Muôn kiểu "mưu kế" của các mẹ chống trao nhầm con ở bệnh viện

13/07/2016 - 07:14

PNO - Người giàu có cách của người giàu, những ông bố bà mẹ ít có điều kiện hơn có cách của họ... để chống trao nhầm con trong mọi hoàn cảnh.

Liên tiếp vụ việc trao nhầm con được phát hiện khiến nhiều người hoang mang, lo sợ, nhất là những bà mẹ chuẩn bị đến giờ "vượn cạn". Chỉ tính trong vòng 4 tháng đến nay, trên cả nước công bố rộng rãi 4 vụ trao nhầm con gây chấn động dư luận. Mới nhất phải kể đến là vụ việc trao nhầm con xảy ra ở tỉnh Bình Phước mới được phát hiện cách đây vài ngày, hay trong tháng trước cũng phát hiện 1 vụ trao nhầm con ở Thanh Hóa.

Nhiều người đặt vấn đề: Nếu quy trình làm việc, chăm sóc, nhận và trao trẻ sơ sinh không được kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ nhầm lẫn con ở các bệnh viện là điều có thể xảy ra, chỉ 1 phút lơ đễnh có thể đánh mất con ruột của chính mình.

Chống nhầm con bằng vòng vàng, có khóa

Báo Phụ nữ TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với các ông bố, bà mẹ, và không ít người rơi vào câu chuyện suýt trao nhầm con. Các bậc phụ huynh bày ra hàng loạt biện pháp "chống nhầm con" tại bệnh viện vừa hài hước, đáng yêu, song cũng khá thông minh và an toàn.

Chị Thu Hương (27 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Chỉ còn 2 tháng nữa là mình lên bàn mổ rồi. Thấy chồng nhắc đi nhắc lại, rậm rịch cả tháng trời về việc tìm bệnh viện tốt nhất cho mình sinh, kinh phí có thể cao hơn nhiều nhưng thấy bảo ở đó ít bé sinh hơn nên người ta làm việc khó nhầm lẫn. Chưa đi đẻ mà hoang mang, đọc tin mà sởn hết cả gai ốc người".

Muon kieu

Chung nỗi lo, chị Nguyễn Thị Giang (31 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Em dâu mình vừa đi đẻ tháng trước. Mẹ mua hẳn cái vòng khóa bằng vàng vừa vặn với chân em bé sơ sinh có đặt mã số và một chìa khóa đoàng hoàng nhé. Khi sinh cháu, đích thân bà đeo vào chân cho bé và cầm chìa khóa.

Tôi thắc mắc, bà nói riêng mấy ngày nay bà đếm được hơn 40 bé sơ sinh, nhỡ y tá tắm xong đưa nhầm hoặc đeo số, hoặc mặc quần áo nhầm thì làm sao. Giờ tôi mới biết các cụ lo cấm có bao giờ thừa".

Bà bầu Bích Ngọc (hiện đang sống ở Mỹ) cũng tham gia chia sẻ cách sinh con tại đây rất quy củ và cẩn thận nên dường như không thể có chuyện "trao nhầm bé sơ sinh được". Cụ thể, chị Bích Ngọc cho biết, mỗi em bé khi vừa ra đời đã được đeo ngay những vòng có gắn chíp giống với mã số của mẹ.

Khi em bé được đặt cạnh mẹ nếu "đặt nhầm" thì chíp tự động kêu inh ỏi. Không những thế nếu ai có ý định bế em bé ra khỏi bệnh viện qua cửa, còi sẽ rú lên báo động. Cho đến ngày xuất viện còn có người kiểm tra, hộ tống nên khó có chuyện nhầm lẫn được, chị Ngọc nói.

Viết lên mông bé, chụp ảnh đôi tai, ngón chân...

Không giống với những gia đình có giàu có, các ông bố, bà mẹ có điều kiện kinh tế bình thường hơn, họ chia sẻ cách vừa dí dỏm và thông minh, các ông bố không thiếu trò để em bé "chính chủ", an toàn tuyệt đối.

Đó là câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Trung (35 tuổi, đến từ Tp. Thanh Hóa), anh Trung bày cách: "Hồi cu cậu nhà mình ra chuẩn bị ra đời, mình lượn cả khu phố mới mua được 2 cây bút dạ chống trôi mực. Trước khi đưa vợ vào viện vượt cạn, mình đưa vợ cầm 2 cây bút ấy và dặn kỹ:

Vào chuẩn bị đẻ gặp bác sĩ đưa bác 1 cái, bảo khi nào em bé vừa ra quyệt hộ cái vào mông em chữ "Bi". Trong trường hợp bác sĩ vội vứt bút đâu không nhớ thì nhớ lấy cái còn lại trên đầu giường đưa lại bác cho chắc chắn. Nghĩ đến hôm đó vẫn hoảng. May quá, cu cậu càng lớn càng giống bố, cấm có nhầm đi đâu được", anh Trung một mực "các bố" cứ làm giống anh thì yên tâm 99,9%.

Muon kieu

Anh Dương Thế Cung (32 tuổi, Vĩnh Phúc) bật mí ngày tháng ấy (dù mới chỉ cách đây 2 tháng) anh đã phải dài cổ, 2 mắt căng đến nỗi không dám nháy vì sợ lơ đễnh cái là nhầm con ngay, anh chia sẻ câu chuyện hài hước:

"Các bác sĩ làm cũng rất cẩn thận, thế nhưng mình vẫn không yên tâm. Vợ đẻ xong phát là mình nhìn con từ lúc cô y tá bế, tắm, vệ sinh, đặt bé ở đâu. Không rời mắt, chỉ sợ người ta bế nhầm. Kể cũng hài, lúc đó buồn tiểu tiện cũng cố nhịn nhất định không đi vì sợ con mình ai bế nhầm mất. Mãi đến khi họ trao con cho, mình ẵm vào giường mẹ nó, con trong tay mẹ rồi, mình mới vội vã đi "giải quyết".

Ai cũng có riêng cho mình chiếc điện thoại chụp hình rõ nét, và đây cũng là cách của không ít các bậc phụ huynh để nhận diện con, bà bầu Thúy Nga (24 tuổi) chia sẻ kinh nghiệm của chính mẹ đẻ của mình 5 lần "đón cháu" sơ sinh:

"Bàn tay, mái tóc và đôi tai, không bé nào giống bé nào. Cứ ra khỏi bụng mẹ cái là bà chạy đôn chạy đáo vào chụp tóc, tai, ngón tay, ngón chân và ngắm thật kỹ khuôn mặt bé bỏng của em. Mỗi lúc bà lại lôi ảnh ra so, ngắm đi ngắm lại. Mình chắc mẩm khó lòng mà nhầm con cho được", chị Nga cười lớn.

Chưa đi đẻ chị Quỳnh Hương (Hà Nội) cũng xông xáo "vắt óc" nghĩ cách cho chồng cẩn thận cho cả trường hợp xấu nhất xảy ra.

"Biết là hi hữu nhưng biết đâu lại có nhầm lẫn thì lỡ dở một đời mẹ, con. Mình dặn kỹ người nhà, trước khi lên bàn đẻ nhớ một người trong gia đình phải túc trực, đăng ký xin vô phòng cùng mình. Những người còn lại xin số điện thoại của tất cả các mẹ đẻ cùng phòng mình hôm ấy. Sau này linh tính không lành mình còn tính chuyện tiếp theo", dường như chị Hương tính toán kỹ càng song không hề thừa.

Theo tìm hiểu của PV, thời gian gần đây, khá nhiều bệnh viện làm việc khá quy củ và nghiêm túc, họ cũng có những biện pháp và nghiệp vụ chuyên nghiệp của mình nên khó có chuyện trao nhầm con như: áp dụng phương pháp da tiếp da ngay khi em bé được sinh ra, sau đó các y tá viết số lên đùi bé; đeo vòng ghi đủ thông tin cả mẹ và bé, vòng đó không được tháo ra cho đến khi xuất viện; hay vòng đánh số giống nhau cho mẹ và bé...

Dù biết vậy, song những nỗi lo thường trực của các ông bố, bà mẹ... là chính đáng, và không hề thừa một chút nào.

Lam Thanh


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI