Khi vắc xin tiến đến mũi 4 và hơn thế nữa

07/01/2022 - 06:49

PNO - Nhiều quốc gia đang mở rộng tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm nhằm bảo vệ người dân chống lại biến thể Omicron.

Liều bổ sung là tất yếu

Các nghiên cứu chỉ ra rằng một hoặc hai liều vắc xin COVID-19 tiêu chuẩn (tùy loại vắc xin) không đủ để ngăn chặn sự lây nhiễm, việc thêm liều nhắc lại sẽ giúp tăng cường khả năng chống nhập viện và tử vong. 

Số mũi vắc-xin COVID-19 có thể tăng lên tùy vào thể trạng mỗi người và nguy cơ đột biến của vi-rút - ẢNH: NEW YORK TIMES
Số mũi vắc xin COVID-19 có thể tăng lên tùy vào thể trạng mỗi người và nguy cơ đột biến của virus - Ảnh: New York Times

Ngày 19/11/2021, Mỹ đã duyệt tiêm mũi nhắc lại cho người trưởng thành đã được tiêm đầy đủ và mới đây khuyến nghị tiêm thêm một liều vắc xin Pfizer đối với một số trẻ bị suy giảm miễn dịch từ 5 - 11 tuổi. Đối với những người từ 12 tuổi trở lên thì yêu cầu tiêm nhắc lại sau 5 tháng khi hoàn thành đủ số mũi chính. Dù vậy trên thực tế, những người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại đã tiêm đến mũi vắc xin thứ tư hoặc thứ năm ngay cả khi điều đó không được cơ quan chức năng chấp thuận, mặc cho sự không chắc chắn về độ an toàn hoặc hiệu quả của chúng. 

Stacey Ricks - 49 tuổi, sống tại Texas, Mỹ - có đến ba thẻ tiêm chủng trong tay. Cô từng ghép thận và phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, đã không tăng kháng thể sau khi chích hai mũi Moderna. Vào tháng 6/2021, cô tiêm thêm liều Johnson & Johnson trước khi các quan chức y tế chấp thuận mũi tiêm thứ ba. Đến tháng Bảy, các hồ sơ dược phẩm đã ghi nhận đầy đủ những mũi tiêm trước đó của Ricks. Nhưng nhờ giấy xác nhận của bác sĩ về việc thiếu kháng thể, cô đã thuyết phục một dược sĩ tiêm cho mình hai liều vắc xin Pfizer. Stacey Ricks là một trong số nhiều người có hệ thống miễn dịch bị tổn hại ở Mỹ đã bỏ qua các hướng dẫn của chính phủ và tiêm mũi thứ tư hoặc thứ năm dù không đúng quy định.

Tại Israel, Thủ tướng Naftali Bennett thông báo rằng đất nước sẽ cung cấp mũi tiêm thứ tư cho những người từ 60 tuổi trở lên. Dữ liệu ban đầu ở Israel cho thấy liều thứ tư giúp tăng lượng kháng thể lên gấp năm lần một tuần sau khi tiêm. Nhưng các nhà nghiên cứu cũng lưu ý, dùng liều bổ sung quá sớm có thể phản tác dụng. Điều này là do bộ nhớ dài hạn của hệ thống miễn dịch dường như hoạt động tốt hơn nếu nó có thể nghỉ ngơi giữa hai mũi vắc xin cũng như cơ thể phải mất hàng tháng để hoàn thiện quá trình tạo kháng thể sau lần tiêm đầu tiên. 

Tự chủ về nguồn vắc xin

Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy, các quốc gia có thu nhập cao hoặc trên trung bình đã tiêm hơn 160 liều/100 dân. Trong khi đó, các nước có thu nhập trung bình là 85 liều/100 dân, và nhóm quốc gia có thu nhập thấp chỉ 12 liều/100 dân. Bất bình đẳng vắc xin bắt đầu từ sớm và COVAX, tổ chức giúp phân phối vắc-xin cho các nước nghèo, luôn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung cấp.

Do đó, một số quốc gia lựa chọn vắc xin nội địa cho những đợt tiêm chủng bổ sung thay vì chờ đợi. Tại Trung Quốc, ngày càng có nhiều người Hồng Kông tiêm vắc xin. Trong số những người mới được tiêm vắc xin mũi đầu, 61% đã chọn sản phẩm của Sinovac Biotech và số còn lại nhận mũi tiêm của Pfizer. Người dân chọn Sinovac do ngại các tác dụng phụ mà mũi tiêm mRNA có thể mang lại. Cách xa nửa vòng trái đất, Cuba đã chủng ngừa cho hơn 90% dân số bằng ít nhất một liều vắc xin tự sản xuất. Biết rằng sẽ khó khăn trong việc mua vắc xin, từ tháng 3/2020, các nhà khoa học của quốc gia này đã làm việc cật lực và đưa Cuba trở thành quốc gia nhỏ nhất trên thế giới sản xuất thành công vắc xin COVID-19 của riêng mình là Abdala và Soberana, có hiệu quả trên 90%. Theo kế hoạch, Cuba sẽ hoàn thành mũi bổ sung cho người dân trong tháng này.

Vào tháng 12/2021, Ấn Độ cấp phép cho một loại vắc xin mới hứa hẹn giải quyết vấn đề thiếu hụt trên toàn cầu. Sản phẩm được gọi là Corbevax, sử dụng công nghệ vắc xin cũ nhưng an toàn và có quy trình sản xuất dễ dàng hơn nhiều so với hầu hết các loại đang sử dụng. Một nghiên cứu ở Ấn Độ với sự tham gia của 3.000 tình nguyện viên cho thấy Corbevax có hiệu quả 90% trong việc ngăn ngừa ca bệnh do chủng SARS-CoV-2 ban đầu gây ra và 80% đối với biến thể Delta. Riêng dữ liệu chống lại Omicron vẫn đang hoàn thiện. Ý nghĩa lớn nhất của Corbevax là hai tác giả vắc xin là Peter Hotez và Maria Elena Bottazzi đã chia sẻ tài sản trí tuệ này cho tất cả mọi người. Vì vậy, các nhà sản xuất ở Senegal, Nam Phi và châu Mỹ Latinh đều có thể sản xuất loại vắc xin đặc biệt này. 

 Tấn Vĩ 
(theo New York Times, Economist, Reuters, Guardian)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI