Khúc ca truyền cảm của những nữ thợ lặn

04/07/2021 - 06:00

PNO - Những nữ ngư dân tại Hàn Quốc từng dùng tiếng ca chân phương để phản ánh phận đời cơ cực. Giờ đây, “di sản” âm nhạc họ để lại đã trở thành nét văn hóa độc đáo, ngợi ca sự hy sinh và vẻ đẹp người phụ nữ trong lao động.

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng trên đảo Jeju, cực nam Hàn Quốc, cụ bà Kang Kyung-ja hát lên khúc ca bà sáng tác cách đây rất lâu: 

“Ieodo sana, ieodo sana, ieodo sana
Tôi nên đi về đâu, chèo về đâu
Hướng đến biển xanh sâu thẳm
Nơi mẹ đã sinh ra tôi
Bà ấy biết chăng, ngụp lặn giữa biển lớn là định mệnh của tôi?”.

Chồng bà, người đang luyện thư pháp ở gần bên, cũng hòa giọng: “Ta hãy cùng dựng nhà trên cánh đồng ngập nắng. Hãy cùng tận hưởng cuộc sống và niềm vui”. Ca khúc kết thúc, đôi vợ chồng cùng cười rạng rỡ.

Một nhóm haenyeo chuẩn bị ra khơi  ẢNH: FINANCIAL TIMES
Một nhóm haenyeo chuẩn bị ra khơi - Ảnh: Financial Times 

Bà Kang (73 tuổi) từng làm haenyeo - một công việc đặc biệt đã gắn liền với đời sống văn hóa địa phương. Tuy nhiên, bà thừa nhận: “Không như những haenyeo khác, tôi may mắn có cuộc sống hạnh phúc”. 

Trong tiếng Hàn, haenyeo mang nghĩa “người phụ nữ của biển”, chỉ những phụ nữ hành nghề lặn biển.

Thỉnh thoảng vào buổi sáng, khi thời tiết đẹp, nếu đi dọc bờ biển Jeju, bạn vẫn có thể bắt gặp vài nhóm nữ thợ lặn cần mẫn làm việc giữa làn nước xanh thẫm.

Gần 90% haenyeo có độ tuổi trên 60 và rất nhiều người trong số này đã bước sang tuổi 80. Sử dụng kỹ thuật thở dưới nước cổ xưa có tên sumbisori, nhóm phụ nữ nọ đôi khi phải lặn đến độ sâu gần 10 mét để tìm bắt nhiều loại hải sản: bạch tuộc, bào ngư, ốc xà cừ, nhím biển, sò...

Công việc nhọc nhằn

Với nền đất núi lửa đặc thù, đảo Jeju gần như không thể phát triển nông nghiệp. Nghề haenyeo khởi nguồn từ thế kỷ XVII, giữa bối cảnh như thế, khi người dân buộc phải tăng cường các hoạt động ngư nghiệp để kiếm sống. 

Đến nay, giới sử gia vẫn chưa thể lý giải vì sao công việc này lại do phụ nữ đảm trách. Một số ý kiến cho rằng, trong quá khứ, nam giới thường bị cuốn vào những cuộc chiến tranh hoặc theo đoàn tàu đánh bắt xa bờ. Thế nhưng, dẫu phụ nữ Jeju sẵn lòng đi lặn biển vì sinh kế, nghề haenyeo đã có lúc bị khinh thường bởi tư tưởng Nho giáo bảo thủ vốn mặc định vai trò nữ giới chỉ thuộc về không gian gia đình. 

Đến tận thập niên 1990, nhiều haenyeo vẫn không khuyến khích con cái nối nghiệp họ - như một cách giúp thế hệ tương lai tránh khỏi hệ lụy từ định kiến giới tính.

Thêm vào đó, đây là công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Thường xuyên ngụp lặn dưới biển sâu mà không có thiết bị bảo hộ phù hợp, nữ ngư dân trên đảo dễ mắc bệnh về xương khớp và hô hấp.

Ngày nay, phần đông haenyeo đều lớn tuổi, rất ít phụ nữ trẻ muốn theo nghề.

Dù vậy, những năm gần đây, nhờ phong trào bình đẳng giới tại Hàn Quốc, cách nhìn về haenyeo dần cởi mở hơn.

Năm 2016, khi UNESCO đưa nghề haenyeo vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể, những nữ thợ lặn Jeju trở thành niềm tự hào chung của cộng đồng.

Riêng ở ngành du lịch bản địa, haenyeo chính là nét đặc trưng độc đáo cuốn hút du khách, đặc biệt với người say mê ẩm thực. Hàng chục nhà hàng truyền thống tại Jeju liên kết với các haenyeo tiêu thụ sản vật biển tươi sống họ bắt được. 

Những khúc hát buồn

Dẫu hình ảnh haenyeo mang dấu ấn đẹp hơn ở hiện tại, đi cùng nhiều nỗ lực bảo tồn văn hóa đáng hoan nghênh, góc khuất u buồn trong lịch sử nghề lặn biển tại Jeju lại thường bị bỏ qua. Choa Hye-kyung, sử gia và cựu Giám đốc Bảo tàng Haenyeo, chia sẻ: “Với một nữ thợ lặn haenyeo, mở lòng về quá khứ là điều không đơn giản”.

“Haenyeo luôn được xem là công việc của những người cùng khổ. Họ tìm bắt hải sản, rong biển để bán lấy tiền, chứ không hề giữ lại chút gì cho bản thân. Thứ cao giá như bào ngư được bán cho tầng lớp trung hoặc thượng lưu. Thuở xưa, một số vị vua chúa như vua Jeongjo thời Joseon, thậm chí từ chối ăn bào ngư vì ông hiểu, để lùng bắt được chúng, haenyeo phải vất vả ra sao” - Choa giải thích.

Nhiều khúc ca truyền miệng do haenyeo sáng tác, chính là minh chứng đặc sắc còn lưu giữ đến nay, phản ánh nỗi niềm của những nữ thợ lặn.

Có thời gian dài nghiên cứu về Ahn Do-in, người giám hộ âm nhạc haenyeo đầu tiên được công nhận tại Hàn Quốc, sử gia Choa bày tỏ: “Lần đầu nghe bà Ahn cất tiếng hát, tôi vẫn nhớ âm giọng như lời khóc than nức nở của bà ấy. Tôi đã rơi nước mắt theo bài hát từ lúc nào không hay”:

"Bang, bang, lặn chìm vào lòng biển 
Phải nhịn ăn cả ngày
Học cách ngụp lặn như kế mưu sinh
Dành dụm chăm chỉ từng đồng bạc lẻ".

Âm nhạc haenyeo hình thành với mục đích đặc biệt. Từ khoảng giữa thế kỷ XIX, muốn tìm bắt nhiều loại hải sản quý, các haenyeo phải chèo thuyền đi xa khỏi khu vực đảo Jeju, đôi khi đến tận Busan, biển Nhật Bản. Giữa chặng đường dài mệt nhọc, để giết thời gian, nhóm nữ thợ lặn nghĩ ra những khúc hát đơn giản, có giai điệu nhịp nhàng tương đồng với âm thanh sóng biển.

Lời hát thường xoay quanh công việc lặn, để than thở về người chồng thờ ơ hay bày tỏ cảm xúc trước cảnh đời cơ cực của họ:

“Nếu người không yêu tôi, hãy rời bỏ tôi.
Hãy rời đi khi tôi còn là một nụ hoa đẹp vừa chớm nở.
Hãy rời đi khi tôi còn chưa khoe sắc hoàn toàn.
Ai biết được mai sau tôi sẽ ra sao…”.

Haenyeo đã trở thành một nét đặc trưng cuốn hút của Jeju - ẢNH: ATLAS OBSCURA
Haenyeo đã trở thành một nét đặc trưng cuốn hút của Jeju - Ảnh: Atlas Obscura 

Những bài hát ngắn dễ nghe, dễ nhớ dù không hề được soạn thành văn bản chỉn chu.

Ước tính có khoảng 10.000 khúc ca haenyeo nhưng rất ít trong số chúng có tựa đề.

Ở vài trường hợp, một khúc hát được gọi đơn giản là ieodo sana, cụm từ lặp lại khá thường xuyên trong phần lời nhạc. Không có nghĩa rõ ràng, ieodo sana đôi khi được hiểu như tên gọi một hòn đảo bí ẩn - một chốn “thiên đường trần gian” theo đức tin của ngư dân địa phương. 

Gìn giữ một bản sắc đẹp

Sau hàng loạt biến động thời cuộc, những chiếc thuyền nhỏ mộc mạc nay được thay bằng tàu đánh bắt kiên cố với công cụ hỗ trợ tân tiến hơn, giúp cải thiện đời sống nhiều nữ thợ lặn. Cuộc “bùng nổ” du lịch ở Hàn Quốc cũng biến Jeju thành điểm đến lôi cuốn, qua đó thúc đẩy tiến trình bảo tồn văn hóa haenyeo.  

Năm 1998, nữ thợ lặn kỳ cựu Ahn Do-in được chính phủ Hàn Quốc trao danh hiệu Người giám hộ âm nhạc haenyeo.

Bà Ahn qua đời sáu năm sau đó. Giờ đây, tiếp quản sứ mệnh này là bà Kang Deung-ja và Kim Young-ja.

Trước khi đại dịch toàn cầu bùng phát, họ thường dành vài ngày mỗi tuần đến các trường học địa phương và Bảo tàng Haenyeo, để giảng dạy lẫn trình diễn những khúc ca haenyeo 
truyền thống.   

Âm nhạc haenyeo ngày nay đã có sự tiếp nhận, “cộng hưởng” đôi chút từ một số phong cách âm nhạc hiện đại. Những khúc ca cổ điển đôi khi được biến tấu về giai điệu theo cách sôi nổi hơn để phù hợp thị hiếu công chúng đương đại. 

Riêng với Kang Kyung-ja, một haenyeo từ bỏ công việc sau khi kết hôn, giữa đời sống bình an của hiện tại, những khúc hát về nghề lặn đã thôi mang dấu ấn buồn. “Âm nhạc haenyeo chứa đựng một sức hút độc đáo nguyên thủy. Tôi nghĩ để bảo vệ và tiếp tục lan tỏa chúng, cần đến những người có tài lẫn có trách nhiệm” - bà Kang bày tỏ. 

Như Ý (theo Atlas Obscura

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI