Mỹ bắt đầu cuộc đua hỏa lực với Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương

08/05/2020 - 06:03

PNO - Gần đây, Trung Quốc mở rộng đáng kể hỏa lực quân sự. Còn Mỹ đang lên kế hoạch triển khai các tên lửa hành trình tầm xa ở châu Á.

Khi cuộc chiến thương mại và cuộc chiến ngoại giao về dịch bệnh COVID-19 giữa Mỹ và Trung Quốc còn chưa ngã ngũ, Washington đã bắt đầu cuộc đua vũ trang và chiến thuật tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương với Bắc Kinh.

Cuộc đua phát triển hỏa lực

Mỹ dường như đã đứng yên trong những thập niên gần đây, còn Trung Quốc mở rộng đáng kể hỏa lực quân sự. Giờ đây, khi trút bỏ những ràng buộc từ hiệp ước kiểm soát vũ khí thời chiến tranh lạnh, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang lên kế hoạch triển khai các tên lửa hành trình tầm xa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo yêu cầu ngân sách của Nhà Trắng cho năm 2021 và lời điều trần trước Quốc hội vào tháng 3/2020 từ các chỉ huy quân sự cấp cao, Lầu Năm Góc dự định sẽ trang bị cho thủy quân lục chiến các phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk, đồng thời tăng tốc sản xuất các tên lửa chống hạm tầm xa mới.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang nằm yên tại đảo Guam do dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: Reuters
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đang nằm yên tại đảo Guam do dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: Reuters

Động thái của Mỹ nhằm tập trung chống lại lợi thế áp đảo của Trung Quốc về bệ phóng tên lửa đạn đạo trên đất liền. Trong sự thay đổi căn bản về chiến thuật, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ hợp tác với hải quân trong việc tấn công tàu chiến đối phương. Đồng thời, các đơn vị nhỏ và di động của thủy quân lục chiến cũng được trang bị tên lửa chống hạm.

Một phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc - đại tá Wu Qian - cảnh báo vào tháng 10/2019 rằng, Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ nếu Washington triển khai các tên lửa tầm xa trên đất liền ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ thực hiện chiến tranh lạnh và liên tục tăng cường triển khai quân sự trong khu vực.

Mỹ không còn bị giới hạn

Nhân lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực quân sự ở Biển Đông. Ngược lại, Hải quân Mỹ phải giữ tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tại đảo Guam do sự bùng phát dịch bệnh trong thủy thủ đoàn. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ đã cố gắng duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ngoài khơi Biển Đông và biển Hoa Đông. Vào tháng 4/2020, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry đã đi qua eo biển Đài Loan hai lần, còn tàu tấn công đổ bộ USS America đã tập trận ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Giữa lúc Mỹ bị phân tâm bởi gần hai thập niên chiến tranh ở Trung Đông và Afghanistan, Trung Quốc có thêm lợi thế vì không tham gia hiệp ước thời chiến tranh lạnh - Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), vốn cấm Mỹ và Nga sở hữu tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km. Không bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF, Trung Quốc đã triển khai khoảng 2.000 vũ khí dạng này. Nhưng quyết định của Tổng thống Donald Trump năm 2019 về việc rút khỏi Hiệp ước INF đã giúp các nhà hoạch định quân sự Mỹ quay lại cuộc đua.

Kìm hãm sức mạnh của Trung Quốc

Hai chiến lược gia quân sự James R. Holmes và Toshi Yoshihara từ Trường đại học Chiến tranh hải quân (Mỹ) đã đề xuất từ năm 2011 rằng, các chuỗi đảo là rào cản tự nhiên, có thể được quân đội Mỹ khai thác nhằm chống lại hải quân Trung Quốc. Tên lửa chống hạm có thể đi từ chuỗi đảo vào Tây Thái Bình Dương như một phần của chiến lược kìm hãm hải quân Trung Quốc. 

Dù vậy, Mỹ đang đối mặt với những thách thức trong việc nắm quyền kiểm soát chuỗi đảo. Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines - quốc gia nắm giữ chuỗi đảo đầu tiên tại Biển Đông - quyết định xa rời Mỹ và củng cố mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc. Và nếu các lực lượng Mỹ triển khai tên lửa chống hạm tại chuỗi đảo này, một số chiến lược gia tin rằng, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ dễ bị quân đội Trung Quốc tấn công.

Do đó, Lầu Năm Góc quyết định tăng cường hỏa lực tầm xa của máy bay tấn công hiện có ở châu Á. Các máy bay phản lực Super Hornet của hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của không quân Mỹ đã bắt đầu trang bị các mẫu tên lửa chống hạm tầm xa mới của Lockheed Martin. Tài liệu ngân sách cũng cho thấy, Lầu Năm Góc đang tìm kiếm 224 triệu USD để đặt mua thêm 53 tên lửa này vào năm 2021. Đối với hải quân Mỹ ở châu Á, đội máy bay Super Hornet hoạt động từ các hàng không mẫu hạm và được trang bị tên lửa chống hạm mới sẽ mang lại sức mạnh lớn, cho phép các tàu chiến đắt tiền hoạt động cách xa mối đe dọa tiềm tàng. 

Nhìn chung, các tên lửa mới rất quan trọng đối với kế hoạch phòng thủ của Mỹ và đồng minh ở Tây Thái Bình Dương. Khoảng cách quân sự giữa Mỹ - Trung Quốc sẽ không rút ngắn ngay, nhưng hỏa lực từ phía Mỹ sẽ dần được cải thiện. 

Tấn Vĩ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI