Mẹ cha và những điều chưa nói…

22/06/2015 - 11:29

PNO - PN - Người bạn mang vào cơ quan rất nhiều tấm lót ly đan bằng tay rất đẹp, chị cho mỗi người dăm ba cái. Hỏi ra mới biết, mẹ chị đan để bán cho hàng xóm gọi là vui tuổi già. Chị than: “Chán lắm. Nhà có người giúp việc mà cái gì mẹ chị cũng muốn nhúng tay vào. Mẹ làm việc suốt ngày rồi than đau vai, đau lưng. Người giúp việc không cho mẹ chợ búa cơm nước, bảo bác làm thay hết thì con gái bác đuổi con đi con lấy gì nuôi chồng con. Nghĩ ngợi sao đó mà mẹ lại ngồi đan lót ly và bao tay để bán cho hàng xóm”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Rồi chị kể: Mẹ chị ở quê, sống với vườn ruộng, cây trái, với hàng xóm láng giềng thân quen. Sau khi chị sinh đứa con đầu, mẹ chị gửi vườn ruộng cho người họ hàng, bỏ quê vào nuôi giữ cháu cho cứng cáp để chị yên tâm đi làm. Khi cháu tròn hai tuổi, mẹ lại về quê. Chỉ một năm sau, chị cấn bầu đứa thứ hai, bị ốm nghén, không ăn uống được gì phải nhập viện thì mẹ bán hết ruộng vườn vào ở luôn chăm con, chăm cháu.

Một hôm người cháu họ của mẹ ở quê tới nhà chơi đúng lúc mẹ đang lau cầu thang, lau nhà. Vốn nông dân miền Tây thật thà, bộc trực, anh ấy phê phán ngay: “Con tưởng dì bỏ quê lên thành phố thì sướng, ai ngờ để đi giữ con nít rồi lau nhà, nấu cơm… Thôi, dì về quê cho xong. Ở quê ai cũng nhắc dì hết”. Chị vội thanh minh: “Này anh, nhà em có người giúp việc hẳn hoi nhưng mẹ em vẫn thích làm đó chứ”. Người anh họ vẫn không chịu: “Người già phải về quê sống cho thanh thản, sống chốn thành thị thì nhớ cây cối, nhớ sông, nhớ đồng ruộng lắm… em không hiểu hết đâu”.

Mẹ chị nghe thế cũng rớt nước mắt nhớ quê nhưng bà lại không thể bỏ hai đứa cháu mà về được. Mấy ngày tết, bà xách giỏ đón xe đò về quê thắp hương, làm cỏ cho mộ ba chị và dòng họ tổ tiên. Bà đi quá lắm ba ngày là…. “hết phép”. Thằng cháu nhỏ không có bà ngoại không chịu ngủ, thằng cháu lớn nóng sốt gọi bà suốt đêm. Vậy là mẹ chị đành trở lên phố, chăm cháu, kể chuyện cổ tích cho các cháu nghe.

Me cha va nhung dieu chua noi…

Trong xóm tôi có một ông già mà bà con hàng xóm quen gọi là ông Tư Câu. Trước đây nghe nói ông là giáo viên dạy cấp III môn lý, hiện ông suốt ngày bận rộn giữ xe cho quán cà phê của con trai. Lúc mới mở quán, con trai ông cũng thuê người giữ nhưng họ không cẩn thận làm mất xe của khách, con trai ông phải đền. Ông “xung phong” giữ xe. Trí nhớ của ông Tư tuyệt vời, phát phiếu gửi xe đàng hoàng nhưng ông chỉ nhìn một lần là nhớ xe của từng người khách, đố ai “lươn lẹo” được.

Nhưng giữ xe thì phải dắt xe cho khách lên lề. Ngày nào ông cũng dắt vài chục chiếc, dây chằng cổ tay giãn, viêm làm ông đau đớn mà không dám than thở vì sợ con dâu “đuổi việc”. Gặp tôi là người thân quen nên ông tâm sự: “Tôi già rồi, tiền hưu “một cục” đưa cho con xây nhà mấy năm trước rồi, có còn đồng nào đâu. Bởi vậy, bây giờ cứ ăn chén cơm của con mà phải nghĩ ngợi thì cũng buồn lắm. Thôi đành, tay đau thì cũng ráng làm chứ biết sao?”.

Nhưng ông Tư nào có được yên, hôm qua nghe con dâu ông nói mát mẻ: “Không biết làm thì ở nhà cho người ta nhờ…”. Hỏi mới biết ông dắt xe lên thềm, vì tay đau quá nên làm xe ngã, trầy xước chút đỉnh. Gặp người khó tính, họ bắt đền chủ quán. Vậy là con dâu cứ chửi chó mắng mèo, hết xa lại gần, ám chỉ ông ăn bám. Ông lặng im nghe, không nói câu nào, ánh mắt buồn rười rượi…

Tuần trước, mẹ tôi bị cao huyết áp phải nhập viện hết một tuần. Chị em tôi chọn phòng dịch vụ, chỉ có hai giường bệnh. Giường bên kia cũng là một bà cụ khoảng gần 80 tuổi tên Th. Bà bị bệnh tiểu đường lâu năm nên mắt đã mù hẳn. Con bà có bốn người, thành đạt cả nhưng không ai đủ thời gian chăm sóc mẹ bệnh. Họ chọn giải pháp hùn tiền thuê người nuôi bệnh chuyên nghiệp thông qua công ty dịch vụ.

Người phụ nữ nuôi bệnh tên H. là người không tử tế, trước mặt các con bà thì H. đon đả ân cần với bà cụ, sau lưng họ thì chị ta lại quát nạt bà cụ với ngôn từ hết sức khó nghe. Hôm qua, tôi nghe bà cụ nói với H.: “Con mua giùm dì đĩa cơm tấm, ăn cháo riết dì không nuốt nổi…”. H. tỏ ra bực bội: “Mới mua tô cháo đó mà đã đòi thứ khác là sao, sai gì mà sai hoài vậy. Tự đi mua được thì mua đi”. Bà cụ đành ăn cháo, không dám kêu than.

Do không thấy đường nên bà đặt tô cháo nhầm vào một cái khăn, cháo đổ ra bàn, H. bực bội hét lên: “Sao mà bà hậu đậu quá vậy. Có cái khăn mà cũng không thấy. Đổ hết cháo rồi, nhịn đói luôn đi, tui không rảnh đâu mà đi mua cơm tấm cơm tiết cho bà nghe bà già”. Lau xong chỗ cháo đổ, chị ta để bà cụ mù lòa nhịn đói thật. Chị ta bỏ đi ngủ, ngáy pho pho, mặc cho bà cụ đói lả.

Tôi lẳng lặng đi mua cho bà một đĩa cơm, bảo bà dùng, lát nữa ăn xong con dọn cho. Đêm đó, đang ngủ tôi nghe H. cằn nhằn: “Cái gì vậy, bà đi đái hả, tự đi đi, cho người ta ngủ. Cả ngày lo cho bà, mệt chết rồi”. Lát sau, trong mơ ngủ, tôi nghe tiếng động lớn như có người ngã. Đoán bà cụ té trong toilet, tôi choàng dậy, lao vào đỡ bà cụ lên và gọi bác sĩ. H. vẫn ngáy. Bà cụ được chuyển vào phòng hồi sức cấp cứu.

Sáng đó, chị em tôi tất bật lo thủ tục xuất viện cho mẹ mình. Tôi thoáng thấy người con trai thứ hai của bà cụ là tiến sĩ hóa học, giảng viên một trường đại học trong thành phố. Tôi đến hỏi thăm thì anh bảo bà cụ vẫn còn hôn mê.

Khi mẹ tôi về đến nhà, tôi vẫn còn bâng khuâng nhớ về bà cụ Th. trong bệnh viện. Cả đời bà đã bao năm dài phải đút ăn, ẵm bồng, ru ngủ, thức khuya dậy sớm, chăm sóc đến bốn đứa con. Vậy mà giờ đây cả bốn người con ấy không có lấy một người đủ thời gian bên mẹ lúc bà đau ốm. Trong xã hội hiện nay, không ít người mẹ đang sống cuộc đời giống như bà Th., cô độc giữa đám con đông đúc…

 BẢO NHI

Cả đời bà đã bao năm dài phải đút ăn, ẵm bồng, ru ngủ, thức khuya dậy sớm, chăm sóc đến bốn đứa con. Vậy mà giờ đây cả bốn người con ấy không có lấy một người đủ thời gian bên mẹ lúc bà đau ốm. Trong xã hội hiện nay, không ít người mẹ đang sống cuộc đời giống như bà Th., cô độc giữa đám con đông đúc…
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI