"The way home": Dành tặng những người già trên thế gian

16/07/2020 - 07:26

PNO - Gần 20 năm trôi qua, mỗi lần xem lại The way home (2002), vẫn còn đó nỗi day dứt trong lòng. Đó là một bộ phim đẹp và buồn, dành tặng tất thảy những người già trên thế gian.

Tình thân giản đơn

Bộ phim được Lee Jeong-hyang viết kịch bản và sản xuất, dựa trên những hồi ức về bà ngoại mình. Ngoài vai cậu bé Sang Woo (do Yoo Seung Ho đảm nhận), những diễn viên trong phim đều được tuyển từ những cư dân của một ngôi làng hẻo lánh tại Youngdong, tỉnh Bắc Chuncheong, Hàn Quốc. 

Sang Woo bảy tuổi, sống ở Seoul, bắt buộc phải về sống cùng bà ngoại 77 tuổi ở một vùng quê hẻo lánh, trong lúc mẹ cậu tìm việc làm. 

The way home - bộ phim buồn bã về những người già sống cô đơn nơi miền quê
The way home - bộ phim buồn bã về những người già sống cô đơn nơi miền quê

Nếu người bà trong Bà nội Găngxtơ có thể lên kế hoạch về việc tổ chức “một vụ cướp” để tạo hứng khởi cho người cháu trai, hay bà nội trong Miss Granny có thể ca hát cùng cháu... thì bà ngoại của Sang Woo không thể nói, không thể đọc, và viết. Bà chỉ là một người già sống lặng lẽ ở một miền quê hẻo lánh, không có điện thoại, ti vi hay bất kỳ một thiết bị điện tử nào. 

Miền quê ấy nghèo nhưng cũng lấp lánh vẻ đẹp rạng rỡ của thiên nhiên với màn sương che khuất mặt trời, ngôi nhà sàn gỗ lưng chừng núi, cánh đồng lúa nhấp nhô, con đường nhỏ ngoằn ngoèo, lầy lội... Trong khung cảnh ấy, người bà hiện lên với dáng vẻ chậm chạp, già nua, cố gắng chăm sóc đứa cháu bé bỏng của mình.

Theo dõi những hành động của bà đối với Sang Woo, cảm thấy dường như đi đến đoạn cuối cuộc đời, tình yêu thương của bà đều được gom góp lại để trao cho đứa cháu bé thơ. 

Bộ phim được Lee Jeong-hyang viết kịch bản và sản xuất, dựa trên những hồi ức về bà ngoại mình.
Bộ phim được Lee Jeong-hyang viết kịch bản và sản xuất, dựa trên những hồi ức về bà ngoại mình.

Và để đáp lại tình yêu thương ấy, cậu bé Sang Woo hôm qua còn cau có, nay đã biết chăm bà ốm, dọn bữa cho bà, rút áo quần khi trời đổ mưa, dạy bà viết chữ, tặng cả món đồ chơi yêu thích nhất của mình cho bà... Những chi tiết nhỏ nhặt ấy, được đạo diễn Lee Jeong-hyang khéo léo sắp đặt trong bộ phim, khiến chúng dệt thành bức tranh đẹp về tình thân giản đơn.

Trong cuốn sách Xứ con người, Saint - Exupéry đã tạo nên một bức tranh đầy chiều kích về vẻ đẹp của thiên nhiên, của trái đất. Ở đó, ông từng cảm nhận rằng, thiên nhiên ôm chúng ta vào lòng. 

Xem The way home, thốt nhiên tôi có cảm giác ấy. Bà của Sang Woo, đã có thể “cảm hóa” cậu bé thành thị ngỗ ngược, ích kỷ bằng sự ấm áp, bao dung, hiền hòa của mình. Trong lần đầu gặp gỡ, khi bà chạm tay lên ngực, nhìn về phía cậu như muốn nói, bà yêu cháu lắm, Sang Woo khó chịu, vẫy vùng. Nhưng đến khi phải tạm biệt bà để về lại thành phố với mẹ, cậu chạy về phía cuối xe, nhìn theo bà, chạm tay lên ngực mình và khóc. Hai bà cháu, nhìn nhau, rồi mất hút…

Ngoài vai cậu bé Sang Woo, những diễn viên trong phim đều là diễn viên vô danh.
Ngoài vai cậu bé Sang Woo, những diễn viên trong phim đều là diễn viên vô danh.

Xã hội đương đại thu nhỏ

Trong bộ phim The way home, có một cảnh khiến tôi day dứt mãi, khiến The way home trở thành bộ phim buồn bã về những người già sống cô đơn nơi miền quê. Đạo diễn Lee Jeong-hyang đã tìm được cách cài cắm những chi tiết rất nhỏ, nhưng lại chất chứa tiếng nói biểu lộ một thực trạng của xã hội đương đại.

Khi Sang Woo cố gắng nói với bà rằng cậu muốn ăn món gà rán KFC, thì bà lại đem đến cho cậu món gà luộc. Khi Sang Woo tức giận hất đổ bát cơm, máy quay lặng lẽ chĩa vào hình ảnh già nua, chậm chạp của bà. Khuôn mặt nhăn nheo, không tức giận của bà ngoại ở quê và sự ích kỷ giãy giụa của cậu bé thành thị đặt trong một khung hình, gợi nhắc đến những khung hình trong phim của đạo diễn Ozu. Từ Ngày cuối cùng của mùa hè, Câu chuyện Tokyo, đến Xuân sớm, Thu muộn... đều có những người già đi lại, lặng lẽ như dần trôi về cõi vô hình của thế gian.

Trong đoạn cuối của The way home, hình ảnh người bà còng lưng đi bộ trên con đường dốc, loanh quanh trở về nhà, là khoảnh khắc chất chứa nhiều day dứt, xót xa. Những đứa con lớn lên và ra đi. Những người già ở lại, thu xếp đời mình từng ngày, cô đơn, và trôi dần về với cát bụi.

Ra đời gần 20 năm, The way home đến nay vẫn để lại nhiều xúc động cho người xem
Ra đời gần 20 năm, The way home đến nay vẫn để lại nhiều xúc động cho người xem

Ta có thể bắt gặp cảnh ấy trong bộ phim Thu muộn của Yasujiro Ozu, khi người mẹ góa giục con gái đi lấy chồng, người con đã hỏi mẹ rằng: “Liệu mẹ không thấy cô đơn hay sao?”. Người mẹ đáp: “Mẹ sẽ cô đơn, nhưng mẹ phải chịu đựng nó. Mẹ sẽ ổn cả thôi”. 

The way home, những bước chân chậm rãi của bà ngoại trong khung cảnh cuối phim được quay bằng máy quay tĩnh và rộng, gợi nên cảm giác xa xăm, hun hút của đời người. Bằng sự tinh tế, nhạy cảm và đầy thẩm mỹ, nữ đạo diễn Lee Jeong-hyang đã có thể một lần nữa khiến hình ảnh những người bà trở nên đẹp đẽ, u uẩn. Khung cảnh chan chứa chất thơ ấy, cũng là cách để cô gửi gắm tình yêu thương đến người bà trong ký ức của mình. Ở điểm này, cô có những góc nhìn tinh tế gặp gỡ với nữ đạo diễn Naomi Kawase (Nhật Bản) - với bộ phim tài liệu đầu tay Kawase đã tái dựng lại hình ảnh của ông bà mình - để từ đó “thăm dò” những bí ẩn sâu thẳm của tình cảm con người.

Trailer phim The way home:

 

 

Máy quay của Lee Jeong-hyang và Naomi Kawase đều tìm kiếm nội tâm sâu thẳm ấy, có lẽ bởi thế, những thước phim của họ có khả năng “đánh động” những kín đáo, riêng tư nhất của người xem. Cuộc đời phải kết thúc nhưng điện ảnh lưu giữ nó theo những cách thật bí ẩn. Có lẽ ấy cũng là nguyên cớ khiến hình ảnh người bà trong The way home lấp lánh mãi trong nắng chiều không tắt. 

Phong Linh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI