Lập "hụi ma" lừa 16 tỷ của dân nghèo

21/09/2016 - 06:15

PNO - Bằng cách dựng nên “hụi ma”, bà Trúc đã lôi kéo được 54 người dân ở địa phương tham gia với số tiền lên đến 16 tỷ đồng nhưng đến nay, bà này vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật…

Trót tham gia vào đường dây “hụi ma” của bà Trúc, 54 người dân ở P.Tân Bình, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương hiện đang lâm vào cảnh khốn đốn: có người tán gia bại sản, mẹ chết không có tiền làm đám tang; có người thì bị người thân hắt hủi… dù số tiền bà Trúc chiếm đoạt của 54 người dân lên đến hơn 16 tỷ đồng nhưng đến nay, bà này vẫn ung dung sống ngoài vòng pháp luật…

Khóc ròng

Sáng 20/9, sau khi nhận được thông báo của Công an TX.Dĩ An rằng nội dung 54 người dân tố giác bà Nguyễn Ngọc Trúc (SN 1973) và ông Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1975) là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu phạm tội... hàng chục người dân bị lừa bởi đường dây “hụi ma” của vợ chồng bà Trúc đã gọi điện cầu cứu báo Phụ Nữ TP.HCM.

Trong hoàn cảnh khốn cùng, nhiều người cho biết, họ quá túng quẫn và mất lòng tin với cách giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng. Trong tiếng nấc nghẹn, bà Nguyễn Thị Thắm (SN 1960, ngụ P.Tân Bình, TX.Dĩ An) kể, bà sống bằng nghề chăn nuôi heo. Cần cù tích góp, đến năm 2012, bà dành dụm được vài trăm triệu đồng để sau này an dưỡng tuổi già.

Trong thời gian này, bà Trúc thường xuyên lui tới nhà và rủ rê bà Thắm tham gia đường dây hụi của bà ta để kiếm tiền lời hàng tháng. Đến tháng 6/2012, bà Thắm đã mang tổng cộng 645 triệu đồng tham gia vào đường dây hụi của bà Trúc.

Bà Thắm cho hay: “Bà Trúc lập đến 100 dây hụi với rất đông người tham gia, nhưng ngay từ đầu, bà ấy đã bộc lộ rõ ý đồ chiếm đoạt tiền của chúng tôi. Bà Trúc ghi hàng loạt tên giả vào dây hụi để hàng tháng mở hụi; đến ngày khui hụi thì bà Trúc viết giấy ghi tên của những “hụi viên ma” này bỏ trước vào dây hụi để họ bắt (nhận) hụi trước, các hụi viên đến sau như chúng tôi không thể nào bắt được hụi”.

Lap
Đại diện 54 người dân trong đường dây “hụi ma” đến Công an TX.Dĩ An nhận thông báo kết luận vụ việc

Bằng cách dựng nên “hụi ma” như trên, bà Trúc đã lôi kéo được 54 người dân ở địa phương tham gia với số tiền lên đến 16 tỷ đồng. Đến tháng 1/2014, khi nhiều người dân đến nhà bà Trúc đòi tiền hụi thì bà này tuyên bố đã vỡ hụi và không có tiền chi trả. Đến khi người dân trình báo vụ việc lên cơ quan chức năng yêu cầu can thiệp thì bà Trúc tìm cách tẩu tán tài sản cho người thân của chồng mình.

Theo bà Thắm, khi vụ việc được đưa ra chính quyền địa phương thì bà Trúc hứa sẽ bán nhà đất để trả nợ. Sau đó, bà Trúc có ra UBND P.Tân Bình để làm “giấy xác nhận tình trạng bất động sản để thế chấp vay vốn”. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng bà Trúc lại tẩy xóa giấy tờ này, chuyển thành “giấy xác nhận tình trạng bất động sản để sang nhượng”.

Từ giấy tờ tẩy xóa này, bà Trúc đã sang nhượng toàn bộ nhà đất cho ông Võ Văn Tân (ngụ TX.Dĩ An). Được biết, giữa ông Tân và chồng của bà Trúc có quan hệ anh em nên việc sang tên như trên khiến nhiều người đặt nghi vấn là bà Trúc đã tẩu tán tài sản.

Bức xúc trước việc làm của Trúc, những nạn nhân trong đường dây “hụi ma” đã làm đơn khởi kiện vợ chồng bà này ra TAND TX.Dĩ An. Tại bản án số 48/2014/DS-ST, tòa án đã buộc vợ chồng bà Trúc trả lại tài sản cho các bị hại. Tuy nhiên, đến khi bản án có hiệu lực thì Chi cục Thi hành án dân sự TX.Dĩ An không thể thi hành án vì vợ chồng bà Trúc không còn tài sản.

Tan nát gia đình vì "hụi ma"

Được biết, nhiều người dân địa phương đã bán đất, cầm cố tài sản... để tham gia vào đường dây hụi của bà Trúc với nguyện vọng có thêm chút tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ số tiền trên đã mất trắng khiến họ vô cùng khốn đốn.

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Phạm Văn Cang (SN 1972, ngụ P.Tân Bình) cho biết, gia đình anh thuộc diện khó khăn ở địa phương. Thời gian trước, để có tiền lo cho con ăn học và nuôi mẹ già bị nằm liệt một chỗ, anh phải bán một miếng đất. Trong thời gian này, Trúc thường xuyên lui tới rủ anh tham gia vào đường dây hụi và mượn toàn bộ số tiền 447 triệu đồng mà anh bán đất và dành dụm được.

Anh Cang cho hay: “Lúc mượn tiền, bà Trúc hứa là trong một năm sẽ trả tiền cho tôi; do chỗ quen thân nên tôi đồng ý cho mượn. Nhưng đến hẹn, bà Trúc tìm nhiều cách quỵt tiền”. Cũng theo anh Cang, trong những năm cho mượn tiền và tham gia vào đường dây hụi của bà Trúc, kinh tế gia đình anh trở nên rất khốn đốn.

Năm ngoái, khi mẹ anh qua đời, anh có đến nhà bà Trúc yêu cầu bà này trả lại tiền để anh mai táng cho mẹ nhưng bà Trúc vẫn nhất quyết không trả. “Tôi phải đi mượn tiền để mai táng cho mẹ. Đến nay, tiền mượn không đòi được, lại thêm một khoản nợ không biết khi nào trả nổi. Hiện gia đình tôi vô cùng khốn khổ, tôi không biết tới đây có đủ tiền lo cho con đi học không nữa” - anh Cang nghẹn ngào.

Còn bà Nguyễn Thị Bảy (SN 1969, ngụ P.Tân Bình), do tin tưởng cho bà Trúc mượn tiền nên cho đến nay gia đình bà lâm vào cảnh xào xáo, vợ chồng ly thân, không nhìn mặt nhau. Theo bà Bảy, bà và bà Trúc là hàng xóm với nhau nên hai gia đình hay qua lại trò chuyện.

Nhiều lần, bà Trúc tâm sự với bà là đang cần một số tiền để xây biệt thự, nhà nghỉ để làm tăng giá trị căn nhà, sau đó bán lại nên nhờ bà Bảy cho vay. Tin tưởng bà Trúc, bà Bảy đã lén chồng lấy toàn bộ số tiền trong nhà và đi cầm giấy tờ đất vay mượn bên ngoài số tiền 1 tỷ 914 triệu đồng đưa cho bà Trúc mượn.

Tuy nhiên, sau đó bà Trúc thất hứa, không trả tiền khiến bà Bảy lâm vào cảnh khốn đốn. “Sau khi biết chuyện, chồng tôi phải bán đất để chuộc giấy tờ nhà và trả số nợ mà tôi đã mượn của người ta. Sau lần đó đến nay, vợ chồng tôi như sống ly thân với nhau, chồng tôi vì quá giận mà không nhìn mặt tôi nữa. Gia đình tôi tan nát cũng chỉ vì bà Trúc, nhưng hiện nay bà Trúc vẫn sống xa hoa, đầy đủ nhờ vào số tiền mồ hôi nước mắt của chúng tôi. Nhiều lần thấy bà Trúc chạy ô tô, váy đầm đi du lịch, nghỉ dưỡng mà tôi ứa nước mắt”.

Giống như bà Bảy, bà Tống Thị Trang (SN 1963, ngụ P.Tân Bình) cũng gom góp tiền của mình và các con với tổng cộng hơn 776 triệu đồng tham gia vào đường dây hụi của bà Trúc. Đến khi vỡ nợ, cả gia đình bà khốn đốn, bà Trang không dám nhìn mặt con vì đã trót giao toàn bộ tài sản của các con dành dụm được cho Trúc.

54 người dân ở P.Tân Bình nằm trong đường dây “hụi ma” của vợ chồng bà Trúc hầu hết đều là người dân lao động, có hoàn cảnh khó khăn, do tin lời dụ dỗ của bà Trúc nên đã đi vay mượn, cầm cố tài sản tham gia vào đường dây “hụi ma”. Đến nay, cuộc sống của họ rất khốn khổ.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, hiện tại Trúc đang ở trong một căn biệt thự lớn, sống hết sức xa hoa. Khi người dân đến đòi tiền và dọa sẽ trình báo công an về hành vi lừa đảo của mình thì bà Trúc lớn tiếng thách thức.

Chỉ là tranh chấp dân sự?

Sau khi lực lượng thi hành án của TX.Dĩ An “bất lực”, những người dân bị bà Trúc lừa đã làm đơn tố cáo hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” qua hình thức chơi hụi lên Công an tỉnh Bình Dương.

Sau đó, ngày 6/8/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã có văn bản chuyển đơn tố giác đến Công an TX.Dĩ An để đơn vị này thụ lý, giải quyết. Mãi cho đến ngày 20/9/2016, Cơ quan CSĐT Công an TX.Dĩ An mới gửi cho người dân “phiếu thông báo và chỉ dẫn” kết luận: nội dung đơn tố giác (do bà Nguyễn Thị Thắm đại diện đứng đơn) đối với bà Trúc là tranh chấp dân sự, không có dấu hiệu phạm tội.

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cũng kết luận, việc bà Trúc sửa chữa đơn xác nhận của UBND P.Tân Bình từ “vay vốn ngân hàng” thành “sang nhượng” để chuyển nhượng đất cho ông Tân không cấu thành tội phạm. Công an đề nghị bà Thắm tiếp tục khởi kiện ra TAND TX.Dĩ An để hủy hợp đồng chuyển nhượng.

Để làm rõ thêm một số tình tiết của bảng thông báo này, cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công an TX.Dĩ An nhưng đại diện đơn vị này cho biết là đang đi vắng và sẽ trả lời sau.

Liên quan đến vụ việc, ông Đặng Văn Năm, Chủ tịch UBND P.Tân Bình cho biết: “Việc vợ chồng bà Trúc nợ tiền của người dân địa phương diễn ra từ vài năm nay. Trước đây, địa phương cũng đã đem vụ việc ra hòa giải nhưng vợ chồng bà Trúc nợ rất nhiều tiền của người dân và không có khả năng chi trả. Hiện tại, vụ việc đang được công an và tòa án giải quyết”.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình (TP.HCM) khẳng định, Công an TX.Dĩ An cho rằng việc tranh chấp giữa những người cho vay với bà Trúc là tranh chấp dân sự là chưa thỏa đáng.

Vì việc chơi hụi là một giao dịch dân sự mà pháp luật cho phép, nhưng thực tế, bà Trúc dùng thủ đoạn gian dối ngay từ đầu để cố ý chiếm đoạt tài sản người khác bằng cách ghi khống số người vào dây hụi, ghi hàng loạt tên giả vào dây hụi để hàng tháng mở hụi. Khi đến ngày khui hụi thì bà Trúc viết giấy ghi tên của những người giả này bỏ trước để họ “bắt hụi” trước.

Bằng cách dựng nên “hụi ma” này, bà Trúc đã chiếm đoạt một số tiền lớn rồi tuyên bố vỡ hụi. Hành vi này theo tôi đã có dấu hiệu của tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự. Hình phạt của tội này thấp nhất là ba tháng tù và cao nhất đến chung thân.

Cũng theo luật sư Hùng, việc chơi hụi cần minh bạch và công khai giữa các hụi viên; khi chủ hụi có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt hụi của hội viên thì nên nghiêm khắc xử lý về mặt hình sự.

Luật sư Hùng cũng nhắn nhủ người dân: “Khi tham gia hụi, các thành viên cần tìm hiểu kỹ về nhau và tìm hiểu về uy tín, khả năng tài chính của chủ hụi cũng như các hụi viên để tránh bị lừa dối. Khi tham gia dây hụi, nên lập văn bản rõ ràng, có chữ ký của các bên và cần có quy định cụ thể trong từng dây hụi, quyền và nghĩa vụ, nguyên tắc hốt hụi... để bảo đảm quyền lợi cho mình”.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI