Mối “duyên” của Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Duy

19/07/2020 - 17:39

PNO - Cho đến nay, gần 50 năm trôi qua, Thà như giọt mưa đã trở thành một trong những ca khúc kinh điển về nhạc phổ thơ, được lưu truyền khắp từ Nam ra Bắc và là một trong những tác phẩm bất hủ sống mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ khán giả.

Phạm Duy từng viết trong hồi ký của ông rằng: “Đi qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, đó là Nguiễn Ngu Í, Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên…”.

Trong số đó, có thể nói, cuộc gặp gỡ giữa âm nhạc của Phạm Duy và thơ của Nguyễn Tất Nhiên là một trong những cuộc hạnh ngộ định mệnh mang đến cho văn nghệ Việt Nam những tác phẩm vô cùng quý giá. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến ca khúc Thà như giọt mưa. 

“Khúc tình buồn” của Nguyễn Tất Nhiên với người con gái tên Duyên

Thà như giọt mưa được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ Khúc tình buồn, nằm trong tập thơ Thiên tai, xuất bản năm 1970 của Nguyễn Tất Nhiên. Khúc tình buồn là câu chuyện về mối tình tuyệt vọng của thi sĩ với người con gái mà ông đem lòng thương nhớ từ thuở học trò 14, 15 tuổi.

Thuở ấy, cả hai cùng học chung trường Ngô Quyền ở Đồng Nai. Nguyễn Tất Nhiên (khi đó còn là cậu học trò Nguyễn Hoàng Hải) đã thầm thương trộm nhớ cô bạn học gốc Bắc tên Bùi Thị Duyên, nhưng Duyên vẫn chỉ coi Hải là bạn. Buồn bã vì bị chối từ, Hải chỉ biết gửi gắm tâm tư vào những vần thơ. 

Nói về sự nghiệp thơ ca, Nguyễn Tất Nhiên là người sống vì thơ ca và chết cũng vì thơ ca. Những mối tình vô vọng, những đớn đau của tình ái, những cung bậc cảm xúc quay cuồng giữa nhớ nhung, yêu ghét đã làm nên một hồn thơ Nguyễn Tất Nhiên lãng mạn và duy mỹ đến tận cùng.  

Năm 1970, Nguyễn Tất Nhiên xuất bản tập thơ Thiên tai. Tập thơ có nhiều bài nhắc trực tiếp đến “Duyên” như: Đi trong mưa nhớ Duyên hay Bài hối trên tay Duyên… Tập thơ được lan truyền rất nhanh và tất nhiên, tất cả người đọc đều biết tập thơ được thi sĩ viết riêng cho Duyên, cô bạn mà thi sĩ vẫn thầm thương trộm nhớ. Duy chỉ có cô Duyên vẫn một mực khước từ: “Tôi biết sự hình thành quyển thơ Thiên tai, tất cả bạn bè trong lớp cũng biết... Dĩ nhiên là phải xúc động bởi nguyên một quyển thơ viết cho tôi. Nhưng tôi đã nói với anh ấy ngay từ đầu là mình làm bạn thôi. Nếu có ý gì đó thì tôi không gặp nữa. Về sau Nguyễn Tất Nhiên phải công nhận là muốn làm bạn, để còn được tiếp tục gặp nhau. Chắc anh ấy cũng quý tôi lắm…”.

Ngày 5/8/1974, trong lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Ngọc số 141, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên cũng tiết lộ: “Tôi nhớ rằng mình đã bỏ học gần trọn năm với tập thơ này, chỉ vì Duyên. Vâng, thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học của tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài…”.

Câu chuyện tình ngốc dại ấy của Nguyễn Tất Nhiên dành cho cô Duyên cũng trở thành cảm hứng để ông viết một loạt tác phẩm lớn trong cuộc đời sáng tác của mình như: Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Em hiền như ma soeur, Duyên của tình ta con gái Bắc… Tất cả những cung bậc cảm xúc trong mối tình ấy cũng trở thành chất liệu chính tạo nên phong cách thơ tình “dị biệt” của Nguyễn Tất Nhiên cho đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Sau này, cả Nguyễn Tất Nhiên và bà Bùi Thị Duyên đều sống trên đất Mỹ nhưng hai người không có dịp gặp lại nhau lần nào. Nhà thơ cũng kết hôn với người khác và có hai đứa con. Tuy nhiên, những năm cuối thập niên 80, thời gian ông sống tại Hoa Kỳ, Nguyễn Tất Nhiên rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề. Ngày 3/8/1992, ông đã tự tử trong một chiếc xe hơi ở bang California, khi tuổi đời vừa tròn 40.

Phạm Duy - Thiên tài ghép nhạc vào thơ

Thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, văn nghệ Sài Gòn nhiều biến động và đa màu sắc. Một loạt gương mặt ưu tú trên thi đàn của miền Nam Việt Nam xuất hiện trong giai đoạn này như Bùi Giáng, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền…

Tuy nhiên, giữa những hồn thơ mang đầy những lớn lao đại sự một cách sang trọng của thời kỳ ấy, thơ Nguyễn Tất Nhiên lại nổi bật lên với một nét độc đáo riêng biệt. Thơ ông như đại diện cho một hồn thơ thuần khiết và gần gũi, một chút “tiểu tự sự nho nhỏ” vừa ngây dại vừa ngông cuồng. Và có lẽ, chính cái trong trẻo đến kỳ lạ, hiếm có ấy trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã khiến Phạm Duy cùng nhiều nhạc sĩ nổi danh thời ấy như Anh Bằng, Nguyễn Đức Quang... phải chú ý đến.

Trong lịch sử âm nhạc, làm nhạc phổ thơ không dễ, nhạc phổ thơ mà cho hay, cho vừa vặn, để nhạc không lấn át thơ, thơ cũng không bị gượng ép bởi nhạc, càng khó bội phần. 

Ẩn sâu trong những ngôn từ táo bạo, ngông nghênh của Nguyễn Tất Nhiên, lẩn khuất đâu đó vẫn có chút “âm tính” mềm mại, pha chút yếu đuối, bi lụy đến tội nghiệp. Những điều này có lẽ đặc biệt phù hợp với chất nhạc phóng khoáng, hào sảng đầy “dương tính” trong âm nhạc của Phạm Duy.

Có thể nói, nhạc sĩ Phạm Duy, bằng sự lão luyện tài hoa, đã chinh phục những dòng thơ tình kỳ lạ của Nguyễn Tất Nhiên, mang đến cho tác phẩm một hơi thở mới, một sức sống mới. Sau này, Phạm Duy còn phổ nhạc nhiều bài thơ nữa của Nguyễn Tất Nhiên, mà tác phẩm nào cũng trở nên nổi tiếng và được yêu thích, trong đó nổi bật nhất có thể kể đến: Cô Bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như ma soeur, Anh vái trời

Phạm Duy có kể lại trong hồi ký của ông rằng: “Tôi gặp Nguyễn Tất Nhiên trong bầu không khí thơ ở miền Nam hơi nặng nề vào lúc đó, đầy rẫy những bài thơ chủ đề về chiến tranh, hòa bình… thì thơ của chàng thư sinh mới 17 tuổi này là thơ phi chính trị… Thơ rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh, theo tôi, nếu đem phổ nhạc cũng sẽ rất hợp với giọng hát trẻ trung của Duy Quang trong ban nhạc gia đình là ban The Dreamers mà tôi đang cần “lăng-xê”.

Khúc tình buồn là bài thơ đầu tiên của Nguyễn Tất Nhiên mà nhạc sĩ Phạm Duy chọn để phổ nhạc, ca khúc hoàn thành năm 1972. Sau khi phổ nhạc, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã đặt lại tên ca khúc thành Thà như giọt mưa. Ngay từ khi vừa phát hành qua tiếng hát của nam ca sĩ Duy Quang, ca khúc liên tục được phát trên đài phát thanh Sài Gòn và được giới trẻ miền Nam thời ấy say sưa nghe đi nghe lại.

Một trong những điều thú vị là, trong nguyên bản bài thơ Khúc tình buồn, Nguyễn Tất Nhiên không hề nhắc đến tên “Duyên” nhưng từ những cảm nhận và thấu hiểu của mình, Phạm Duy đã “tự ý” thêm chữ “Duyên” vào ca khúc. Điều này không hề khiến Nguyễn Tất Nhiên phật ý mà ngược lại, thi sĩ vô cùng thích thú và hài lòng vì phần nhạc và phần lời của ca khúc đều rất hợp lý, gợi cảm xúc mà không hề bị khiên cưỡng. Phần lời ca khúc Thà như giọt mưa được Phạm Duy sửa lại như sau:

“Thà như giọt mưa, vỡ trên mặt Duyên
Để ta nghe thoáng, tiếng mưa vội đến
Những giọt run run ướt ngọn lông măng
Khiến người trăm năm, đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên, đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên, đau khổ muôn niên
”.

Gần 50 năm hiện diện trong âm nhạc Việt Nam, ca khúc Thà như giọt mưa được hàng loạt ca sĩ lớn trong và ngoài nước thể hiện. Ngoài phiên bản đầu tiên thành công nhất của danh ca Duy Quang, về sau, nhiều ca sĩ đã chọn ca khúc này để thể hiện lại như Ngọc Lan, Elvis Phương, Vũ Khanh, Lê Uyên Phương… hay mới đây nhất có Bằng Kiều, Đức Tuấn, Uyên Linh… 

Lan Anh

 

 

 

 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Kim Hương 01-12-2020 15:28:12

    Cảm ơn tác giả bài viết, tôi vốn yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên và nhạc Phạm Duy giờ mới biết thêm nhiều điều về bài Thà như giọt mưa, hay lắm

  • Nguyễn Phúc Hội 03-08-2020 14:17:56

    Với hai tác gia này khen lắm cũng thiếu...lời! Cảm ơn tác giả bài báo!

  • nguyễn phương 20-07-2020 04:43:24

    Phạm Duy là một trong những nhạc sĩ phổ nhạc từ các bài thơ hay nhất ,cái hay của ông là phần lớn đều giữ gần như nguyên vẹn bài thơ ,biến bài thơ thành bản nhạc có khi hay hơn bài thơ ,một vài điển hình như : Ngậm ngùi ,Thuyền viễn xứ ,Đây thôn Vĩ dạ...

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI