Miễn đem tiền về là được?

24/05/2021 - 08:17

PNO - Giờ cứ chắc tay giữ tiền, rồi mình tính theo cách của mình chứ ly hôn thì con cái mình khổ mà chắc gì con đã tìm được ai khác tốt hơn

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em năm nay 32 tuổi, có con trai được bốn tuổi, đang có bầu bé thứ hai. Hiện em ở nhà chăm con và dưỡng thai, không đi làm. Gia đình chồng em mấy đời đều buôn bán nên kinh tế cũng khá. Ba má chồng hay khen chồng em có khiếu làm ăn, sau này vợ con được hưởng.

Thế nhưng, chồng em có tài mà cũng có tật: anh ham nhậu và mê gái. Thời mới cưới, anh còn ở nhà, còn quan tâm em; nay anh đi nhậu bốn năm bữa mỗi tuần, hay có tăng hai tăng ba, nhiều khi khuya mới về, có khi không về hoặc về nhà ba má.

Em biết chồng em có quan hệ bên ngoài nên nhiều lần em làm dữ, đòi ly hôn. Lần nào má chồng cũng kêu em qua nói chuyện.

Má nói má biết tính từng đứa con, tính thằng Ba (chồng em) cũng giống tính ba ảnh. Má đã kinh nghiệm một đời rồi, tính chồng em không sửa được đâu.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Má nói với em: “Thôi thì coi như con nhắm mắt không biết, thí bỏ chồng con đi đâu với ai thì đi, miễn sao nhớ đem tiền về là được.

Đàn bà mình tới tuổi nào đó cũng không cần chồng nữa, chỉ cần tiền bạc để sống thảnh thơi, lo cho con cái. Mình chủ động giữ tiền là mình giữ cái hậu cho mình, cho gia đình. Chồng mình có lang bang ở đâu rồi cuối cùng cũng phải về đây, về cái nhà này.

Giờ cứ chắc tay giữ tiền, rồi mai mốt mình tính theo cách của mình chứ ly hôn thì con cái mình khổ mà chắc gì con đã tìm được ai khác tốt hơn, không chừng lại gặp đứa tệ…”.

Em nghe má nói, thấy má thật đáng thương nhưng dù sao bây giờ má cũng nắm được phần tài sản nào đó, chứ em thì không. Chồng em không hề đưa tiền cho em. Tiền chợ, tiền sữa cho con, em đều phải xin. Tiền chồng đưa không đủ lo cho con nói gì chuyện dành dụm.

Em biết má nói chuyện với em rất thật lòng nhưng em không biết có nên nghe lời má hay không…

Kim Lan (TP.HCM)

Em Kim Lan thân mến, 

Má chồng em khuyên như vậy là từ kinh nghiệm buồn của cuộc đời bà. Trong lời khuyên ấy cũng có cái đúng nhưng chắc em không muốn lặp lại cuộc đời bà, đúng không?

Cách nghĩ của bà có thể là cách nghĩ của nhiều phụ nữ thế hệ trước, có những điều bây giờ không còn phù hợp. Thế hệ trước trải qua quá nhiều bấp bênh, chiến tranh loạn lạc.

Nỗi sợ nghèo đói, nỗi lo sống còn nhiều khi bóp chết hoặc làm méo mó, sai lệch ý niệm về hạnh phúc của đàn bà. Nó bắt đàn bà phải tự hạn chế mình, phải hy sinh để giữ sự an toàn, yên ổn cho cả gia đình. Thực chất đó chỉ là sự an toàn về những nhu cầu cơ bản như đủ ăn đủ mặc. 

Ngày hôm nay đã khác, hạnh phúc của em phải được chính bản thân em định nghĩa và cảm nhận. Phụ nữ không thể ép lòng hy sinh hạnh phúc tuổi xuân chỉ để đổi lấy những đồng tiền chồng mang về.

Hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu, tồn tại bền vững cũng bằng tình yêu. Nếu em thấy vẫn còn tình yêu, hãy tìm cách để chồng em không bước vào lối cũ của những người đàn ông trong gia đình. Nếu em thấy không còn tình yêu nữa thì thôi, đừng cố đánh đổi.

Em đang ở nhà chăm con, lại đang mang bầu, cũng có thể lấy cảnh này làm áp lực để chồng em không được bỏ bê gia đình, nhậu nhẹt bê tha. Nếu anh ta không thay đổi, có lẽ em phải chọn cách quyết liệt hơn. Điều cơ bản là không để mình phụ thuộc vào ai.

Cần gì phải im lặng ngửa tay nhận đồng tiền ban ơn trong khi mình không hạnh phúc. Má chồng em nói coi như “thí bỏ chồng con… miễn đem tiền về là được” nhưng nghĩ cho kỹ mà coi, nào phải mình bố thí, mà thực ra người chồng ấy đang bố thí cho mình mấy đồng xu lẻ để mình im lặng mà ở yên trong nhà đó thôi em ạ. 

HẠNH DUNG 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Vân An (Q.Tân Bình, TP.HCM): Kiểu sống mắt nhắm mắt mở đã quá lạc hậu 

Phụ nữ thế hệ trước (như mẹ chồng bạn) thường có quan điểm sống như thế và điều đó có thể được xem là bình thường. Tuy nhiên, với thế hệ chúng ta, sự chịu đựng, mắt nhắm mắt mở để chồng muốn làm gì thì làm đã vô cùng lạc hậu.

Bạn nên một lần nhìn thẳng vào vấn đề xem thử mình đang cần gì. Bạn hãy ngồi xuống gạch đầu dòng xem thử mình được gì, mất gì trong cuộc hôn nhân này.

Nếu cái được thực sự nhiều hơn cái mất, tôi cũng khuyên bạn nên chấp nhận ở lại và cho qua. Nếu không thì những cái được về mặt vật chất hoàn toàn vô nghĩa.

Theo tôi, những người đàn ông không coi trọng giá trị gia đình chính là những kẻ thất bại. Bạn nghĩ gì khi mình, các con mình sống cùng một người đàn ông coi thường giá trị gia đình? Con trai bạn sẽ được giáo dục như thế nào để không trở thành bản sao của bố, mọi thứ tùy thuộc vào quyết định của bạn. 

Vành Khuyên (Q.2, TP.HCM): Hãy dũng cảm bước ra

Tôi hiện là mẹ đơn thân, tự kiếm sống và nuôi hai con của mình. Từ ngày ly hôn, hầu như chồng tôi không đoái hoài gì đến con. Thế nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy buồn vì điều này.

Ngược lại, tôi còn thấy mình quyết định đúng khi ly hôn, bởi tôi sợ con mình sẽ trở thành người đàn ông giống như bố nó: vô trách nhiệm với vợ con, không tôn trọng cuộc sống gia đình.

Tôi nghĩ, người đàn ông đó không xứng để bạn phải hy sinh nhiều thứ. Chúng ta bây giờ không còn lệ thuộc nhiều vào đàn ông như ngày xưa nữa. Bạn vẫn có thể tự lập, tự kiếm tiền nuôi thân và nuôi con. Có thể việc một mình nuôi con khó khăn hơn nhưng bạn hãy nghĩ thấu đáo.

Chỉ những bà mẹ hạnh phúc mới có thể nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Chỉ những bà mẹ biết yêu quý bản thân mới dạy được những đứa trẻ biết trân quý bản thân và trân quý đời sống gia đình.

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI