào năm 2020, mà đến năm 2030, thêm Ấn Độ - với mức tăng trưởng GDP hàng năm tăng tốc từ khoảng 6% hiện nay lên gần 8% trong thập kỷ tới – cũng sẽ vượt qua nền kinh tế Mỹ.

Nghiên cứu của Standard Chartered cho biết, "Ấn Độ có thể sẽ là động lực chính, với xu hướng tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 7,8% trong thập niên 2020 nhờ những cải cách sâu rộng đang diễn ra, bao gồm việc áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ quốc gia (GST) và Bộ luật Phá sản của Ấn Độ".

Sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng phản ánh tình hình châu Á sẽ trở thành khu vực kinh tế thống trị của hành tinh khi quy mô sản lượng của nền kinh tế bắt đầu phù hợp với quy mô dân số của khu vực này.

Theo nhận định của nhóm các nhà phân tích Standard Chartered, sự báo tăng trưởng dài hạn của họ căn cứ theo nguyên tắc chính: tỉ lệ GDP của các quốc gia cuối cùng sẽ hội tụ với tỉ lệ dân số thế giới, được thúc đẩy bởi sự hội tụ GDP bình quân đầu người giữa các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi".

Tô Châu (Theo Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI