Không ly hôn vì con là cái cớ phi lý

29/08/2019 - 14:51

PNO - Nếu chưa bị đánh đến chết, không ít phụ nữ vẫn chấp nhận sống với chồng vũ phu với lý do muôn thuở: Vì con. Nhưng có thật là vì con hay không?

Nữ nhà báo ở Hà Nội bị chồng đánh đã man khi ôm con hai tháng tuổi trong tay đã rút đơn bãi nại trong sự ngỡ ngàng của hết  thảy những người đang theo dõi, lên tiếng bảo vệ cô.

Cách đây không lâu, ở Bình Thuận, một phụ nữ phải trốn bệnh viện sau hai ngày chữa trị dù ở hoàn cảnh: mang bầu 24 tuần, bị chồng đánh gãy tay, chân, vỡ nền sọ… Nguyên nhân chị trốn viện vì nếu không bỏ về chồng chị sẽ giết. Vài tháng trước chị cũng từng bị đánh, là người rút đơn bãi nại... Và, một người chồng ở Bà Rịa dã tâm giết vợ chỉ vì vợ không giao chìa khóa xe cho để đi mua thuốc lá…

Khong ly hon vi con la cai co phi ly
Chị L. cho biết: "Việc đồng ý hòa giải, rút đơn không phải sẽ về ở lại với nhau. Tôi cũng không nhượng bộ, bị đe dọa mới làm vậy, mà điều này là chút tình nghĩa còn sót lại cuối cùng để cho anh ta một cơ hội và vui vẻ chấm dứt".

Nếu chưa bị đánh chết, có không ít phụ nữ vẫn chấp nhận sống với chồng vũ phu với lý do muôn thuở: vì con.

Điều đáng buồn là những thông tin ấy không hề cá biệt. Ở vùng sâu, vùng xa đã đành, những nơi trung tâm nhất, được xem là văn minh, hội nhập ở thành phố lớn như Hà  Nội, TP.HCM, nơi vẫn dễ dàng gặp chiếc băng rôn nơi công cộng: “Phòng chống bạo lực gia đình”…

Nhà tôi ở cạnh chợ, môi trường khá phức tạp. Trong đó, gia đình chú T. phức tạp nhất nhì xóm. Mẹ tôi phụ trách hội phụ nữ cấp xóm, nửa đêm vẫn thấy cô H. chạy thẳng vào nhà tôi đập cửa khóc cầu cứu.

Mẹ có chai rượu thuốc “gia truyền” (tôi vẫn hay gọi đùa như vậy vì thấy mẹ vẫn dùng bất cứ hoàn cảnh nào: trái gió trở trời nhức mỏi, xoa vết thương, vết thâm bầm…) lại mang ra xoa bóp cho cô.

Hai chị em lại tỉ tê, cô H. văng tục chửi bậy khuất mặt ông chồng một lúc rồi cũng đỡ đau, đỡ tức, quay về. Ban ngày, cô H. quản lý chuỗi Karaoke to nhất xóm . Chuyện cô bị chồng đánh "lên bờ xuống ruộng" lúc nửa đêm chỉ mẹ con tôi biết. Trước khi về, cô vẫn dặn đi dặn lại mẹ đừng nói với ai vì sợ con cái xấu hổ, và sợ chồng tự ái “phang” tiếp.

Tôi từng nói chuyện với một cán bộ Hội Bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nghe chị kể nhiều chuyện dở khóc, dở cười về bạo lực gia đình. Không ít chị  đến nghe chuyên viên khuyên giải với mặt mày thâm đen, sưng húp, nhưng vẫn một mực: “Em chỉ kể cho chị cho hả giận thôi, chứ chị đừng kể cho ai. Chị cũng đừng qua nhà em, nó biết em đi kể lung tung sẽ đánh chết em”.

Khong ly hon vi con la cai co phi ly
Mức độ bạo hành luôn leo thang cùng với sự thỏa hiệp của chúng ta. Hình minh họa

Các cơ quan chức năng muốn can thiệp cũng bị chính người bị hại “làm khó” đến mức không ít bận đi hòa giải lại bị… xùy chó ra đuổi. Khuyên tìm một lối thoát với những người phụ nữ “ở lâu trong khổ Mị cũng quen khổ rồi” là một điều cực khó. Có chị bị đánh đến đi cà nhắc, mất sức lao động vẫn phân bua: Những trận đòn roi dăm bữa rồi cũng lành, bỏ nhau rồi con cái tan đàn xẻ nghé, đứa được mẹ mất cha, thiệt thòi so với bè bạn. Mà bỏ nhau rồi, sức em vậy sao nuôi con?

Mẹ tôi làm vợ với tâm lý “một sự nhịn chín sự lành”. Câu ấy mẹ khuyên hết thảy những người phụ nữ xung quanh, khuyên cả những đứa con gái của mẹ từ khi còn rất nhỏ. Tôi không có thói quen cãi lại hay phản biện trực tiếp với mẹ, nhưng vẫn luôn tự hỏi, vì sao lại phải nhịn? Vì sao phải cam chịu sống với những người chồng có thể đánh vợ lên bờ xuống ruộng? Nhất là khi, hạnh phúc là hành trình, chứ không chỉ ở đích đến.

Tâm lý “nhịn”, tâm lý sợ chồng như một cái  gông vô hình, hoàn toàn đi ngược lại bình đẳng giới mà xã hội hướng tới. Nó khiến người phụ nữ mặc định luôn cho mình sự yếu thế, thua thiệt. Điều tôi dạy con gái mình khác hẳn mẹ, không hề có khái niệm “nhịn”. Mà là, thân thể của con là thứ đáng quý trọng nhất đối với bố mẹ và chính con. Chính vì thế, con không được để bất kì ai xâm phạm, bạo hành. Mặt khác, con phải cố gắng học hành, tập thể lực, ăn ngủ điều độ… mỗi ngày để mạnh mẽ lên. Khi con mạnh mẽ thì sẽ không ai dám bắt nạt hết. Xung quanh tôi, nhiều bạn bè có con gái đều cho con đi học võ từ rất sớm, dạy con biết mạnh mẽ trong tư duy, biết rạch ròi đúng - sai… chứ không dạy khái niệm “nhịn cho lành”.

Tối qua, một cô bạn nhà báo đặt câu hỏi với bạn bè trên Facebook: Bạn đã bao giờ bị chồng đánh chưa? Bạn không ngại chia sẻ rằng, bạn bị chồng bạt tai một lần. Sau cú bạt tai ấy, đường ai nấy đi. Và không ít bạn bè bạn ấy cũng kể, sau một lần duy nhất vợ chồng sử dụng bạo lực với nhau - dù chỉ một cái tát là đã đường ai nấy đi. Không bao giờ có cơ hội cho một cái tát thứ hai chứ không phải “nhiều lần đánh đập vợ lên bờ xuống ruộng” như nhiều người vợ đâu đó từ nông thôn đến thành thị vẫn đang phải hứng chịu.

Cũng cô bạn nhà báo của tôi, thắc mắc không hiểu được vì đâu cô nhà báo vợ của võ sư kia lại chịu để cho chồng nhiều lần đánh đập? Nhiều bạn trả lời: Vì con. (Những đứa con sẽ lớn lên thế nào trong cái nôi bạo hành? Hay lại có thể coi chuyện đó là bình thường và lặp lại lịch sử?). Ngoài nguyên nhân chính ấy, sẽ có vô vàn những lý do để biện minh cho việc phụ nữ chịu đòn theo kiểu mỗi người một cảnh. Nhưng chắc chắn, chẳng có lý do nào đúng.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI