Lò làm “ông táo” cuối cùng ở Sài Gòn

23/11/2015 - 14:32

PNO - Nằm dưới chân cầu Rạch Cây hơn 30 năm qua, xưởng sản xuất bếp lò bằng đất nung duy nhất của ông Năm Tiếp vẫn tồn tại giữa Sài Gòn.

Những năm 70 của thế kỷ trước, khi những bếp lò bằng đất nung vẫn đang rất thịnh hành, dưới chân cầu Rạch Cây có khoảng 30 cơ sở sản xuất bếp lò bằng đất nung.

Ngày nay, với quá trình đô thị hóa và cuộc sống ngày càng hiện đại hơn, người dân sử dụng bếp ga, bếp từ thay cho những bếp lò bằng đất nung. Vì vậy, nhiều cơ sở sản xuất lò bằng bếp nung buộc phải đóng cửa, riêng xưởng sản xuất của ông Năm Tiếp vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển cho đến bây giờ.

Lo lam “ong tao” cuoi cung o Sai Gon
Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ, chiếc bếp đang dần được hoàn chỉnh.

Ông Trần Văn Tiếp (mọi người thường gọi ông là Năm Tiếp), chủ cơ sở sản xuất này cho biết, để hoàn thành được một cái bếp nung hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn, người thợ đều phải thật kỳ công và khéo léo để tạo ra được một cái bếp đẹp và chất lượng.

Công đoạn khó nhất và kỳ công nhất chính là tạo dáng cho bếp. Người thợ sẽ cho đất đã được nhào nặn vào khuôn ép rồi rải một lớp cát mịn để chống dính. Sau đó cho một phần đất sét vào và vừa đi vừa giật lùi xung quanh kệ, vừa phải liên tục dùng tay ấn và vuốt đất vào khuôn cho đều nhau. Những cái bếp chưa hoàn chỉnh sẽ được đem ra chỗ nắng lật úp lò và từ từ rút ra khuôn để phơi.

Lo lam “ong tao” cuoi cung o Sai Gon
Công việc này không chỉ đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ, kiên nhẫn mà còn cần ở những người thợ tình yêu và tâm huyết đối với nghề.

Tiếp theo, những người thợ sẽ nắn, gù tạo ra ba giá kê trên thành miệng bếp lò, rồi lại đem đi phơi lần nữa. Trước khi đem đi nung, lò sẽ được cắt gọn lần nữa sao cho mịn và đẹp hơn. Sau hai ngày một đêm được nung trong lò, những chiếc bếp được ra lò với cái áo mới đỏ tươi.

Cơ sở sản xuất của ông Năm tiếp rộng hơn 200m2 với hơn 40 người thợ. Trong đó, 10 thợ chính. Hầu hết những người thợ ở đây đều là những người gắn bó với nghề này trên 30 năm.

Cụ Nguyễn Văn Hữu (80 tuổi) là thợ lớn tuổi nhất ở đây. Hơn 40 năm ông gắn bó với công việc này. Với ông, đây không chỉ là công việc nuôi sống gia đình ông qua những năm đói kém mà nó đã trở thành niềm đam mê, thú vui của ông khi ở tuổi này.

Mặc dù con cái ngăn cản, nhưng ông vẫn “trốn” để được làm việc mỗi ngày. Nhìn dáng vẻ khỏe mạnh, minh mẫn và bàn tay khéo léo thoăn thoắt của ông, không ai nghĩ rằng người đàn ông này đang ở tuổi xế chiều.

Lo lam “ong tao” cuoi cung o Sai Gon
Sau khi phơi đủ nắng, những chiếc bếp này sẽ được đưa vào lò nung.

Là một người trẻ tuổi nhất trong số những người thợ ở đây, anh Long (19 tuổi) cho biết, anh đã vào làm ở đây được hơn một năm. Công việc này rất vất vả, suốt ngày chân lấm tay bùn. Nhưng lỡ yêu nó nên anh quyết tâm học nghề với mong muốn gắn bó lâu dài với nghề.

Trong xưởng hầm hậm cái nóng vất vả ấy, không chỉ những người đàn ông mới chịu cực được mà những người phụ nữ vẫn kiên trì gắn bó với cái nghề “nặn đất” này.

Bên cạnh bếp lò hừng hực lửa, chị Hoa đang cẩn thận khều lửa cháy cho đều. Khuôn mặt đỏ ửng, mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt rám nắng, chị vẫn luôn nở nụ cười rất tươi. Chị chia sẻ với chúng tôi về cái duyên gắn bó với nghề, 12 tuổi chị vẫn thường theo mẹ đến đây để chơi. Từ lúc nào, chị say mê với mùi đất, với cái không khí hầm hậm ở trong lò.

Chị ngồi hàng giờ nhìn những chiếc bếp được tạo ra từ những bàn tay khéo léo của những người thợ. Từ lúc nào, hình ảnh của những bếp lò đã in sâu vào tâm trí của chị, chị quyết tâm theo học nghề dù mẹ chị ngăn cấm.

Lo lam “ong tao” cuoi cung o Sai Gon
Dù vất vả nhưng những người phụ nữ này vẫn bám nghề đến cùng.

Cô Ba (80 tuổi) cũng là một bóng hồng lành nghề trong lò bếp nung này. Cô vào làm ở đây từ những ngày xưởng mới thành lập. Nhiều lúc thấy cực, cô chuyển qua làm cái khác nhưng vì nhớ nghề cô lại quay trở lại công việc cũ. Ở cái tuổi tóc hoa râm này, cô vẫn không muốn nghỉ ngơi. Đôi tay của cô vẫn muốn góp phần tạo nên những bếp lò nung chất lượng.

Lo lam “ong tao” cuoi cung o Sai Gon
Niềm mơ ước của Hoàng là được trở thành một người thợ lành nghề trong tương lai.
Lo lam “ong tao” cuoi cung o Sai Gon
Sau khi hoàn thành, những chiếc bếp sẽ được mang “áo giáp sắt” và được xuất đi.

Nhìn những cái bếp nung đơn giản, nhiều người không biết rằng đó là cả một quá trình kỳ công và tâm huyết của những người thợ. Không chỉ là sự khéo léo, cần mẫn, kiên trì mà trong những cái bếp lò đỏ tươi ấy là cả tình yêu của những người thợ.

Trần Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI