Mẹ đứt ruột bỏ lại 3 con, tháo chạy khỏi Trung Quốc sau 20 năm bị bán làm vợ

06/03/2021 - 06:33

PNO - Đứt ruột để 3 đứa con lại nơi xứ người, người phụ nữ dân tộc Thổ 34 tuổi mang theo đứa con trai út quyết tâm “đào thoát” khỏi Trung Quốc sau 20 năm bị lừa bán làm vợ.

Hết nhớ nhà lại nhớ con

Sinh ra trong một gia đình nghèo dân tộc Thổ ở xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ, Nghệ An), ba chị em Trương Thị H. phải nương tựa vào nhau mà sống khi mẹ dứt áo ra đi, bố mất vì bạo bệnh. Cuộc sống giữa núi rừng chồng chất khó khăn, H. phải sớm nghỉ học để đi làm thuê, làm mướn.

Ngước nhìn di ảnh bố, chị H. rầu rĩ: “Cũng vì muốn kiếm tiền đỡ đần anh trai nên bị kẻ xấu lừa”.

Năm 14 tuổi, H. được một người phụ nữ tên Thủy tiếp cận, vẽ ra viễn cảnh ở bên kia biên giới công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao, có tiền gửi về phụ giúp anh trai. Nghe bùi tai, H. gật đầu, vơ vội vài bộ quần áo rồi lên đường.

 

Chị H. trở về quê trong sự ngạc nhiên, vỡ òa của người thân, làng xóm
Người thân, hàng xóm ngạc nhiên lẫn vui mừng khi chị H. trở về 

Khi sang bên kia bên giới, H. bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc làm vợ. Không ít lần H. tìm cách bỏ trốn song thất bại vì lạ đường, lạ tiếng nên đành ở lại, tiếp tục nuôi hy vọng cùng nỗi nhớ nhà.

Chị H. cho biết, tuy chồng không đánh đập, nhưng vì mất nhiều tiền để mua vợ về nên họ quản lý rất chặt.

Khi 4 đứa con lần lượt ra đời, chồng chị H. bắt đầu nới lỏng việc quản lý vợ. Lợi dụng điều này, H. bế con trai 2 tuổi “xin chồng sang nhà bạn chơi ít hôm” và sau đó bỏ trốn. Việc bỏ trốn thuận lợi song đã có nhiều lúc H. muốn quay lại vì không nỡ bỏ lại 3 đứa con gái.

Chuyến đi đó, chị H. may mắn gặp được một người đồng hương đang làm ăn ở Trung Quốc. Sau khi trò chuyện, người này đăng thông tin kèm bức ảnh của chị lên Facebook, nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người thân giúp.

Anh Trương Văn Hải (anh trai chị H.) cho biết, em gái mất tích đã 20 năm không một tin tức, vào tháng 9/2020, một số người thông báo có cô gái ở Trung Quốc đăng tin tìm người thân giống với em gái mình nên anh vội tìm cách liên lạc xác nhận.

 

Mẹ bỏ đi, bố qua đời, hai mẹ con chị H. đành sống tạm cùng người anh trai trong căn nhà xập xệ
Hai mẹ con chị H. sống tạm cùng người anh trai trong căn nhà cũ

“Qua điện thoại, hai anh em nghẹn ngào không nói được gì nhiều. Tuy nhiên, vừa nhìn tấm ảnh chụp em gái, tôi đã nhận ra chắc chắn là em ấy rồi” - anh Hải nói.

Sau khi được giải cứu về nước và thực hiện cách ly chống COVID-19, cuối tháng 10/2020, chị H. được đại diện Tổ chức trẻ em Rồng Xanh, phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An đưa về quê bàn giao cho gia đình.

Trở về trong sự ngỡ ngàng của người thân sau 20 năm xa cách, chị H. vỡ òa sung sướng, cuối cùng chị cũng đã thỏa nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.

Sau 4 tháng chung sống với gia đình người anh trai, hai mẹ con chị H. đã dần hòa nhập và bắt nhịp được với cuộc sống ở quê nhà. Mặc dù vậy, mỗi lúc nghĩ đến 3 đứa con ở bên kia biên giới đang trông ngóng mẹ, người phụ nữ này lại giàn giụa nước mắt.

Lấy con trai làm động lực

“Tôi đặt tên con là Thành. Mấy tháng về tập nói tiếng Việt, giờ con cũng nói được vài từ đơn giản, hiểu được đôi chút rồi” - chị H. tay cầm bát cơm, tay dắt đứa con trai 3 tuổi chậm rãi nói từng tiếng “ngoan, ăn cơm nào. Ăn đi con...”. Thấy bé lắc đầu, chị chuyển sang nói tiếng Trung với con trai để bé hiểu, ăn hết bát cơm.

Chị H. cho biết, sau khi hay tin chị đem theo đứa con trai duy nhất bỏ về nước, người chồng ở Trung Quốc đã nhiều lần liên lạc qua Zalo nói chuyện, thuyết phục vợ về chăm sóc các con. Mỗi lần như vậy, chị H. đau thắt lòng khi nghĩ đến 3 đứa con gái, song không dám nghĩ tới chuyện qua lại bên kia biên giới.

 

Hai mẹ con chị H. quây quần bên nhau
Hai mẹ con chị H. 

“Ba đứa cũng lớn rồi, nhớ lắm nhưng vì các con ở dưới quê không có mạng internet nên không làm sao liên lạc để trò chuyện được. Nhiều lúc tâm trạng rối bời, chẳng biết phải làm sao nữa” - chị H. nghẹn ngào.

Chị H. cho biết nhà chồng không đối xử quá tệ với mình. Tuy nhiên vì không nói tiếng Trung được nhiều nên cuộc sống của chị chỉ bó hẹp trong nhà với con cái và ruộng nương. Khi được chồng đồng ý cho đi làm công nhân, chị cũng phải trốn cảnh sát như nhiều lao động bất hợp pháp khác ở Trung Quốc do không có giấy tờ tùy thân.

Nhìn cậu con trai nô đùa ngoài sân, chị H. cho hay, giờ bé là động lực duy nhất để chị tiếp tục vượt qua khó khăn phía trước. “Anh trai cũng khó khăn nên trước mắt tôi sẽ làm giấy khai sinh cho con để cháu đi học, rồi sẽ đi làm kiếm tiền lo cho hai mẹ con. Chắc chắn sẽ rất khó khăn, nhưng phải cố gắng lo cho con học hành tơi nơi tới chốn” - chị H. chia sẻ.

Lãnh đạo công an xã Giai Xuân cho biết, do chị H. vẫn còn tên trong hộ khẩu gia đình nên việc cấp lại giấy tờ tùy thân dễ dàng. Tuy nhiên, con trai của chị H. được khai sinh ở Trung Quốc nên việc cấp giấy tờ khó khăn hơn do liên quan đến vấn đề nước ngoài. Công an xã đã hướng dẫn chị H. làm thủ tục gửi phòng Tư pháp huyện Tân Kỳ theo thẩm quyền.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI