Mỹ bất ngờ quyết định rút khỏi Syria và những hệ lụy

20/12/2018 - 08:35

PNO - Ngày 19/12 (giờ địa phương), Nhà Trắng tuyên bố đã đánh bại lực lượng phiến quân 'Nhà nước Hồi giáo' tự xưng (IS) ở Syria và rút binh sĩ Mỹ khỏi nơi này.

My bat ngo quyet dinh rut khoi Syria va nhung he luy
Mỹ đã hiện diện hơn 4 năm ở Syria - Ảnh: CNN

Quyết định của chính quyền Trump khiến cho chính giới Mỹ cũng như Syria “hoàn toàn bất ngờ”, vì họ không hề được tham vấn hoặc thông báo trước.

Phát biểu tại Phòng họp khẩn ở Nhà Trắng hồi tháng Tư, Tổng thống Donald Trump kiên quyết tuyên bố “đưa binh sĩ Mỹ từ Syria trở về”. Bất chấp ý kiến phản đối của các cố vấn quân sự và an ninh quốc gia cho rằng quyết định của Tổng thống là “vội vã và không khôn ngoan”, ông Trump vẫn bảo lưu ý kiến và cho họ 6 tháng để thực hiện.

Tám tháng sau, kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Syria được thực hiện, dù cho các cố vấn  cảnh báo rằng hành động này sẽ giúp cho Nga và Iran tạo được bàn đạp vững chắc ở đây. Ngay tại Quốc hội Mỹ, một số đồng minh của ông Trump trong đảng Cộng hòa cũng lưu ý rằng đây có thể là một sai lầm nghiêm trọng.

Liên tục trong nhiều tháng liền các nhà lãnh đạo quân sự, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, đã lên tiếng về sự hiện diện cần thiết của quân đội Mỹ ở miền đông Syria để giúp đất nước Trung Đông này ổn định và tiến hành đàm phán hòa bình.

My bat ngo quyet dinh rut khoi Syria va nhung he luy
Binh lính Mỹ đóng quân tại Manbij, miền bắc Syria - Ảnh: AP

Đồng minh hàng đầu của ông Trump tại Thượng viện là Thượng nghị sĩ (TNS) Lindsay Graham thậm chí còn nói với Phó Tổng thống Michael Pence: “Tôi muốn ngài nói trực tiếp với Tổng thống rằng đây là một sai lầm lớn, quyết định của các ngài cho phép IS một lần nữa giành lại được bàn đạp ở Syria, chúng không hề bị đánh bại ở nước này”. 

Ông Lindsay Graham nhận định, dù lực lượng binh sĩ Mỹ ở Syria chỉ còn là một nhóm nhỏ, nhưng việc rút họ khỏi đây đồng nghĩa với một thắng lợi lớn cho IS. Mặt khác, động thái này còn tạo ưu thế nghiêng hẳn về phía Iran, Nga và chính quyền Syria.

Theo TNS Lindsey Graham, quyết định rút quân của Tổng thống Trump cũng không khác gì tuyên bố giảm lực lượng Mỹ ở Iraq và Afghanistan của cựu Tổng thống Barack Obama.

Về quyết định này của ông Trump, TNS Marco Rubio của đảng Cộng hòa tại tiểu bang Florida gọi đây là một "sai lầm lớn" và đi ngược lại lời khuyên của Lầu Năm Góc.

TNS Dân chủ tiểu bang New Jersey Bob Menendez, người đứng đầu tiểu ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện, cho rằng quyết định của Tổng thống là “một nước cờ nguy hiểm”, có thể gây mất ổn định cho khu vực, đe dọa tới cho đồng minh người Kurd, bất lợi cho Israel và trao lợi thế cho các đối thủ của Mỹ.

My bat ngo quyet dinh rut khoi Syria va nhung he luy
Khoảng 2.000 lính Mỹ đồn trú tại Syria sẽ rút quân về nước - Ảnh: AFP

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố hoan nghênh quyết định của Tổng thống Trump. Tuyên bố nhấn mạnh, quyết định này có thể mang lại “một triển vọng thực sự cho giải pháp chính trị ở Syria”.

Cùng ngày 19/12, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders phát biểu: "Việc đánh bại IS ở Syria không có nghĩa chấm dứt Liên minh Toàn cầu chống IS, cũng như chiến dịch chống lại thế lực khủng bố này”.

Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Dana White thậm chí còn khẳng định rằng cuộc chiến chống IS vẫn tiếp tục, nhưng được chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), phải rất lâu nữa mới có thể tiêu diệt được phiến quân IS. CSIS ước tính 20.000-30.000 chiến binh IS có thể vẫn trụ lại ở Iraq và Syria. Đó chính là lý do để quân đội Mỹ cần lưu lại Syria thêm một thời gian nữa, để bảo toàn các ưu thế về mặt quân sự.

My bat ngo quyet dinh rut khoi Syria va nhung he luy
Bộ Quốc phòng Mỹ chưa đưa ra lịch rút quân cụ thể ở Syria - Ảnh: CNN

Trên thực tế, từ cách đây khá lâu, ông Trump đã đề cập tới việc rút quân khỏi Syria, và nhiệm vụ của lầu Năm Góc là lên lịch trình cụ thể.

Đầu tháng này, Tướng Marine Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, từ chối đưa ra mốc thời gian rút quân đội Mỹ khỏi Syria, cho thấy Mỹ cần một thời gian để thiết lập điều kiện cho một thỏa thuận hòa bình dài hạn.

"Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài để đi, và vì vậy tôi không muốn đưa ra một lịch trình cố định", tướng Dunford phát biểu trên một diễn đàn do Washington Post tổ chức. Quân đội Mỹ, hầu hết là các đơn vị đặc nhiệm, hiện tham gia huấn luyện lực lượng an ninh địa phương ở miền đông Syria.

Quân đội Mỹ chính thức hiện diện ở Syria từ 22/9/2014. Hơn 4 năm qua, Mỹ đã đứng đầu Liên minh Toàn cầu chống lực lượng chiến binh Hồi giáo IS ở Syria và Trung Đông. Và mặc dù IS đã bị đẩy lùi ở nhiều mặt trận, lực lượng này vẫn chưa bị xóa sổ hoàn toàn.

Thiện Đạo (Theo CNN, AP, BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI