Một thế hệ mồ côi

21/03/2013 - 07:00

PNO - PN - Ngày 19/3/2013 đánh dấu mốc 10 năm chiến dịch do Mỹ đứng đầu, đem quân vào Iraq nhằm chấm dứt chế độ độc tài của Saddam Hussein. Thế nhưng, vào ngày này, thủ đô Baghdad vẫn thấm máu người vô tội, khi xảy ra hàng loạt vụ...

  Mot the he mo coi

Ali Abbas (12 tuổi) trong bệnh viện, khi cha mẹ đã qua đời. 

Theo UNICEF, năm 2012 Iraq có khoảng 800.000 trẻ em mồ côi. Nhưng, trong mắt các nhân viên cứu trợ, con số này lớn hơn nhiều, bởi Iraq vẫn chưa thoát khỏi bóng ma bạo lực. Bạo lực đã giảm mạnh so với thời đỉnh cao cuộc chiến, dù vậy, các cuộc nổi dậy của người Sunni cũng khiến cho trung bình hơn 300 người thiệt mạng mỗi tháng. Khi tiếng súng và các cuộc đánh bom tự sát vẫn nổ ra, ngày càng nhiều trẻ em Iraq rơi vào cảnh mồ côi.

Tháng 3/2003, Ali Abbas mới 12 tuổi, đó là lúc gia đình cậu bé bị tấn công ở Baghdad. Ali mất hai tay và bị phỏng 60% thân thể, những người trong gia đình em đều chết. Hình ảnh Ali khóc trong bệnh viện được lan truyền khắp thế giới. 10 năm sau, Ali đang làm lại cuộc đời ở Anh.

Ali Abbas được điều trị y tế tại Kuwait trước khi đến Anh. Anh học cách sử dụng bàn phím máy tính bằng đôi chân và tham gia các trận đấu bóng đá giữa những người tàn tật. Năm 2010, Ali trở thành công dân Anh và kết hôn với người bạn thời thơ ấu năm 2012. Ali cũng lập một quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em, những người mất chi vì các cuộc chiến, xung đột trên thế giới.

 Mot the he mo coi

Ali Abbas trở thành công dân Anh năm 2010

Năm 2005, Saif (12 tuổi) mất cả cha lẫn mẹ trong một vụ đánh bom và bị thương ở tỉnh Diyala. “Tôi không nhớ những gì xảy ra, chỉ biết là một người đàn ông đã đưa tôi đi. Tôi muốn chết cho rồi khi không còn cha mẹ”. Saif hiện được nuôi dưỡng tại một trại trẻ mồ côi do ông Hisham Hassan thành lập. Theo ông Hassan, nếu những đứa trẻ này không được chăm sóc, khi các em lớn lên sẽ dễ bị những kẻ khủng bố lợi dụng, đó sẽ là mối đe dọa lớn đối với an ninh và tương lai của đất nước.

Tại một trại trẻ mồ côi của nhà nước, Mustafa (17 tuổi) tâm sự: “Tôi giống như một con chim trong lồng, không có ai lắng nghe chúng tôi”. Mustafa được đưa đến đây khi cậu mới 12 tuổi, cha mẹ cậu cũng qua đời vì các cuộc đánh bom. Nơi đây nuôi giữ 52 bé trai, mọi thứ đều đổ nát, sân chơi không thể sử dụng, nhà vệ sinh không có ánh sáng, cửa bị hỏng…

 Mot the he mo coi

Cả một thế hệ trẻ mồ côi Iraq đã tạo ra cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc ở một đất nước với dân số 30 triệu người nhưng lại có chưa tới 200 nhân viên xã hội. Iraq không có luật bảo vệ trẻ em, trong khi đó, phúc lợi xã hội lại là “miếng mồi” để các bè phái đưa ra tranh cãi tại Quốc hội.

Thứ trưởng về các vấn đề xã hội của Iraq, Dara Yara cho biết: “Chúng tôi làm việc ngày đêm để cải thiện các dịch vụ cung cấp cho trẻ mồ côi. Tuy nhiên, kinh phí phân bổ cho việc này rất hạn chế. Đây là vấn đề nhân đạo nhưng lại không được Quốc hội ưu tiên”. Ông Dara Yara cũng nêu lên thực tế, nếu trẻ mồ côi không được chăm sóc đúng mức, khả năng các em bị quân khủng bố lôi kéo là rất lớn.

 VĨNH LINH (Theo BBC, Telegraph, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI