Kinh doanh nhỏ, theo “luật mềm” hay “luật cứng”?

23/04/2016 - 07:08

PNO - Hôm nay anh cán bộ đó “gật đầu”, nhưng ngày mai anh “khó ở” nên có thể thấy “ngứa mắt”...

Nhiều năm ngồi uống cà phê trên vỉa hè quận 1, TP.HCM, tôi hay trò chuyện với anh Cường chủ quán và biết ít nhiều về việc kinh doanh của anh. Để có vị trí đẹp cạnh một công viên lớn, đông nhân viên công sở, anh đã bỏ ra bảy triệu đồng “mua chỗ” từ “đồng nghiệp tiền nhiệm”.

Hàng tháng, anh phải trả hai triệu đồng cho công sở mà anh đang đặt giá đựng ly nho nhỏ trên gờ tường rào của họ. Tôi thấy cảnh sát khu vực, các công an viên của phường ngày ngày chạy xe qua, gọi ly cà phê, bao thuốc lá nhưng đều không đưa tiền ngay mà cuối tháng mới tính sổ, tất nhiên số tiền anh Cường lấy từ họ chỉ “gọi là”. Anh gọi đó là “hụi chết”.

Anh Cường có biết mình đang vi phạm pháp luật không? Tất nhiên là biết, dù có thể chưa đầy đủ và anh hóa giải lỗi “lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của mình” bằng cách “làm luật mềm” với cả cơ quan công quyền lẫn nơi anh đang choán mặt tiền. Tuy vậy, nhiều đợt lực lượng thanh tra giao thông bất ngờ xuất hiện, anh vẫn bị hốt mất một số ghế nhựa, đôi khi cả bộ đồ pha cà phê, vắt nước cam nếu anh chưa kịp ôm chạy. Anh Cường buồn, tiếc đồ nghề, tiếc một buổi bán của mình, nhưng anh chấp nhận rủi ro vì biết mình là người vi phạm, là người không có khả năng thuê mặt bằng để kinh doanh cho bài bản, đúng luật.

Kinh doanh nho, theo “luat mem” hay “luat cung”?
Ảnh minh họa

Người bán hàng rong, bán hàng lấn chiếm không gian giao thông đô thị như anh Cường từ lâu đã là một phần của thành phố này. Biết mình vi phạm pháp luật, biết có thể trắng tay nếu một ngày xui rủi đụng độ với lực lượng chức năng nên họ đều chỉ nhau cách “làm luật mềm”. Nhưng rõ ràng, luật mềm lại là thứ luật lỏng lẻo nhất. Hôm nay anh cán bộ đó “gật đầu”, nhưng ngày mai anh “khó ở” nên có thể thấy “ngứa mắt”; ngày mốt, anh cán bộ mới thuyên chuyển về, công cuộc “làm luật” lại bắt đầu từ số không. Nếu mọi việc không trôi chảy, anh phải chấp nhận “giải tán” việc kinh doanh của mình.

Quán hủ tíu nho nhỏ thuê mặt bằng nhà chị tôi mỗi tháng mất 500.000đ tiền nước. Xót của, ông chủ quán muốn đặt công tơ nước riêng để hưởng giá nước theo định mức của thành phố. Tuy nhiên, hồ sơ chuyển đổi định mức nước yêu cầu phải có hợp đồng thuê mướn mặt bằng được công chứng tại phường.

Chị tôi giãy nảy với yêu cầu của chủ quán, vì tìm hiểu thì biết, nếu lập hợp đồng cho thuê nhà theo đúng luật, chị phải đóng thuế thu nhập cá nhân 10% trên mức tiền cho thuê. Hai bên giằng co, không nơi nào chịu 10% đó, dù số tiền này cộng với tiền nước trong định mức ít hơn hẳn 500.000đ ông chủ quán phải trả hàng tháng. Cuối cùng, họ quyết định tiếp tục né “luật cứng” để vẫn làm kẻ cho thuê nhà “lụi” và đi thuê nhà “lụi”.

Cả chị tôi lẫn ông hủ tíu đều hiểu làm chui thì chuyện khó lường. Hợp đồng cho thuê không được công chứng thì tính ràng buộc rất yếu, khi xảy ra tranh chấp như một bên “lật kèo” tăng giá hay một bên nổi hứng phá ngang các điều khoản về thời gian thuê mướn và xây dựng, cơi nới, họ sẽ chủ yếu là cãi nhau, chứ không thể nhờ pháp luật phân xử.

Thuê nhà “lụi” và không đăng ký kinh doanh nên mỗi khi bị kiểm tra, ông chủ quán phải chuẩn bị sẵn một-hai triệu để lo lót; ngày lễ ngày tết ông đều không quên quà cáp, tâm lý lúc nào cũng nơm nớp lo sợ. Từ một vài vụ án mà người cho thuê nhà trốn thuế phải đi tù, chị tôi cũng có lúc chột dạ “nếu khui ra, có lẽ chị cũng phải đi tù”, nhưng nếu chị đi tù thì “nửa khu phố này đi tù hết, nhà giam đâu mà chứa?”, chị lý luận.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI