Mì ăn liền - Ăn sao không "lợi bất cập hại"?

29/08/2021 - 07:53

PNO - Mì ăn liền là một loại thực phẩm phổ biến nhờ tính tiện dụng, ngon miệng, giá rẻ... Thế nhưng, nếu không biết cách sử dụng hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo một thống kê được công bố năm 2020 Việt Nam xếp thứ 3 trong số 5 nước tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất thế giới trong một năm. Cụ thể: Trung Quốc: 46,35 tỷ gói, Indonesia: 12,64 tỷ gói, Việt Nam: 7,03 tỷ gói, Ấn Độ: 6,73 tỷ gói và Nhật Bản: 5,97 tỷ gói.

Mì ăn liền là một trong những loại thực phẩm được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới - Ảnh: Yang Xinyue/Xinhua
Mì ăn liền là một trong những loại thực phẩm được sử dụng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới - Ảnh: Yang Xinyue/Xinhua

Chuyên gia dinh dưỡng Jennifer Shim - thành viên của Hiệp hội các nhà dinh dưỡng Australia (DAA) - đã cung cấp một số thông tin hữu ích dựa trên đánh giá từ các nghiên cứu khoa học về chủ đề này.

Mì ăn liền - món fastfood “quốc dân”

Mì ăn liền (còn được biết đến với cách gọi thông dụng là mì tôm) là một loại sản phẩm ngũ cốc dạng khô… 

Nguyên liệu chính tạo nên vắt mì là bột mì, tinh bột, nước, muối hoặc kan sui (hỗn hợp muối kiềm của natri cacbonat, kali cacbonat và natri photphat) và các thành phần khác giúp cải thiện cấu trúc và hương vị của sợi mì. Dầu dùng để chiên mì là dầu cọ, phối trộn cùng là nước và một số thành phần phụ gia, gia vị khác. Các thành phần phổ biến trong gói bột xúp là muối, đường, bột ngọt, hạt nêm…

Ông Momofuku Ando được xem là cha đẻ của món mì ăn liền - Ảnh: Mainichi
Ông Momofuku Ando được xem là "cha đẻ" của món mì ăn liền - Ảnh: Mainichi

Hiện đang có hai loại mì ăn liền phổ biến là “mì chiên” và “mì không chiên” (hay còn gọi là mì sấy) để người tiêu dùng có thể lựa chọn sử dụng tùy theo sở thích về sợi mì, hương vị hay cách chế biến.

Mì ăn liền được “khai sinh” tại Nhật Bản vào năm 1958 và được xem như là một phát minh vĩ đại của thế kỷ XX. Ông Momofuku Ando, một doanh nhân người Nhật Bản gốc Đài Loan, chính là “cha đẻ” của món đồ ăn nhanh này.

Dù đã được tạo ra từ những năm 1950, thế nhưng đến nay, quy trình chế biến mì ăn liền về cơ bản vẫn không có gì thay đổi.

Tất cả các loại nguyên liệu gồm nước, gia vị và phụ gia với bột mì sẽ được phối trộn với nhau từ 10 đến 15 phút để tạo nên khối bột có độ đồng nhất. Tiếp đến là giai đoạn tạo hình sợi mì bằng phương pháp cán tấm và cắt tạo sợi, xử lý nhiệt (làm khô và làm nguội), cuối cùng là cấp gói gia vị và đóng gói.

Quy trình sản xuất mì ăn liền vẫn không thay đổi nhiều kể từ những ngày đầu cách đây hơn 60 năm - Ảnh: Parkway East
Quy trình sản xuất mì ăn liền vẫn không thay đổi nhiều kể từ những ngày đầu cách đây hơn 60 năm - Ảnh: Parkway East

Một sản phẩm mì ăn liền thông dụng (75g) cung cấp các chất dinh dưỡng và năng lượng như sau: Chất bột đường: 40-50g, chất đạm: khoảng 6,9g, chất béo: 10-13g, năng lượng: 300-350Kcal.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì phần lớn các loại mì ăn liền đều có hàm lượng calorie thấp (188 calorie), có ít chất xơ (1g) và protein (4g) trong mỗi khẩu phần mì tiêu chuẩn. Chúng cũng thiếu một số thành phần dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, vitamin C, vitamin B12…

Bên cạnh đó, mì ăn liền có giá trị năng lượng cao với một gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa 45g chất bột đường (carbohydrate), 14,3g chất béo (lipid), 8,9g đạm (protein) có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 320 kcal, chiếm 15% nhu cầu năng lượng mỗi ngày.

Những tác hại cho sức khỏe khi “lạm dụng” mì ăn liền

Bên cạnh tính tiện dụng, sẽ là “lợi bất cập hại” cho sức khỏe nếu sử dụng mì ăn liền “trường kỳ” và liên tục trong một thời gian dài bởi một số lý do như sau:

Ăn mì ăn liền quá nhiều và thường xuyên sẽ gây ra những vấn đề cho sức khỏe - Ảnh: Dominik Schwind/Flickr
Ăn mì ăn liền quá nhiều và thường xuyên sẽ gây ra những vấn đề cho sức khỏe - Ảnh: Dominik Schwind/Flickr

1. Có chứa hàm lượng natri cao

Natri là một loại khoáng chất cần thiết cho các hoạt động của cơ thể con người. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều natri thông qua chế độ ăn uống hàng ngày có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.

Một trong những yếu tố khiến làm tăng lượng natri dư thừa trong cơ thể là các loại thực phẩm chế biến sẵn, bao gồm cả những thực phẩm đóng gói như mì ăn liền.

Như vậy, có thể thấy, chế độ ăn uống với nhiều muối như mì ăn liền có thể dẫn đến nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm như: ung thư dạ dày, bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra, đối với những người bị nhạy cảm với muối có thể dẫn đến tăng huyết áp, gây tổn thương cho tim và thận.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người chỉ nên tiêu thụ 2 gram natri mỗi ngày trong khi mì ăn liền có hàm lượng natri rất cao, một gói chứa 397-3.678mg natri. Vì vậy, chỉ cần tiêu thụ một gói mì ăn liền mỗi ngày có thể dẫn đến nguy cơ mất cân bằng và khó kiểm soát được lượng natri trong cơ thể.

2. Cẩn trọng với bột ngọt

Tương tự như các loại thực phẩm chế biến sẵn khác, mì ăn liền cũng có bột ngọt (MSG), là một loại gia vị và chất điều vị phổ biến nhằm giúp làm tăng hương vị cho thực phẩm và kích thích vị giác giúp món ăn trở nên ngon miệng hơn.

Mặc dù bột ngọt được công nhận là an toàn để tiêu thụ trong ngành công nghiệp thực phẩm; tuy nhiên, tác động tiềm ẩn cả trong ngắn hạn lẫn lâu dài của nó đối với sức khỏe con người vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi. Ở Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm (FDA) quy định các hãng sản xuất chế biến thực phẩm phải ghi rõ thành phần này trên bao bì sản phẩm để người tiêu dùng được biết.

Mì ăn liền có chứa một lượng bột ngọt vừa phải, và không gây hại cho sức khỏe nếu không dùng thường xuyên - Ảnh: Parkway East
Mì ăn liền có chứa một lượng bột ngọt vừa phải, và không gây hại cho sức khỏe nếu không dùng thường xuyên - Ảnh: Parkway East

Tuy nhiên, cho đến nay, chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về tác hại của bột ngọt đối với sức khỏe con người trong mì ăn liền bởi hàm lượng của chúng được xem là nhỏ trong một gói mì ăn liền thông thường.

3. Hàm lượng chất xơ và protein thấp

Không chỉ có lượng calorie thấp mà mì ăn liền còn chứa ít chất xơ và protein, vì vậy, nó không phải là lựa chọn tốt cho mục đích giảm cân.

Protein làm tăng cảm giác no và giảm cảm giác đói, là công cụ hữu ích để quản lý trọng lượng trong khi chất xơ di chuyển chậm qua đường tiêu hóa, làm thúc đẩy cảm giác no của cơ thể.

Với lượng protein và chất xơ thấp trong mỗi khẩu phần mì, việc tiêu thụ loại thực phẩm này sẽ không làm cơ thể được no thật sự ngoài "cảm giác no". Ngoài ra, một chế độ ăn có ít chất xơ thường dẫn đến một số rắc rối liên quan đến đường tiêu hóa như táo bón, bệnh viêm túi thừa hay làm giảm số lượng vi khuẩn đường ruột có lợi cho cơ thể.

4. Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc tiêu thụ mì ăn liền một cách thường xuyên và lâu dài có liên quan đến tình trạng kém chất lượng trong chế độ dinh dưỡng tổng thể của cơ thể con người.

Theo đó, các nhà khoa học đã so sánh hai nhóm người, gồm một nhóm có sử dụng mì ăn liền hàng ngày và nhóm kia không ăn mì ăn liền. Người ta nhận thấy nhóm tiêu thụ mì ăn liền có sự sụt giảm đáng kể lượng vi chất dinh dưỡng như protein, vitamin C, phospho, sắt, niacin (vitamin B3) và vitamin A trong khi lại làm tăng khả năng hấp thụ natri và calorie.

Ngoài ra, mì ăn liền còn bị cho là “thủ phạm” của việc làm tăng nguy cơ dẫn đến một số bệnh như: tim mạch, tiểu đường và đột quỵ.

Cần đọc kỹ các thông tin dinh dưỡng trên bao bì

Biết rõ sẽ đưa những gì vào cơ thể mình là một thói quen hết sức quan trọng, nhất là khi mà chúng ta đang gặp phải những vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao hoặc cholesterol trong máu cao.

Vì vậy, cần đảm bảo đọc kỹ, hiểu các thông số dinh dưỡng được in trên bao bì sản phẩm cũng như tham vấn bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có lời khuyên phù hợp nhất với thể trạng và điều kiện sức khỏe riêng của mỗi người.

Mì ăn liền sẽ ngon và đủ dinh dưỡng khi bổ sung thêm - Ảnh: Việt Hương
Mì ăn liền sẽ ngon và đủ dinh dưỡng khi bổ sung thêm chất đạm và rau xanh - Ảnh: Việt Hương

PGS.TS.BS Lê Bạch Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nêu một số gợi ý để để giúp món mì ăn liền trở nên hấp dẫn, ngon miệng mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng:

- Nên chủ động thêm vào món mì ăn liền lượng chất đạm từ các loại đậu, nấm (đạm thực vật), hoặc tôm, mực, cá, thịt heo, thịt gà, thịt bò, trứng… (đạm động vật). Tuy nhiên, lượng đạm bổ sung chỉ cần vừa đủ như một bữa ăn thông thường, không nên cho thêm quá nhiều thức ăn kèm (ví dụ cho quá nhiều tôm, thịt, lòng gà, xúc xích vào) sẽ biến mì gói thành một món gây tăng cân.

- Bổ sung các loại rau củ có sẵn để kết hợp với mì ăn liền như một ít cà chua, rau sống, giá đỗ… sẽ giúp bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất cho món mì ăn liền.

- Nên ăn đúng thời điểm, tránh ăn khuya. Bản thân mì tôm không gây tăng cân, nhưng nếu người dùng thường xuyên ăn khuya (ăn sau 8g tối) thì lúc này việc tăng cân rất dễ xảy ra, cho dù chúng ta ăn mì tôm hay món nào khác.

Nguyễn Thuận (theo Parkway East, SK&ĐS)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI