Không đem chuyện gia đình lên mạng, phụ nữ “xả” nỗi lòng ở đâu?

12/04/2022 - 13:46

PNO - Ai cũng từng một lần trải qua những cảm xúc tiêu cực từ buồn chuyện gia đình, công ty hay chuyện bè bạn, người yêu. Nhưng mỗi người một cách đối mặt.

Chỉ một câu hỏi nhỏ được đặt ra trong nhóm mà tôi và nhiều chị em thấy cần phải xem lại cách mà mình đối mặt với nỗi buồn như thế nào. Đại ý, câu hỏi được đặt ra là với những phụ nữ không mang chuyện buồn tung hê lên mạng, không nhậu nhẹt, không khóc lóc... thì khi tâm trạng xuống dốc, họ làm gì?

Tôi công nhận, nhiều chị em quanh tôi và chính tôi cũng đang sống đẹp trên mạng như một nghĩa vụ. Tôi không xem mạng xã hội là nơi để “xả” nỗi buồn, bêu rếu chồng con, nói xấu gia đình chồng cho hả giận hay kể chuyện bất bình trên công ty.

Ảnh minh hoạ.
Người phụ nữ nào dường như cũng có rất nhiều nỗi ấm ức cần được xả ra (Ảnh minh họa)

Tôi thấy môi trường mạng với hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người dùng dù xa lạ nhưng ai cũng có thể “nhảy bổ” vào cuộc đời, lên giọng dạy tôi hay chí ít, họ bàn tán câu chuyện cá nhân tôi với người khác. Nhiều lần bực tức, tôi đã cầm điện thoại soạn dòng trạng thái thật dài, nhưng sau khi cân nhắc, tôi lại xóa.

Đúng như một vế trong câu hỏi đặt ra, khi buồn tôi không đăng lên mạng, không nhậu nhẹt, cũng không khóc lóc ủ dột. Tôi nghĩ lại cách mình đối diện với nỗi buồn trong quãng thời gian qua, thì ra, càng ngày tôi đã càng tích cực. Nếu lúc trước, cứ mỗi lần bực dọc, tôi tiêu tiền vô tội vạ, shopping liên hồi, thì nay tôi hạn chế hẳn. Cũng có thể vì dịch bệnh thay đổi cách tôi chi tiền cho những thứ thật sự cần thiết trong cuộc sống, nhưng đây là thay đổi tôi thấy tích cực nhất.

Còn lại, tôi đối diện nỗi buồn bằng cách yêu thương lấy mình nhiều hơn. Tôi đến spa quen để chăm sóc lại da mặt. Nếu chưa đủ để xoa dịu, tôi xem phim, đi nghe nhạc hoặc hẹn hội bạn thân luôn sẵn lòng lắng nghe tôi tâm sự. Ngoài ra, luyện tập thể thao bằng cách đi bộ cũng giúp tâm trạng tôi dễ chịu hơn rất nhiều.

Dưới bài đăng trong nhóm, tôi đọc những câu trả lời khác và thấy được sự hài hước, tinh thần tích cực, lạc quan của nhiều chị em. Tài khoản Lê Dung cho biết: “Mỗi lần tôi giận hoặc stress là tôi hay diện đồ đẹp, thích đi vòng vòng mua quần áo. Mỗi lần buồn là đi mua đồ cho đỡ buồn”.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ

Bạn Cẩm Loan đưa ra lời chia sẻ như một gợi ý: “Nghe các bài giảng của thầy Thích Minh Niệm để cân bằng lại cảm xúc của bản thân. Mình đã thấy tâm bình an hơn rất nhiều với cách này”.

“Kìm nén cảm xúc khi tức giận và tập thể dục để được thư giãn, rồi thành thói quen chúng ta sẽ giảm stress và thoải mái cho những lần kế tiếp. Sau đó, chúng ta nói chuyện với họ một cách nhẹ nhàng và không áp lực”.

Bạn Đông Nhựt đồng tình với việc đi tiêu tiền khi buồn thay vì than vãn trên mạng xã hội vì “người thương thì ít kẻ chê thì nhiều”. Nhiều người đồng tình với cách tránh xa mạng xã hội khi tức giận vì chính họ cũng từng đăng tải trạng thái tiêu cực và chúng chẳng giúp ích được gì trong việc giải quyết, ngược lại còn phải gỡ trạng thái sau đó.

Câu hỏi thu hút sự quan tâm của nhiều chị em.
Câu hỏi thu hút sự quan tâm của nhiều chị em.

Cũng có những lời chia sẻ tiêu cực từ một số chị em, họ cho rằng nói lời hoa mỹ luôn dễ hơn làm. Có bình luận không tin rằng khi buồn lại không chửi bới, không khóc lóc và khuyên chị em nên sống thật, đừng cố tỏ ra tích cực.

Tôi ủng hộ ý kiến rằng mọi người nên sống thật với cảm xúc của mình. Nghĩa là buồn bực hay vui vẻ đều nên thể hiện, riêng với nỗi buồn đừng kìm nén vì dễ tích tụ cảm xúc tiêu cực bên trong, lâu ngày sinh tâm bệnh. Nhưng, những người phụ nữ chọn cách sống tích cực không có nghĩa họ chưa từng trải qua những ngày ngủ vùi trong nước mắt, từng yếu lòng nghĩ đến chuyện làm đau bản thân.

Trước ngày trở thành con người tích cực như hiện tại, tôi từng vì buồn phiền mà nhịn ăn nhiều ngày liền, từng lái xe thâu đêm thay vì về nhà, từng khóc đến sưng đỏ cả mắt... Nếu muốn khóc, hãy cứ khóc. Khóc để giải toả cảm xúc bên trong. Nhưng sau nhiều lần dùng nước mắt để xả bực dọc, tôi nghiệm ra nước mắt giờ đây không phải là liệu pháp hữu hiệu để xoa dịu bản thân. Tôi chọn nhiều cách “xả” nỗi buồn như tôi đã chia sẻ ở trên.

Nhiều chị em hài hước bình luận.
Nhiều chị em bình luận hài hước.

Có 2 điều tôi muốn tâm tình với chị em một lần nữa. Đó là chuyện buồn cá nhân không nên mang lên mạng khóc kể vì tôi tin chắc rằng, số người đồng cảm, chia sẻ thật tâm với bạn ít hơn lượng người hóng chuyện, tọc mạch và đàm tiếu.

Thứ hai, tôi biết hẳn sẽ rất khó để chị em đối diện nỗi buồn một cách tích cực. Nhưng bất kể chuyện gì cũng có thể học tập, làm theo để dần tạo thành thói quen. Tôi từng tập cách hít thở sâu mỗi lần nóng giận để mỗi nhịp thở cho tôi nguôi ngoai. Tôi cũng từng tập nhìn mọi thứ ở hướng tích cực rằng “Mặc dù chuyện như thế nhưng mình còn sức khoẻ là may”, “Không sao, mình sẽ làm lại”, “Thôi bỏ qua, ai gây ra chuyện họ tự chịu trách nhiệm”... Tôi tập nói, tập nghĩ điều tích cực để bản thân bớt đau. Đời sống ngắn ngủi, chị em cũng nên tìm cách để thương bản thân mình.

Linh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI