Mạo hiểm đầu tư cho dòng sách hồi ký chính trị

14/06/2023 - 08:25

PNO - Hồi ký chính trị từ lâu là dòng sách có sức hút lớn ở thị trường nước ngoài. Tại Việt Nam, giới xuất bản đang có nhiều nỗ lực, chấp nhận mạo hiểm để đầu tư, đưa các tác phẩm hay của dòng sách này đến độc giả.

Ngày càng phổ biến

Thông tin mới đây về việc Công ty sách Bách Việt vừa mua thành công bản quyền cuốn hồi ký SPARE của hoàng tử Anh Harry khiến nhiều độc giả thích thú. Ra mắt vào tháng Một năm nay, cuốn hồi ký này nhanh chóng xác lập kỷ lục về lượng đặt trước cũng như doanh số bán ra tại 2 thị trường lớn là Mỹ và Anh. Với thành công này, có thể thấy các công ty sách và nhà xuất bản Việt Nam ngày càng tiệm cận và linh hoạt trong cách nắm bắt các xu thế lớn.

Những cuốn hồi ký chính trị từng xuất bản tại Việt Nam
Những cuốn hồi ký chính trị từng xuất bản tại Việt Nam

Ông Lê Thanh Huy - Giám đốc Công ty sách Bách Việt - chia sẻ: “Ngay khi cuốn hồi ký SPARE của hoàng tử Harry vừa xuất bản ở nước ngoài và gây được sự chú ý trong dư luận, trong đó có cả Việt Nam, chúng tôi tin rằng độc giả trong nước cũng sẽ quan tâm nếu sách được chuyển ngữ. Bách Việt đã lập tức lao vào cuộc đua với nhiều đơn vị xuất bản khác để tìm kiếm, liên hệ… với nơi nắm giữ bản quyền và đưa tác phẩm này về”.

Đáng nói trong những năm qua, việc tiếp cận sớm với dòng sách này không còn hiếm hoi mà đã ngày càng phổ biến. 2 năm trước đó, Công ty sách First News cũng đã ra mắt cuốn hồi ký Miền đất hứa của cựu tổng thống Barack Obama. Mọi công đoạn hoàn tất chỉ trong 1 năm từ khi đấu giá bản quyền, dịch thuật, in ấn đến giới thiệu, quảng bá. Công ty này cũng tạo được dấu ấn trước đó với Chất Michelle - hồi ký của cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Dòng sách này vẫn thường gắn với các sự kiện chính trị lớn, như các cuộc bầu cử hay khi có sự xuất hiện của một nhân vật thật sự nổi trội, từ đó dễ dàng tạo được hiệu ứng. Năm 2016, khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống, giới xuất bản trong nước cũng đã phát hành hàng chục tựa sách từ những góc nhìn khác nhau về sự kiện này. Hướng tiếp cận đó lặp lại dưới thời đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden hay các chính trị gia quan trọng khác, chẳng hạn như bà Aung San Suu Kyi của Myanmar những năm gần đây…

Lý giải về sự yêu thích của độc giả Việt, ông Lê Thanh Huy cho rằng đời sống của các chính trị gia hay các thành viên hoàng gia các nước… luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía công chúng. Trong đó, các cuốn hồi ký thường hứa hẹn có nhiều thông tin và nhiều câu chuyện “bí mật” mà chưa bao giờ công bố chính thức. Do đó độc giả thường rất chờ đón, mong đợi tìm hiểu.

“Canh bạc” lớn

Do được người nổi tiếng chấp bút, chi phí bản quyền cho các tựa sách thường rất lớn. Chưa hết, việc thương lượng, trao đổi… với bên nắm bản quyền gốc cũng như đấu giá rất khó khăn. First News bật mí, họ từng phải đấu với hơn 15 doanh nghiệp Việt Nam khác mới mang được cuốn sách về cho mình.

Cuốn hồi ký SPARE của Hoàng tử Anh - Harry. Nguồn The Sybarite
Cuốn hồi ký SPARE của Hoàng tử Anh - Harry - Ảnh: The Sybarite

Ông Lê Thanh Huy tiết lộ: “Nhà xuất bản nước ngoài của SPARE không ủy quyền việc bán bản quyền cho một đại lý duy nhất ở khu vực Đông Nam Á mà cho phép nhiều đại lý cùng nhau chào bán. Vì vậy quy trình thương thảo, đàm phán cũng phức tạp hơn các trường hợp khác do không chỉ người mua cạnh tranh với nhau mà người bán (các đại lý trung gian) cũng cạnh tranh với nhau”.

Không chỉ khó khăn trong giai đoạn này, khi đã giành được quyền xuất bản, nhiều vấn đề vẫn có thể xảy ra. Một trong số đó là tính “thời vụ” có phần đặc trưng. Theo đó các sách hồi ký chính trị thu hút được nhiều độc giả thường vào thời điểm mà các nhân vật có nhiều hoạt động. Điều này đòi hỏi quá trình dịch thuật, sản xuất… phải thật nhanh để giữ được độ “nóng” khi đến tay người đọc.

Một thực tế khác, những cuốn sách thuộc dạng này dày cả ngàn trang, rất khó có thể chuyển ngữ “một sớm một chiều”. Nếu dùng một nhóm dịch thuật thì đòi hỏi phải có sự thống nhất về mặt văn phong, từ ngữ…, là điều rất khó đạt. Thậm chí, nếu người chủ biên muốn “trung hòa” lại các phong cách dịch cũng sẽ mất kha khá thời gian. Vì vậy, rất nhiều công ty sẽ cho dịch trước ngay cả khi chưa biết chắc là có mua được bản quyền không.

SPARE cũng là một “pha mạo hiểm” đi theo hướng này. Ông Huy nói: “Chúng tôi chấp nhận “đánh bạc” khi tiến hành biên dịch ngay từ khi đang thương thảo hợp đồng dù chưa chắc chắn sẽ mua được bản quyền, chấp nhận nếu không mua được thì sẽ mất luôn chi phí dịch. Nhưng làm như thế thì nếu thành công, chúng tôi có thể đẩy nhanh thời điểm ra sách, khi độ hot vẫn chưa lắng xuống”. Với cách làm này, SPARE dự kiến sẽ ra mắt vào cuối tháng Tám, nghĩa là chưa đến 3 tháng từ khi mua được bản quyền đến khi ra sách.

Dù vậy, đây vẫn là một canh bạc nhiều rủi ro. Bên cạnh việc có thể mua bản quyền không thành công, ngay cả khi đã có bản quyền trong tay, việc bán được cũng như doanh thu sau đó là điều khó đoán trước. Với số tiền đầu tư lớn cho giai đoạn đầu, việc hạ giá bán để nhiều độc giả có thể tiếp cận cũng đồng nghĩa với số lượng bản in phải tăng nhiều thêm. Thế nhưng điều đó lại dẫn đến nguy cơ có thể thị trường không tiêu thụ hết sách do thực sự, đối tượng của dòng sách này trong nước chưa phải quá nhiều.

Dấn bước vào cuộc đua sách hồi ký chính trị là sự mạo hiểm. Tuy nhiên, ông Lê Thanh Huy chia sẻ: “Khi bỏ ra số tiền khá lớn để mua bản quyền SPARE, chúng tôi chấp nhận như một dự án đầu tư mạo hiểm, có thể lời và cũng có thể lỗ. Đó là chuyện bình thường trong kinh doanh”. 

Sự quyết tâm, mạo hiểm, chấp nhận rủi ro của nhà làm sách giúp độc giả có nhiều cơ hội được tiếp cận với các tác phẩm hồi ký chính trị mới, giúp giới xuất bản quốc tế có nhiều thiện cảm hơn với các nhà làm sách Việt Nam. 

Ngô Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI