Một luật sư kiện văn phòng luật sư

28/03/2013 - 10:24

PNO - PN - Trong thời gian nghỉ dưỡng thương, bà Đặng Lê Thủy Liễu (SN 1957), ngụ Q.10, TP.HCM, nguyên là luật sư tại Văn phòng luật sư Phạm và liên danh (VPLSPVLD) - Chi nhánh TP.HCM đã bị văn phòng này cho nghỉ việc.

Tháng 7/2005 bà Liễu vào làm việc tại VPLSPVLD - chi nhánh TP.HCM. Ngày 1/11/2005, bà ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, công việc cụ thể liên quan đến sở hữu trí tuệ, tranh tụng tư vấn pháp luật kinh doanh và phiên dịch kiêm dịch thuật tiếng Anh với mức lương chính 1.500.000đ/tháng. Từ ngày 1/4/2011, mức lương cơ bản của bà là 3.500.000đ/tháng, mức thưởng năng suất tối đa là 5.000.000đ/tháng.

Ngày 5/2/2012, bà Liễu bị bỏng chân trái độ II do tai nạn giao thông. Do vết thương lâu lành nên từ ngày 6/2 đến 17/2/2012, bà làm đơn xin nghỉ phép năm, rồi nghỉ bệnh (có giấy của bác sĩ). Các đơn xin nghỉ phép bà đều nộp trực tiếp và đều được trưởng chi nhánh chấp thuận.

Trong khi bà Liễu đang nghỉ phép để điều trị vết thương thì ngày 8/2/2012, trưởng chi nhánh tại TP.HCM ra quyết định cho bà thôi việc kể từ ngày 8/2/2012 mà không báo trước. Bà Liễu bức xúc: “Từ khi làm việc tại VPLSPVLD tôi không hề vi phạm kỷ luật. Ngày 19/3/2012, do vết thương bị bỏng sâu, nhiễm trùng nặng nên bác sĩ yêu cầu tôi phải nhập viện để phẫu thuật. Tôi có báo với văn phòng về việc này nhưng trưởng chi nhánh vẫn cử người đến nhà gặp tôi để đưa quyết định thôi việc và yêu cầu tôi bàn giao công việc. Tôi đã bàn giao tất cả như yêu cầu. Đến ngày 16/4/2012, tôi nhận được thông tin từ Văn phòng “đính chính” là tôi đến tuổi nghỉ hưu nên phải ra quyết định thôi việc và không cần phải báo trước cho tôi trong trường hợp này”.

Mot luat su kien van phong luat su

Bà Liễu trình bày sự việc

Bỗng dưng bị cho thôi việc, bà Liễu đã nộp đơn khởi kiện VPLSPVLD tại TAND Q.1, TP.HCM. Theo biên bản hòa giải ngày 10/1/2013 của TAND Q.1, bà Liễu cho rằng VPLSPVLD cho bà thôi việc là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, bà Liễu yêu cầu tòa án tuyên bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, buộc bị đơn nhận làm việc trở lại và bồi thường cho bà tổng cộng 47.250.000đ.

Ông Nguyễn Thành Long - đại diện theo ủy quyền VPLSPVLD trình bày: Đến ngày 1/4/2012, bà Liễu đủ 55 tuổi, tức được xem là lao động cao tuổi theo quy định tại điều 123 Bộ luật lao động (BLLĐ). VPLSPVLD - chi nhánh TP.HCM không có nhu cầu kéo dài HĐLĐ với bà Liễu khi đủ tuổi nghỉ hưu nên ngày 30/12/2011, Trưởng VPLSPVLD tại Hà Nội đã có giấy ủy quyền cho Trưởng chi nhánh VPLSPVLD tại TP.HCM (nơi bà Liễu làm việc) để thông báo chấm dứt HĐLĐ với bà Liễu. Việc Văn phòng cho bà Liễu thôi việc là do hết tuổi lao động, Văn phòng không đồng ý yêu cầu bồi thường và không nhận bà Liễu trở lại làm việc.

Tuy nhiên, bà Liễu cho rằng trước ngày ra tòa, bà không hề nhận được thông báo chấm dứt HĐLĐ. Do không đạt thỏa thuận trong phiên tòa hòa giải, bà Liễu nói sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện.

Luật sư Trần Mạnh Thắng (văn phòng luật sư Luật Tín Nghĩa khẳng định: việc VPLSPVLD đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ vì lý do NLĐ đến tuổi hưu là trái luật. Còn luật sư Nguyễn Lễ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng: Về thủ tục chấm dứt hợp đồng, tuy pháp luật không quy định cụ thể trường hợp chấm dứt HĐLĐ với người cao tuổi nhưng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ thì NSDLĐ nên áp dụng điểm a, khoản 3, điều 38 BLLĐ báo cho NLĐ biết trước ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn để họ chuẩn bị về tâm lý khi nghỉ hưu. Khi NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật thì căn cứ điều 41 BLLĐ buộc phải nhận NLĐ trở lại làm việc và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày NLĐ không được làm việc, cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có). Trường hợp NLĐ không muốn trở lại làm việc, thì ngoài khoản tiền được bồi thường còn được trợ cấp theo quy định. Nếu NSDLĐ không muốn nhận NLĐ trở lại làm việc và NLĐ đồng ý thì ngoài khoản tiền bồi thường và trợ cấp, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho NLĐ để chấm dứt HĐLĐ.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI