Kịch “Sắc màu": Sao lại tạo tiếng cười bằng những điều nhạy cảm?

22/08/2023 - 21:18

PNO - Cường điệu hoá các hành động ẻo lả, hành vi lố lăng thuộc về giới tính để gây cười chính là sự xúc phạm người giới tính thứ ba.

Sắc màu là vở hài kịch được Idecaf dựng lại từ phiên bản của năm 2016, kể về câu chuyện tình yêu, tình bạn của những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, giới tính được đề cập trong bản dựng lần này lại trở nên hợm hĩnh. 

Nhân vật Helen Đại của Đại Nghĩa được xây dựng over từ quần áo tới cử chỉ
Nhân vật Helen Đại của Đại Nghĩa được xây dựng "over" từ quần áo tới cử chỉ

Câu chuyện của Sắc màu mở đầu từ 2 chàng trai trẻ, Đình và Trương, tìm cách lên Đà Lạt thuê một căn biệt thự với giá rẻ của cô gái tên Lê để sinh sống và làm việc. Nhưng vì là con gái sống một mình nên Lê đưa ra quy định không cho nam giới thuê. Chính vì lẽ đó, Đình và Trương giả dạng thành một đôi tình nhân đồng tính để có thể đạt được mục đích của mình. Nhiều tình huống trái khoáy, hài hước cũng bắt đầu từ đây.

Tuy nhiên, khi nhân vật Helen Đại - giám đốc công ty thời trang mà Đình, Trương và Lê cùng làm việc - xuất hiện, thì tiếng cười ấy biến thành cái nhăn mặt. Helen Đại do diễn viên Đại Nghĩa thủ diễn, xuất hiện với trang phục lòe loẹt, thái độ cử chỉ cong cớn, kênh kiệu và khá “nữ tính". Ngay lần xuất hiện đầu tiên để tuyển dụng nhân viên chụp ảnh là Trương, Helen Đại đã thể hiện ra thái độ suồng sã, vồ vập bất chấp ánh nhìn và sự ngượng ngùng của những người khác. Những câu thoại của Helen sử dụng khi này cũng đầy ngụ ý nhạy cảm, “Quên chuyện chụp hình đi, vô đây xếp hình với tui…”.

Nhân vật của Đại Nghĩa vừa mâu thuẫn về đường dây tâm lý, vừa gây khó chịu vì ẻo lả một cách phản cảm
Nhân vật của Đại Nghĩa vừa mâu thuẫn về đường dây tâm lý, vừa gây khó chịu vì ẻo lả một cách phản cảm

Nếu như đây là một vai diễn hài để gây cười xuyên suốt cho vở diễn thì có lẽ tạm chấp nhận được vì không cần bối cảnh tâm lý sau đó. Nhưng chỉ ở một hai màn sau, Helen Đại khi không thể đạt được mục đích ve vãn Trương, anh ta lại khó chịu và cho rằng mình bị tổn thương vì bị lừa gạt và “trêu đùa trên sở thích” của mình. Đây là đoạn diễn với không khí lắng đọng nhằm mục đích nói lên nỗi lòng của người đồng tính và tìm sự cảm thông từ khán giả. Tuy nhiên, lối diễn hơi cường điệu, thể hiện suồng sã của Đại Nghĩa vô tình tạo nên cảm giác khó chịu cho người xem thay vì là sự cảm thông đáng lẽ phải có. 

Hành động của Helen Đại trong vở diễn là quấy rối tình dục. Việc chưa cần xác định xu hướng tính dục của người đối diện đã liên tục có những cử chỉ lợi dụng để động chạm cơ thể. Sau đó, lại dùng chức quyền của mình để đặt ra những điều kiện đổi chác giữa thân xác và công việc. 

Với những việc làm, suy nghĩ và nhân cách như vậy, sau đó nhân vật Helen Đại đứng lên nói về nỗi lòng của người đồng tính và cảm thấy bị tổn thương khi bị mọi người coi thường có phần hơi khiên cưỡng. Chưa kể, vì muốn gây cười, vai diễn đồng tính được thể hiện một cách cường điệu về hình thể, chăm bẵm vào những câu từ nhạy cảm vô hình chung tạo nên lối suy nghĩ “đồng tính là như vậy”. Và, vì tôi là đồng tính nên mọi người phải cảm thông? 

Một cảnh trong vở diễn
Một cảnh trong vở diễn

Những hành động, câu chữ của Helen Đại làm mất đi ý nghĩa mà Sắc màu từng có trước đây. Nhân vật Helen Đại tung hô, hoan nghênh cho cộng đồng LGBTQ+ ở cuối vở diễn một cách sáo rỗng chứ không phải là mỗi con người là một màu sắc của cuộc sống, ai cũng cần được yêu, được thương, được tôn trọng. 

Vở kịch này, mặc dù có các vai diễn “giả dạng” làm người đồng tính, nhưng rõ ràng không nhằm mục đích tôn vinh cho cộng đồng LGBTQ+.  Sự cố gắng bắt chước các hành động của người giới tính thứ ba trong vở diễn, được cường điệu hoá qua các hành động ẻo lả, đi đứng nói chuyện đều lố lăng, trong khi xã hội hiện đại đang cố gắng bỏ đi những điều sai lệch về hình ảnh này trong đại đa số tác phẩm nghệ thuật, từ sân khấu đến điện ảnh, nói một cách khác, là một sự xúc phạm. 

Nụ hôn của 2 nhân vật nam trong kịch, trong bối cảnh tình huống đó, không có bất kỳ ý đồ dục tính gì, nó nằm nhiều hơn ở sự hi sinh, khi 2 người muốn chứng minh là một đôi đồng tính để giúp cô gái họ yêu không vướng vào nghi vấn. Nhưng, nụ hôn đó bỗng dưng lại được nhân vật Helen Đại cầm lá cờ lục sắc, biểu tượng của cộng đồng LGBTQ+ ra để cổ vũ, vô hình trung lại khiến cho thông điệp của nụ hôn và vở diễn gần như bị sai lệch. 

Có những điều, nếu đặt ở nhiều năm trước là điều bình thường, nhưng với khán giả mới, xu thế thời đại mới lại trở thành chưa đúng. Khi biết Idecaf có kế hoạch dựng lại những vở diễn cũ trong đó có Sắc màu, tôi đã không ngần ngại mua vé, để tìm lại cảm xúc mình đã từng có khi xem vở diễn này 7 năm trước. Thế nhưng, khó chịu là cảm giác tôi đã có khi xem vở diễn này, với sự đổi mới ở chi tiết người đồng giới này.

Nếu chỉ việc tái dựng bằng cách thay đổi quần áo, đầu tóc bên ngoài cho diễn viên, đó cơ bản là tư duy lười sáng tạo. Đồng thời,vì muốn lấy tiếng cười của khán giả mà không ngần ngại đẩy mọi thứ trở nên lố bịch hơn thì tiếng cười đó không phải là sự tán thưởng mà là gián tiếp thành tiếng cười nhạo báng. 

 Nguyên Bồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI