Không đứa trẻ nào thoát khỏi tác động của biến đổi khí hậu

20/08/2021 - 20:13

PNO - Báo cáo mới công bố hôm 19/8 của UNICEF cho thấy trẻ em Ấn Độ, Philippines và một số quốc gia châu Phi đối diện với “nguy cơ cực kỳ cao” của biến đổi khí hậu. Nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới phải bắt tay vào hành động, thay vì chỉ nói suông.

 

Trẻ em lấy nước từ một con sông ở Rosario, Argentina - Ảnh: DW/Getty Images
Trẻ em lấy nước từ một con sông ở Rosario, Argentina - Ảnh: DW/Getty Images

Gần một tỷ trẻ em được xếp vào nhóm “có nguy cơ cực cao” khi khủng hoảng khí hậu toàn cầu đe dọa đến sức khỏe, nền giáo dục và sự nghiệp bảo vệ trẻ em, khiến các em có nguy cơ mắc những căn bệnh nguy hiểm có thể tử vong.

Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF, cho biết: “Lần đầu tiên, chúng ta có một bức tranh toàn cảnh về vị trí và cách thức trẻ em dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, và bức tranh đó thảm khốc không thể tưởng tượng nổi”.

"Các cú sốc về khí hậu và môi trường đang làm xói mòn toàn bộ các quyền của trẻ em, từ quyền tiếp cận không khí sạch, nước sạch và thực phẩm an toàn đến giáo dục, nhà ở, quyền không bị bóc lột và thậm chí là quyền được tồn tại của các em. Hầu như không có đứa trẻ nào mà cuộc sống không bị tác động bởi biến đổi khí hậu”, cô Fore nói thêm.

Các nước có “nguy cơ cực kỳ cao”

Với tiêu đề "Khủng hoảng khí hậu là khủng hoảng về quyền trẻ em", báo cáo của UNICEF cho thấy gần một nửa trong số 2,2 tỷ trẻ em trên thế giới sống ở 33 quốc gia "có nguy cơ cực kỳ cao" - bao gồm một số quốc gia châu Phi, trong đó có Cộng hòa Trung Phi, Chad, Nigeria, Guinea và Ấn Độ.

Không đứa trẻ nào có thể thoát khỏi tác động của biến đổi khí hậu - Ảnh: DW
Không đứa trẻ nào có thể thoát khỏi tác động của biến đổi khí hậu - Ảnh: DW

Báo cáo cho thấy các em "phải đối mặt với sự kết hợp chết chóc của nhiều cú sốc khí hậu và môi trường, dễ bị tổn thương do không đủ các dịch vụ thiết yếu, chẳng hạn như nước sạch và vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục".

Báo cáo nêu rõ số lượng trẻ em bị ảnh hưởng hiện nay, nhưng nó cũng cho biết các số liệu có thể trở nên tồi tệ hơn khi tác động của biến đổi khí hậu gia tăng.

Các nhà hoạt động trẻ đã giáng một đòn vào uy tín các nhà lãnh đạo thế giới

Nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg nói rằng báo cáo mới khẳng định trẻ em là đối tượng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động thay vì chỉ nói suông khi họ nhóm họp tại Glasgow (Anh) để tham dự Hội nghị Biến đổi khí hậu năm 2021 của LHQ (COP26).

"Tôi không mong đợi họ làm điều đó, nhưng tôi sẽ rất vui nếu họ có thể chứng minh rằng tôi sai", Thunberg, năm nay 18 tuổi, tuyên bố nhân dịp 3 năm phong trào “bãi khóa vì khí hậu” mang tên Fridays For Future (Thứ Sáu vì tương lai).

Fridays For Future là phong trào thanh niên toàn cầu bắt đầu bằng cuộc biểu tình đơn lẻ của Thunberg bên ngoài trường học của cô ở Thụy Điển.

Phong trào của Thunberg được các nhà hoạt động trẻ trên khắp thế giới tham gia. Mitzi Jonelle Tan, 23 tuổi, người Philippines, chia sẻ kinh nghiệm làm bài tập dưới ánh nến khi bão hoành hành bên ngoài hay đối mặt với nỗi sợ chết đuối trên giường khi nước lũ tràn vào phòng.

Tan nói: “Những lời hứa suông và những kế hoạch mơ hồ” của các nhà lãnh đạo thế giới là không đủ, và "không có lý do gì để COP26 không mang lại một sự thay đổi nào đó”.

Thanh Vân (theo Reuters, DPA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI