Ly hôn ở tuổi nào cũng là đáng tiếc

06/05/2021 - 05:51

PNO - Ở một góc độ nào đó, ly hôn cũng là giải pháp nhân văn. Khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng không còn yêu thương, chăm sóc nhau thì càng cố gắng duy trì, kéo dài chỉ khổ thêm

Tại Việt Nam, vấn đề gì khiến cho những mái đầu bạc với con cháu đùm đề phải kết thúc hôn nhân bằng một phán quyết của tòa và làm sao để họ cứu vãn cuộc sống chung khi chưa quá muộn?

Thẩm phán Lại Phước Trường (Tòa án nhân dân H.Bình Chánh, TP.HCM) đã dành cho Báo Phụ Nữ TP.HCM cuộc trò chuyện chân tình. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phóng viên: Ở cái tuổi không còn bồng bột, nông nổi các cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa nhờ giải quyết ly hôn có cần được thẩm phán hòa giải không, thưa ông?

Thẩm phán Lại Phước Trường: Tòa án làm đúng thủ tục, trách nhiệm, không phân biệt tuổi nào, giới nào. Ly hôn dù ở tuổi nào cũng liên quan, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, con cái, xã hội nên hòa giải là khâu rất quan trọng để hai bên bình tâm nhìn nhận lại mối quan hệ của mình.

Nhưng trên thực tế, những vợ chồng lớn tuổi một khi đã nộp đơn thống nhất ly hôn, hoặc đơn phương đi nữa thì họ đã quyết tâm rất cao. Họ cũng đã chuẩn bị kỹ lưỡng về phân chia tài sản, con cái đã trưởng thành nên tỷ lệ hòa giải đoàn tụ thành công là rất thấp. 

Theo dõi các vụ việc ly hôn trong những năm vừa qua cho thấy, hiện đang có dấu hiệu tăng số lượng các cặp vợ chồng lớn tuổi (khoảng trên 50 đến 70) lại muốn ra tòa ly hôn - cũng là xu hướng chung của thế giới hiện nay.

Nguyên nhân do nhận thức về mặt tinh thần, do dân chủ trong đời sống hôn nhân ngày càng thoáng hơn, do tính cách độc lập của cá nhân, sự phát triển kinh tế, công việc, môi trường làm việc mới… Họ xác định rằng không còn tình cảm nữa thì cũng không muốn liên quan gì đến người dù đã chung sống với nhau gần suốt cuộc đời. 

Cũng có những cặp vợ chồng ly hôn nhưng sau đó vẫn chung sống với nhau và lo cho nhau khi bệnh đau. Ngoài ra cũng có trường hợp sau ly hôn bước tiếp bước nữa, sau đó già yếu bệnh thì bị bỏ rơi phải quay về với vợ cũ…

* Càng lớn tuổi, càng có nhiều mối quan hệ, nhiều ràng buộc về trách nhiệm nghĩa vụ nên rất khó khi phải quyết định ly hôn, chưa kể, sức khỏe cũng xuống dốc cần bạn đời để nương tựa, tại sao họ lại không tiếp tục chung sống cho đến cuối đời?

- Một khi người ta muốn ly hôn thì những ngần ngại với sui gia, con cháu, bạn bè hoặc lo ngại bệnh tật không ai chăm sóc đã không còn quan trọng nữa.

Thời gian chung sống dai dẳng cho họ nhiều cơ hội để hàn gắn nhưng đó cũng có thể là thời gian mỏi mòn chịu đựng lẫn nhau, cuối cùng họ hiểu rằng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Đã không là nơi nương tựa mà còn trở thành gánh nặng của nhau nên họ tìm phương án tự cứu mình trong quỹ thời gian hạn hẹp còn lại của đời mình. 

* Cảm nhận của thẩm phán khi thấy những mái đầu pha sương ra về với bản án ly hôn trên tay?

- Tôi cho rằng ở một góc độ nào đó, ly hôn cũng là giải pháp nhân văn. Khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng không còn yêu thương, chăm sóc nhau thì càng cố gắng duy trì, kéo dài chỉ khổ thêm. Mà con cái cũng không được hưởng một không khí gia đình vui vẻ, tích cực.

Thậm chí có khi con cái chính là người khuyên cha mẹ nên chia tay để giải thoát cho nhau. Việc thẩm phán khuyên nhủ và hòa giải cũng phải có lý có tình và không làm tổn thương các bên, tuy nhiên cũng cần tôn trọng quyết định “tự định đoạt - là quyền của đương sự”.

Trước câu hỏi “cô chú đã sống với nhau mấy mươi năm, sao không dành nốt thời gian còn lại cho nhau để gia đình được trọn vẹn?”, nhiều đương sự bộc bạch thật ra họ đã ly thân từ rất lâu nhưng đợi con cháu trưởng thành, xong bổn phận nuôi dạy, giờ là lúc họ thực hiện mong mỏi thiết tha: “Được ly hôn”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với người trẻ, sau ly hôn có thể gầy dựng một gia đình hạnh phúc, với người lớn tuổi, không cần bước thêm bước nữa thì ly hôn để họ được sống là chính mình, được thỏa sức theo đuổi những đam mê riêng bấy lâu bỏ lỡ.

Họ có thể chủ động chuẩn bị cho tuổi già của mình, tiếp tục đóng góp công sức, tài năng, kinh nghiệm cho xã hội ở lĩnh vực chuyên môn. 

Hai con người, hai cá thể được nuôi dưỡng trong hai gia đình khác nhau, hai tính cách khác nhau, không thể nào hòa hợp tuyệt đối.

Nếu yêu thương nhau, nghĩ đến con thì trong quá trình chung sống phải điều tiết, kiềm chế để thích nghi phần nào, hòa hợp một cách tương đối. Cũng phải có hy sinh, nhường nhịn, kìm bớt “cái tôi”, lắng nghe, cầu thị, sửa chữa khuyết điểm để vun đắp, gầy dựng hạnh phúc. 

Câu chuyện về những cuộc hôn nhân có tuổi thọ hơn nửa đời người nhưng vẫn đi vào ngõ cụt để mỗi cặp vợ chồng soi vào, từ đó vun đắp, gia cố gia đình hiện hữu của mình. Bởi ly hôn ở tuổi nào cũng là điều rất đáng tiếc. 

* Xin cảm ơn thẩm phán. 

TÔ DIỆU HIỀN (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI