Biến đổi khí hậu khiến mùa hè kéo dài hơn

08/09/2023 - 14:50

PNO - Thống kê của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, hiện tượng Trái đất ấm lên khiến mùa hè dài hơn từ 2 đến 3 lần trên phạm vi toàn cầu.

 

Một người đàn ông giải nhiệt ở trạm phun sương do thành phố tổ chức ở Vancouver, British Columbia - Ảnh: AP
Một người đàn ông giải nhiệt ở trạm phun sương do thành phố tổ chức ở Vancouver, British Columbia, Canada - Ảnh: AP

Nghiên cứu mới của tổ chức phi lợi nhuận Climate Central cho thấy, trong mùa hè nắng nóng với nhiệt độ kỷ lục năm nay, hệ quả của biến đổi khí hậu đã lan đến hầu hết mọi nơi trên hành tinh, theo bài báo của CNN ngày 7/9.

Theo đó, các nhà nghiên cứu của Climate Central - tổ chức có trụ sở ở thành phố Princeton (bang New Jersey, Mỹ) - đã lập bản đồ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dựa trên dữ liệu thay đổi nhiệt độ ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ phát hiện, từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, 98% dân số toàn cầu, tức khoảng 7,95 tỉ người, đã trải qua nhiệt độ mùa hè với thời gian ít nhất gấp đôi bình thường.

Tiến sĩ Andrew Pershing, tác giả chính của công trình, cho biết: “Ở mọi quốc gia mà chúng tôi có thể phân tích, gồm cả Nam bán cầu, nơi đáng ra ở vào thời điểm mát mẻ nhất trong năm, chúng tôi nhận thấy nhiệt độ vẫn cao bất thường, trong một số trường hợp gần như không thể xảy ra”.

Theo đó, gần một nửa nhân loại, khoảng 3,9 tỉ người, đã trải qua thời gian nắng nóng của mùa hè kéo dài hơn khoảng 30 ngày so với trước đây, trong tình hình hành tinh ấm lên do khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông Pershing cho biết, hiện tượng này biểu hiện ở một số bang của Mỹ như Hawaii, Arizona, New Mexico, Texas, Louisiana và Florida.

Trích dẫn báo cáo, ông Pershing lưu ý, những quốc gia ít phát thải khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm nhất lại có số ngày mùa hè nhiều hơn từ 3 đến 4 lần, “với dấu ấn biến đổi khí hậu rất rõ ràng”, so với các nền kinh tế lớn nhất.

Tiến sĩ Pershing nói với CNN: “Luôn có một độ trễ giữa số liệu thống kê toàn cầu, mà các nhà khoa học sử dụng để theo dõi biến đổi khí hậu, và trải nghiệm hàng ngày của người dân trên khắp thế giới”.

Vị chuyên gia khí hậu cảnh báo: “Không có nơi nào để trốn tránh và không có lối thoát cái nóng. Thực sự không có nơi nào trên thế giới còn an toàn trước biến đổi khí hậu. Chúng ta đều muốn nghĩ rằng mình có thể lánh đến đâu đó và mọi thứ sẽ ổn trở lại, nhưng mọi nơi trên hành tinh đều cảm nhận được Trái đất ấm lên”.

Báo cáo của Climate Central được công bố ngay sau khi Cơ quan nghiên cứu biến đổi khí hậu Copernicus, của Liên minh châu Âu, cập nhật dữ liệu vào ngày 6/9 vừa qua cho thấy, mùa hè năm nay thiết lập kỷ lục nhiệt độ mới, chênh lệch đáng kể so với cùng kỳ.

Theo đó, tháng Sáu, tháng Bảy và tháng Tám năm nay đều phá kỷ lục toàn cầu về những tháng nóng nhất. Copernicus cho biết, nhiệt độ trung bình cả tháng Bảy và tháng Tám đều ấm hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tiếp tục đánh dấu sự vi phạm ngưỡng quan trọng mà giới khoa học thường cảnh báo thế giới phải duy trì.

Cũng theo Copernicus, thời gian từ tháng Sáu đến tháng Tám năm nay là giai đoạn ấm nhất trong khoảng 120.000 năm gần đây, với nhiệt độ trung bình là 16,8 độ C, chênh lệch đáng kể so với các kỷ lục trước đó, bao gồm kỷ lục năm 2019 là 16,48 độ C. Tháng 8/2023 cũng là tháng Tám nóng nhất trong lịch sử.

Tiến sĩ Pershing kết luận: “Chúng ta đều biết chuyện này sẽ đến. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục đốt than, dầu và khí đốt tự nhiên thì chúng ta càng phải trải qua nhiều sự kiện nắng nóng bất thường”.

Trường An (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI