Mưa lũ đe dọa cuộc sống người dân châu Á

23/07/2025 - 07:06

PNO - Người dân khắp châu Á đang phải chật vật ứng phó với gió mạnh, lở đất, lũ lụt và mưa lớn do thời tiết khắc nghiệt gây ra…

Mưa bão bất thường

Việt Nam vừa trải qua cơn bão nhiệt đới Wipha. Trước đó, cơn bão đã tàn phá một phần Philippines, đổ bộ vào Hồng Kông (Trung Quốc) và các khu vực phía nam Trung Quốc. Theo Hội đồng Quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia Philippines, trận lũ lụt trên diện rộng sau bão đã làm ít nhất 12 người thiệt mạng và mất tích, hơn 800.000 người bị ảnh hưởng.

Tại Hồng Kông, các trường học phải đóng cửa, các chuyến bay bị hủy và cây cối gãy đổ. Đài Quan sát khí tượng Hồng Kông cảnh báo bão cấp 10 - mức cảnh báo lốc xoáy cao nhất. Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia Trung Quốc nhận định, cơn bão Wipha có khả năng ảnh hưởng đến Lào, miền Trung và miền Bắc Thái Lan, Myanmar. Một số khu vực Nam Á, chẳng hạn như Bangladesh và miền Đông Ấn Độ, cũng có khả năng sẽ phải đối mặt với mưa lớn trong những ngày tới.

Một cửa hàng tiện lợi bị phá hủy sau trận mưa lớn ở huyện Gapyeong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc vào ngày 20/7 vừa qua - Nguồn ảnh: Yonhap/EPA
Một cửa hàng tiện lợi bị phá hủy sau trận mưa lớn ở huyện Gapyeong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc vào ngày 20/7 vừa qua - Nguồn ảnh: Yonhap/EPA

Trong khi đó, Cục Khí tượng Hàn Quốc cho biết, mô hình mưa mùa hè của Hàn Quốc ngày càng giống với mùa mưa dữ dội ở Đông Nam Á, do kiểu thời tiết bất thường bị chi phối bởi nhiệt độ cực cao từ lục địa và khối đại dương ấm áp. Theo Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc, sau nhiều ngày, mưa lớn gây ra lũ lụt và lở đất khiến gần 30 người chết và mất tích, tại TP Gapyeong, cách thủ đô Seoul khoảng 62km về phía đông bắc, một số người đã thoát chết trong gang tấc sau trận mưa 173mm trút xuống khu vực này vào ngày 20/7. Bà Ahn Gyeong-bun - chủ một nhà hàng gần như bị phá hủy hoàn toàn - kể: “Mặt đất sụp xuống dưới chân tôi, nước dâng lên đến tận cổ. Tôi đã bám chặt vào một ống sắt gần đó bằng tất cả sức lực để thoát ra ngoài”.

Ở Nam Á, nơi hứng chịu mưa gió mùa hằng năm, mọi thứ dường như đang trở nên tồi tệ hơn. Dữ liệu chính thức cho thấy tỉnh Punjab ở Pakistan đã hứng chịu lượng mưa gió mùa nhiều hơn 124% so với năm 2024. Biến đổi khí hậu gây ra thời tiết khắc nghiệt, sự mở rộng đô thị nhanh chóng và hệ thống thoát nước kém khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Phòng, chống thiên tai: Cần chung tay hành động

Năm 2024, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) lưu ý, các đợt nắng nóng đã bao trùm một khu vực đại dương kỷ lục, khiến nhiệt độ bề mặt biển đạt mức cao nhất từng được ghi nhận. Với việc ấm lên của bề mặt biển châu Á trong 1 thập niên qua, cùng mực nước biển dâng cao gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu ở phía Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, các khu vực ven biển trũng thấp đứng trước nguy cơ bị tàn phá và thương vong nặng nề do mưa bão.

Ông Stefan Uhlenbrook - Giám đốc bộ phận thủy văn, nước và băng quyển của WMO - giải thích: “Lũ quét không phải là hiện tượng mới, nhưng tần suất và cường độ của chúng đang gia tăng ở nhiều khu vực do quá trình đô thị hóa nhanh chóng, thay đổi mục đích sử dụng đất và biến đổi khí hậu”. Năm 2020, lũ lụt nghiêm trọng trên khắp khu vực Nam Á đã cướp đi sinh mạng của hơn 6.500 người và gây thiệt hại kinh tế 105 tỉ USD. 2 năm sau, lũ lụt thảm khốc ở Pakistan khiến hơn 1.700 người thiệt mạng, 33 triệu người bị ảnh hưởng và thiệt hại vượt quá 40 tỉ USD. Năm 2025, chỉ riêng tại Trung Quốc, Bộ Quản lý khẩn cấp báo cáo tổng thiệt hại kinh tế trực tiếp do lũ lụt và thiên tai trong 6 tháng đầu năm là 7,55 tỉ USD.

Bản đồ Viện trợ Đông Nam Á do Viện Lowy (Úc) thực hiện cho thấy mức viện trợ nhằm ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai tại khu vực đạt mức cao kỷ lục 1,4 tỉ USD vào năm 2023 (năm gần nhất có dữ liệu đầy đủ). Tuy con số này chỉ chiếm 5% trong tổng số 29 tỉ USD tài trợ phát triển chính thức vào năm 2023, nhưng nó đang tăng nhanh chóng.

WMO đang đẩy mạnh nỗ lực cải thiện công tác dự báo lũ lụt thông qua sáng kiến toàn cầu và nền tảng hướng dẫn thời gian thực, hiện được sử dụng tại hơn 70 quốc gia. Hệ thống này tích hợp dữ liệu vệ tinh, radar và các mô hình thời tiết độ phân giải cao để cảnh báo các mối đe dọa trước nhiều giờ và đang được mở rộng thành một khuôn khổ do các quốc gia tự làm chủ, có khả năng tương tác toàn cầu.

Linh La (theo CNA, The Interpreter, Metro, Asia Financial)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI