Kinh hoàng đòn trừng phạt nếu không kiêng tắm 3 năm tưởng nhớ bạn đời

11/08/2015 - 11:12

PNO - Người Ja Rai ở Tây Nguyên có nhiều tập tục thể hiện mối tương thông giữa thế giới người sống và linh hồn người chết rất độc đáo.

Một trong số đó là tục kiêng tắm để tưởng nhớ người chết. Mới nghe có vẻ như đơn giản nhưng đó là một tập tục khắt khe. Và, nếu ai vi phạm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.

Ở bẩn để trọn nghĩa phu thê

Trong dãy bạt ngàn của núi rừng Tây Nguyên với nhiều tộc người sinh sống, có rất nhiều tập tục của người đồng bào tồn tại lâu đời. Ở đó, có những câu chuyện kỳ lạ, xem lẫn kỳ bí khó giải thích được.

Men theo những triền rừng núi cheo leo, chúng tôi tìm đến làng Chuết (phường Thắng Lợi, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) để tìm hiểu thêm một tập tục không kém phần độc đáo xen lẫn kỳ dị, đó là tục kiêng tắm để tưởng nhớ người chết của người Ja Rai.

Điều kỳ lạ khiến chúng tôi không ngờ tới là tập tục này đã tồn tại một thời gian dài, nhưng khi hỏi đến thì những người trong làng không ai dám chia sẻ, bởi theo họ đó là lệ làng. Thuyết phục mãi, chỉ một vài người trong làng hé lộ về tập tục của đồng bào mình.

Kinh hoang don trung phat neu khong kieng tam 3 nam tuong nho ban doi
Già làng A’Ka đang kể về tập tục kiêng tắm để tưởng nhớ người chết.

Theo già làng A’Ka (SN 1959), để bày tỏ niềm thương tiếc với người chết, người đồng bào Ja Rai ở đây phải kiêng tắm một thời gian, nếu chẳng may bạn đời của mình mất đi. Đó có lẽ là cách khó mà “đụng hàng” với các dân tộc khác trong việc bày tỏ nỗi đau mất vợ hoặc chồng.

Già làng A’Ka cho biết: “Người Ja Rai sống luôn trọn tình, trọn nghĩa với người đã chết. Người sống phải chăm sóc lo từng bữa cơm, nước uống cho người đã khuất cả năm trời.

Bởi theo quan niệm của người Ja Rai khi chưa làm lễ bỏ mả (từ 1 đến 3 năm, tùy theo điều kiện của từng gia đình) thì phần hồn của con ma vẫn còn sống trên dương gian. Mà đặc biệt, họ còn sáng tác ra một án tục để áp dụng cho chồng hoặc vợ của người quá cố phải thực thi”.

Sau khi làm ma chay cho người bạn đời đã khuất, trong suốt thời gian chờ đến ngày bỏ mả, người còn lại sẽ không được tắm gội, không được mặc đồ sạch đẹp, không được cắt tóc, chải đầu, quần áo để như lông con gà mái ấp.

Và đỉnh điểm của sự kinh dị là người vợ hoặc chồng còn sống phải tự lấy cật nứa cứa vào cơ thể mình cho chảy máu, có như thế thì mới được xem là cùng chịu sự đau đớn với người đã khuất.

Không chỉ phải biến mình thành một người đại xấu xí, hôi hám, mà người đang trong thời gian để tang này phải sống một cách âm thầm, lặng lẽ, không được nói chuyện nhiều với người khác.

Đặc biệt là không được nhìn ngắm, đi chung, ghé thăm nhà hay nói chuyện với bất kì một người đàn ông (đối với người vợ), đàn bà (đối với người chồng) nào trong làng.

Già làng A’Ka cho biết: “Vợ chồng đang chung sống cùng nhau, nay người vợ hoặc người chồng chết đi thì ai mà không buồn, không nhớ, không thương. Có người còn không thiết gì nữa, kể cả ăn uống.

Và nếu người chồng hoặc vợ của người đã chết mà không làm theo tục lệ thì sẽ bị khép vào tội không chịu tang chồng hoặc vợ, nên sẽ bị dân làng chê cười, xử phạt rất nặng”.

Trong quá trình kiêng tắm, người này sẽ bị người nhà của người chết quan sát và theo dõi rất kỹ. Nếu người này thực hiện tốt, có thể được chấm dứt sớm thời hạn “thi hành án”, nhưng ít nhất cũng là một năm.

Khi hết thời gian “thi hành án”, người này sẽ được người bên gia đình người chết tắm rửa hay cắt móng tay, móng chân. Việc làm này đa phần là thủ tục, do vậy mà sau đó người vừa “thi hành án” xong sẽ tự mình làm lại việc vệ sinh cơ thể.

Già làng A’Ka cho biết: “Nếu người kiêng tắm là rể thì sẽ được em trai hay anh trai hoặc bố của vợ làm thủ tục tắm rửa.

Ngược lại, nếu người kiêng tắm là dâu thì sẽ được em gái hay chị gái hoặc mẹ chồng làm thủ tục tắm rửa. Sau đó, người này phải mổ trâu, bò, heo gà… để mọi người ăn uống no say và chính thức được tự do, nghĩa là không còn ràng buộc gì từ làng hay gia đình vợ hoặc chồng quá cố”.

Theo già làng A’Ka, sau khi làm lễ bỏ mả, người còn sống được phép cưới chồng hoặc vợ mới. Có một điều là sau một năm, người còn sống có thể được phép xin làm lễ bỏ mả sớm để tìm duyên mới.

“Thế nên, để tránh cái cảnh người vừa chết, kẻ sống liền tìm duyên mới, người Ja Rai ở đây quy định tục kiêng tắm nhằm níu kéo thời gian tìm duyên mới đó dài ra, và quy định ít nhất là một năm”, già làng A’Ka giải thích.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI