Mối đe dọa từ biến đổi khí hậu đang tăng

17/03/2024 - 18:30

PNO - Châu Âu có thể hứng chịu hậu quả thảm khốc từ biến đổi khí hậu nếu không có hành động khẩn cấp và quyết đoán để thích ứng với rủi ro.

Ngày 11/3, Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) đã đưa ra cảnh báo: châu Âu có thể hứng chịu hậu quả thảm khốc từ biến đổi khí hậu nếu không có hành động khẩn cấp và quyết đoán để thích ứng với rủi ro. 

Lính cứu hỏa chiến đấu với đám cháy gần làng Piedrafita, vùng Asturias, Tây Ban Nha vào tháng 3/2023 - Nguồn ảnh: Reuters
Lính cứu hỏa chiến đấu với đám cháy gần làng Piedrafita, vùng Asturias, Tây Ban Nha vào tháng 3/2023 - Nguồn ảnh: Reuters

Cụ thể, những mối nguy hiểm chung bao gồm hỏa hoạn, thiếu nước và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; các vùng ven biển thấp phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt, xói mòn và xâm nhập mặn. EEA cho biết: “Nắng nóng cực độ, hạn hán, cháy rừng và lũ lụt như đã xảy ra trong những năm gần đây sẽ trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu”.

Báo cáo của EEA liệt kê 36 rủi ro liên quan đến khí hậu ở châu Âu; 21 trong số đó thuộc loại yêu cầu hành động ngay lập tức; 8 rủi ro được xem là "đặc biệt khẩn cấp". 

Đứng đầu danh sách là rủi ro đối với các hệ sinh thái - chủ yếu liên quan đến các hệ sinh thái ven biển và trong lòng đại dương - do sự kết hợp của các đợt nắng nóng cũng như hiện tượng a xít hóa và cạn kiệt ô xy ở biển. Bên cạnh đó, các yếu tố khác do con người gây ra như ô nhiễm, sai lệch hệ sinh thái cũng như hoạt động đánh bắt cá bừa bãi có thể dẫn đến mất sự đa dạng sinh học.

Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và hủy hoại những thành tựu về phát triển bền vững đạt được trong những thập niên gần đây. Báo cáo công bố vào tháng 2/2024 do Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP), Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hiệp quốc về châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện cảnh báo: “Biến đổi khí hậu là yếu tố quyết định gây ra đói nghèo”.

Bà Kanni Wignaraja - trợ lý Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP - nhận xét: “Mối liên hệ giữa nạn đói - nghèo đói - khí hậu không ngừng siết chặt các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất”. 

Báo cáo Phát triển con người mới nhất của UNDP về khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng cho biết: nhiên liệu hóa thạch vẫn chiếm 85% tổng mức tiêu thụ năng lượng tại khu vực. Trung bình, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương hứng chịu 6 thảm họa thiên nhiên mỗi năm trong 3 thập niên qua - nhiều gấp đôi so với các nước đang phát triển ở châu Mỹ Latinh - vùng Caribe, gấp khoảng 3 lần so với khu vực châu Phi cận Sahara.

Chỉ riêng năm 2022, các hiện tượng thời tiết cực đoan có liên quan đến việc hơn 7.500 người tử vong, ảnh hưởng đến hơn 64 triệu người và gây thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 57 tỉ USD cho khu vực. 

Tấn Vĩ (theo AFP, Japan Times, UN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI