Khép nép trước... con dâu

12/10/2021 - 08:53

PNO - Ngoài việc chào hỏi, con dâu chỉ nói chuyện với mẹ chồng mỗi lần cần góp ý: điều chỉnh gia vị, thay đổi chỗ phơi đồ ra xa hơn, phải hút bụi chứ không chỉ lau nhà...

Chị Hạnh Dung kính mến,

Tôi năm nay 60 tuổi, sống cùng gia đình cậu con trai duy nhất. Tôi đơn thân nuôi con nên từ nhỏ nên khi con trai lấy vợ, tôi thương con dâu như con ruột.

Cả gia đình con dâu tôi đã sớm đi Mỹ, cháu lớn lên ở Việt Nam trong nhà một người bác. Vì là con dâu mình, lại thêm hoàn cảnh cháu xa cha mẹ từ sớm nên tôi rất thương. Ngày đầu, cháu cũng tương đối gần gũi nhưng càng về sau càng xa cách với mẹ chồng. Hầu như ngoài việc chào hỏi, cháu chỉ nói chuyện với tôi mỗi lần cần góp ý. Cháu bắt đầu bằng việc đề nghị tôi cân chỉnh lại gia vị, giảm mặn, giảm ngọt. Tôi thấy cháu nói hợp lý nên cũng làm theo.

Rồi từ đó, cháu như một "kiểm soát viên" trong nhà, rất hay phân loại cái gì tốt, cái gì xấu. Ví dụ, vừa về nhà đã nói nên lưu ý hút bụi chứ không chỉ lau nhà. Quần áo khi giặt cần phân loại theo chất liệu chứ không chỉ theo màu. Cháu góp ý tôi không nên phơi đồ ở ban công phía trước nhà, mà chịu khó phơi ở bên hông (phải đi vòng ra xa hơn). Thấy cháu khó tính, tôi cũng dần khép nép và hay hỏi ý cháu trước khi làm.

Nhưng mới đây, con trai gọi tôi ra nói riêng, rằng mẹ không cần phải hỏi ý con dâu trước khi làm, mẹ cứ làm theo ý của mẹ, có gì cần thì các con sẽ hỗ trợ, góp ý. Hàng xóm thì nói tôi phải làm mẹ chồng, chứ không thể "làm dâu cho con dâu" được. Thực sự tôi thấy khá ngột ngạt, nhiều lúc buồn tủi muốn ra riêng, nhưng cháu không làm gì vô lễ. Nghĩa vụ gia đình cháu thực hiện đầy đủ, không có gì để bắt lỗi. Phải chăng tôi bị tâm lý cổ hủ của mẹ chồng thời xưa nên mới dễ tự ái? Hay là tôi nên làm theo lời con trai và hàng xóm, cứ tự ý làm. Nhưng sống chung mà mạnh ai nấy làm thì còn ra thể thống gì nữa?

Hạnh Nhân (TP. Thủ Đức, TPHCM)

Chị Hạnh Nhân mến,

Theo chị, con dâu chị không vô lễ, lại có trách nhiệm nên "không có gì để bắt lỗi". Nhưng theo Hạnh Dung hiểu, điều khiến chị buồn chính là sự xa cách, lạnh nhạt của con - chứ không phải vì con vô trách nhiệm hay vô lễ. Vì đã sống chung một nhà, thì giao tiếp tình cảm là rất quan trọng. Nếu không có sự ấm áp trong trao đổi, góp ý, bàn bạc, thì rất dễ nảy sinh cảm giác nặng nề, lấn cấn.

Con dâu thờ ơ, mẹ chồng buồn bã... - Hình minh họa - XFRAME
Con dâu thờ ơ, mẹ chồng buồn bã... - Hình minh họa - XFRAME

Về bản thân chị, chị đã rất nhiệt tình, thiện chí, yêu thương con. Đó là điều đáng quý. Nhưng chị đang thiếu sự chủ động trong vị trí một người mẹ. Thay vì chờ đợi và buồn bã vì con dâu lạnh nhạt, chị có thể chủ động trò chuyện với con dâu. Có thể tính cách và lối sống xưa nay khiến con có vẻ ngoài như thế. Nhưng nếu chị là người quen thể hiện tình cảm, đừng ngại ngỏ lời, hỏi han, tạo ra những cuộc chuyện trò với con. Thậm chí, nếu chị đã mở lòng mà vẫn thấy con dâu thờ ơ, chị có thể chia sẻ với con dâu cảm giác của mình để nghe con nói. Nếu cháu từng gần gũi, cởi mở mà sau này lại trở nên xa cách, thì liệu có vấn đề gì đó phát sinh trong quá trình chung sống? Tất cả những điều này, đều cần được hỏi và chia sẻ.

Theo chị kể, có lẽ chị đang là người đảm đương việc nhà. Các con là người thụ hưởng nên sẽ luôn rành rẽ nhu cầu của bản thân, luôn biết thế nào là một cái nhà sạch, một mẻ quần áo thơm tho. Nhưng chị mới là người thực hiện, chị sẽ biết đâu là giải pháp tối ưu nhất trong điều kiện làm việc của mình. Chị cần chủ động để cân bằng giữa hai góc nhìn này. Khi các con yêu cầu hút bụi, hay đổi vị trí phơi đồ, chị cũng cần cân nhắc xem việc đó có làm công việc của chị khó khăn hơn, có quá sức với chị không, và liệu chị có cần trợ giúp. Từ đó, chị trao đổi lại với con dâu để tránh việc yêu cầu một chiều. Việc chia sẻ những khó khăn của chị cũng khiến các con phải "dừng" lại trước khó khăn của mẹ lâu hơn, để có thể đồng cảm. Ngược lại, việc liên tục đáp ứng vô điều kiện sẽ nuôi nấng sự vô tâm, đòi hỏi.

Quan trọng nhất, để sống với nhau lâu dài thì cần tổ chức cuộc sống cân bằng về cả tâm sức lẫn tinh thần. Chị cần tập trung giải quyết những lấn cấn trong lòng để thoải mái và hạnh phúc. Hãy chia sẻ suy nghĩ, cảm giác, và cả sự khó khăn của mình và cùng các con tìm ra giải pháp. Tránh cam chịu và ôm đồm khiến bản thân khổ sở, lại càng dễ trở nên nhạy cảm, dễ bị tổn thương.

Mong chị an vui!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn  gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” trên trang phuonuonline.com.vn hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI