Mẹo tiêm vắc xin không biến chứng: Đừng tin!

09/07/2021 - 07:25

PNO - Nhiều phương pháp được người dân “sáng tạo” rồi lan truyền nhau với niềm tin sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sẽ không bị biến chứng. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo những cách làm này phản khoa học, có thể gây hại.

Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền bài thuốc hướng dẫn thanh lọc máu trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Bài viết còn khẳng định nếu áp dụng cách này trước khi tiêm ba tháng sẽ giảm tối đa nguy cơ bị phản ứng phụ hoặc tử vong. Theo giải thích, làm sạch máu sẽ giúp chống đỡ các tác dụng phụ của vắc xin. Những trường hợp tử vong sau tiêm là do máu xấu. 

Theo đó, muốn an toàn sau tiêm thì cần uống hỗn hợp nước pha với giấm táo, muối hồng, bột gừng hữu cơ, mật ong mỗi ngày hai lần vào sáng sớm và chiều tối, lúc bụng đói. Ngoài ra, tối trước khi đi ngủ còn phải uống thêm ba gói bột cỏ lúa mì hoặc 6g bột tảo biển hữu cơ, thêm sả đập dập cho tăng tác dụng… Lưu ý, khi đang thực hiện phương pháp thanh lọc máu này dứt khoát không uống rượu bia, ăn thịt bò, cừu, tôm, cua, mực, hàu, các loại cá biển, hạn chế cơm gạo trắng… Bài viết nhận được rất nhiều sự quan tâm và cả trăm lượt chia sẻ. Thậm chí, có bình luận vào tung hô, nhờ làm theo cách này mà tiêm vắc xin an toàn. Người khác còn khoe đã áp dụng cách thanh lọc máu này cho cháu để trị từ táo bón tới vi khuẩn HP đường ruột, hạ đường huyết và rối loạn tiêu hóa. 

Bên cạnh đó, mọi người còn kháo nhau uống lá tía tô trước khi tiêm vắc  xin, và sau khi tiêm giã lá tía tô đắp lên vết tiêm ngừa sẽ tránh bị hành sốt. Chị N.T.M., 42 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TPHCM kể, mười ngày trước, khi chị chuẩn bị đi tiêm vắc xin, mẹ chồng đã xay cả bát lá tía tô đưa cho chị uống. Bà nói đây là cách ông bà ta vẫn làm trước khi trẻ con đi tiêm ngừa, vì sẽ không sốt và đau nhức. Nếu chỗ tiêm sưng thì giã lá tía tô đắp lên sẽ khỏi. Chị M. cũng thử nhấp môi bát nước tía tô nhưng không uống nổi nên đành chịu. Khi tiêm về, chị định đắp lá tía tô lên tay nhưng hỏi ý nhân viên y tế thì ai cũng cản nên không làm theo. May mắn, tới nay, chị M. vẫn khỏe, không bị vắc xin hành dù không uống và đắp lá tía tô.

Còn chị Đ.H.T., ngụ Q.7, TPHCM chia sẻ, trước khi đi tiêm vắc xin, em trai chị dặn phải uống thuốc hạ sốt, giảm đau để ngăn ngừa tác dụng phụ của vắc xin.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, việc uống lá tía tô, thuốc hạ sốt, giảm đau trước khi tiêm không có tác dụng làm giảm tỷ lệ biến chứng sau tiêm. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế chưa bao giờ khuyên người dân uống bài thuốc thanh lọc máu trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Mới đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh còn thấy rộ lên việc người dân kháo nhau trước khi đi tiêm ngừa hãy uống thuốc chống dị ứng. Việc uống thuốc chống dị ứng trước khi tiêm có thể gây giảm hiệu quả của vắc xin. Đắp lá tía tô lên chỗ tiêm tránh vắc xin hành đâu không biết nhưng nguy cơ gây nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí nhiễm trùng máu, nguy hiểm tính mạng thì đã thấy nhiều.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ từng ghi nhận không ít trường hợp bị hoại tử da, nhiễm trùng máu do gia đình đắp các loại lá lên cơ thể trẻ.

Tóm lại, bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể thông tin cần thiết để chăm sóc bản thân trước và sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Sau tiêm, mọi người được nhân viên y tế phát tờ giấy ghi rõ những điều cần lưu ý để theo dõi diễn tiến sức khỏe. Người dân đừng tin theo những thông tin không được kiểm chứng trên mạng. 

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI