Mình sẽ cùng nhau ngắm bình minh

29/08/2021 - 10:30

PNO - Anh chỉ ước dịch bệnh chóng qua, bình yên sớm trở về với thành phố mình, đất nước mình. Khi đó, anh muốn được chở em và các con đi dạo.

Hơn 5 năm về chung một nhà, cùng sống và làm việc trong thành phố, chị Võ Thị Tú Hạnh không nghĩ sẽ đến một ngày chị lại gặp chồng qua những bức thư thay vì tiếng xe máy đỗ xịch trước cổng và tiếng lách cách mở ổ khóa mỗi khi anh đi làm về.

Chị Hạnh là chiến sĩ công an công tác tại Công an P.Hòa Thọ Đông (Q.Cẩm Lệ), còn chồng chị là đại úy Đồng Đắc Anh, Phó Ban tham mưu (Biên phòng cửa khẩu cảng Đà Nẵng).

“Mọi năm, đến ngày 19/8, ngày truyền thống ngành công an, cả nhà lại quây quần bên nhau dùng bữa cơm nhà ấm áp. Nay tình hình dịch phức tạp, cứ nghĩ chỉ gọi điện, nhắn tin cho nhau là được, ai ngờ anh gửi thư khiến tôi vô cùng xúc động. Anh sống rất tình cảm, yêu thương vợ con…”, chị Hạnh chia sẻ.

Vợ chồng đại úy Đồng Đắc Anh và đại úy Võ Thị Tú Hạnh
Vợ chồng đại úy Đồng Đắc Anh và đại úy Võ Thị Tú Hạnh

Chồng chị Hạnh mở đầu lá thư bằng những lời yêu thương: “Em à, cả đêm anh không sao ngủ được. Sau những ngày nắng nóng, Đà Nẵng đón cơn mưa nhẹ giữa dịch COVID-19 nhưng dường như không đủ để làm phai đi ý chí, tinh thần chống dịch của thành phố chúng ta.

Em biết không, vợ chồng mình thật may mắn, hạnh phúc vì được cùng đồng đội chung tay với chính quyền thành phố chống dịch để đem lại sự bình an cho quê hương. Anh tin rằng rồi mọi thứ sẽ ổn, Đà Nẵng nhất định sẽ chiến thắng. Những hy sinh cá nhân của mỗi chiến sĩ, trong đó có em và anh, nào có nghĩa lý gì, phải không em?

Một nửa của anh tuyệt vời lắm! Anh nhớ có lần bị mẹ trách: “Con phải dành thời gian lo cho vợ, sao cứ vắng nhà miết vậy con?”.

Em nhớ không, bé Khánh Ngọc lúc mới sinh ra chưa tròn ba tháng thì anh phải đi công tác. Những hôm nghỉ phép, tranh thủ về thăm gia đình mà con không nhận ra ba, anh ôm con mà lòng quặn đau, rồi chưa kịp để con quen mùi ba thì anh lại đi.

Giờ đây, em vừa là hậu phương lớn của anh vừa là tiền tuyến lớn khi sát cánh bên đồng đội trực đêm ngày, đôi vai em thật nặng gánh biết bao!

Hôm rồi em báo tin vợ chồng mình chuẩn bị chào đón thành viên mới, chao ôi, tâm trạng anh thật sự rối bời. Rất nhiều cung bậc cảm xúc, niềm vui, hạnh phúc xen lẫn sự lo lắng.

Em ăn uống thế nào? Em ngủ có được ngon giấc không? Em có hay nghén không? Em liệu có tự chăm sóc cho mình hay cứ mỗi khi làm việc xong là lại nằm mệt, bỏ bê, không chịu ăn uống? Biết bao câu hỏi hiện hữu trong tâm trí anh sau mỗi ca trực.

Anh chỉ ước dịch bệnh chóng qua, bình yên sớm trở về với thành phố mình, đất nước mình. Khi đó, anh muốn được chở em và các con đi dạo đường Bạch Đằng thơ mộng, ngắm sông Hàn vào ban đêm và đón gió biển mỗi bình minh…”.

Vợ chồng chị Võ Thị Tú Hạnh và anh Đồng Đắc Anh đến với nhau bằng tình yêu, đồng điệu với nhau trong màu áo lính.

Chị Hạnh bảo: “Khi yêu nhau và quyết định cưới, cả hai đều hình dung và chấp nhận sự thường xuyên cách xa, vắng mặt nhau trong mỗi bữa cơm nhà bởi nhiệm vụ của người lính công an hay quân đội đều có những lúc công tác đột xuất”.

Nói vậy nhưng có lẽ ít ai hình dung được sự xa cách đằng đẵng hàng tháng trời dù nơi cả hai công tác rất gần nhau. Hai tháng nay, anh Đắc Anh nhận nhiệm vụ ở chốt chặn dịch còn chị Hạnh làm việc ở đơn vị hậu cần hỗ trợ đồng đội truy vết các F liên quan.

Đại úy Võ Thị Tú Hạnh trên chốt trực chống dịch COVID-19
Đại úy Võ Thị Tú Hạnh trên chốt trực chống dịch COVID-19

Hai tháng họ không gặp nhau. Cách nay gần một tuần, khi Đà Nẵng chưa thắt chặt giãn cách, chị Hạnh vẫn gặp con mỗi ngày. Bây giờ, con đã được gửi về nhà ngoại. Gia đình ba người ở ba nơi khác nhau.

“Thông thường anh cũng hay vắng nhà. Mỗi ngày tôi đưa con đi nhà trẻ rồi đến cơ quan làm việc, tối lại đón con về. Đây có lẽ là lần xa cách và nỗi nhớ đầy lên mỗi ngày nhiều nhất”, chị Hạnh chia sẻ.

Như hiểu được nỗi lòng vợ, cảm thông và lo lắng vì vợ vừa mang thai đứa con thứ hai trong khi mình vắng nhà triền miên, đại úy Đắc Anh động viên vợ: “Anh và em, hai người lính mang hai màu áo nhưng cùng chung chí hướng.

Chúng mình hãy luôn vững tin để sát cánh cùng đồng đội, cùng lực lượng tuyến đầu đánh trận này, nhất định thắng lợi sẽ thuộc về thành phố như chúng ta đã từng làm được”.

Gấp gọn lá thư của chồng cất vào túi áo, chị Hạnh nói: “Hậu phương của chúng tôi là những lời động viên nhau kịp thời như thế và có cả sự hỗ trợ của đồng đội, gia đình cùng nụ cười con trẻ. Những điều ấy giúp chúng tôi yêu cuộc sống, yêu công việc và luôn thấy được ở gần bên nhau”.

Đà Nẵng những ngày tháng Tám vẫn nắng gắt, thi thoảng có những cơn mưa rào khiến mặt đất bốc hơi nóng ngùn ngụt.

Nghĩ về những người lính ở tuyến đầu, nhìn vợ chồng chị Hạnh giữa guồng quay chống dịch, gần nhau mà không thể gặp, tôi chợt nhận ra có nhiều sự hy sinh giữa thời bình, có những tình yêu trong tình yêu. Phía họ cùng nhìn về rồi sẽ là những ban mai ngắm bình minh an lành. 

Ngọc Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI