Liên Hiệp Quốc cảnh báo nguy cơ các rạn san hô gặp thảm họa sinh thái

17/04/2024 - 20:26

PNO - Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về đại dương cảnh báo khả năng xảy ra “một thảm kịch hệ sinh thái khổng lồ”, trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Một số rạn san hô bị tẩy trắng ở khu Bảo tồn sinh thái biển Flower Garden Banks, ngoài khơi bờ biển Galveston thuộc Vịnh Mexico, bang Texas, Hoa Kỳ, ngày 16/9/2023  — Ảnh: AP
San hô bị tẩy trắng ở khu Bảo tồn sinh thái biển Flower Garden Banks, ngoài khơi bờ biển Galveston thuộc Vịnh Mexico, bang Texas, Hoa Kỳ, ngày 16/9/2023 — Ảnh: AP

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP bên lề hội nghị đại dương quốc tế ở Hy Lạp, Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về đại dương - Peter Thomson - đề xuất, tất cả các rạn san hô quan trọng nên được đưa vào các khu bảo tồn biển theo sáng kiến ​​“30x30”, kế hoạch chỉ định 30% diện tích đất liền và đại dương trên thế giới là khu vực được bảo vệ vào năm 2030, theo AP đưa tin ngày 17/4.

Trong hội nghị về đại dương diễn ra vào thứ Hai ngày 15/4, ông Thomson nhận định, thế giới chưa nỗ lực đủ để bảo vệ các rạn san hô, trong khi loài sinh vật này giúp bảo vệ các hệ sinh thái biển, bảo vệ đa dạng sinh học, duy trì sự sống dưới nước và tạo ra oxy để chúng ta hô hấp. Tình trạng tẩy trắng nghiêm trọng và kéo dài, do nước quá ấm, có thể giết chết san hô.

Cũng trong hội nghị, các chuyên gia về san hô, từ Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) và tổ chức Sáng kiến Rạn san hô Quốc tế (ICRI) cho biết, các rạn san hô đang trải qua quá trình tẩy trắng toàn cầu lần thứ 4, cũng là lần thứ 2 chỉ trong 10 năm trở lại đây, do đại dương ấm lên trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp.

Cũng theo các nhà khoa học từ NOAA và ICRI, tình trạng tẩy trắng san hô đang diễn ra trên ít nhất 53 quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc nền kinh tế địa phương, từ tháng 2/2023 tới nay. Hiện tượng tẩy trắng diện rộng diễn ra đặc biệt phức tạp tại rạn san hô Đại Bảo Tiều (Great Barrier), trong tình hình nước biển ở phía đông bắc nước Úc ấm bất thường.

Ông Thomson cho biết, bất chấp nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ các rạn san hô trên khắp thế giới, hiện tượng tẩy trắng san hô tiếp tục diễn biến trên toàn cầu là do hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, dẫn đến phát thải khí nhà kính và làm đại dương nóng lên.

Vị đặc phái viên LHQ cho biết: “Có phải chúng ta đang đối mặt với một thảm kịch sinh thái khổng lồ? Chắc chắn là như vậy. Và chúng ta không thể thoát khỏi điều đó. Lần tẩy trắng hàng loạt lần thứ 4 chỉ là… điềm báo cho những gì sắp xảy ra”.

Trường An (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI