Khát vọng vươn lên

23/09/2022 - 06:48

PNO - Việc TPHCM nâng mức chuẩn nghèo nhằm chăm lo tốt hơn cho người dân, giúp các hộ nghèo, cận nghèo ngày càng tiệm cận với mức sống trung bình và sự phát triển của thành phố.

 

Chương trình Giảm nghèo bền vững của TPHCM tạo điều kiện để người dân thoát nghèo. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội - Ảnh: Vietnam+
Chương trình Giảm nghèo bền vững của TPHCM tạo điều kiện để người dân thoát nghèo. Trong ảnh: Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội - Ảnh: Vietnam+

Bất ngờ được chính quyền mời đến nhận 1 chiếc xe máy mới tinh, ông Trần Minh Phụng (P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức) không kìm được nước mắt: “Món quà lớn quá, là giấc mơ của tôi bấy lâu nay”. 

15 năm trước, vợ ông Phụng bệnh nặng, qua đời, để lại cho ông 2 đứa con thơ dại. Ông làm đủ nghề để kiếm sống, rồi sức khỏe yếu dần nên từ năm 2020, chuyển sang chạy xe ôm. Chiếc xe cũ cứ hư hỏng suốt nên khách cũng vắng dần, cuộc sống của ông ngày càng túng bấn. Với chiếc xe mới được tặng từ nguồn vận động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Thủ Đức, ông Phụng tin rằng cuộc sống sẽ bớt nhọc nhằn.

Ông Phụng có tên trong danh sách 53.901 hộ nghèo, cận nghèo được TPHCM đưa vào chương trình Giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021-2025. Trước đó, thành phố đã hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020.

Khi thực hiện chương trình GNBV giai đoạn 2021-2025, thành phố đã nâng mức chuẩn nghèo qua bộ tiêu chí gồm 5 chiều gắn với 10 chỉ số thiếu hụt, trong đó chiều thu nhập nêu hộ nghèo là hộ có bình quân dưới 36 triệu đồng/năm, hộ cận nghèo dưới 46 triệu đồng/năm. 

Từ đầu năm 2021, thành phố đưa vào chương trình 53.901 hộ nghèo, cận nghèo. Song, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, vào tháng 10/2021, con số này được bổ sung thêm gần 4.200 hộ. Tuy nhiên, thành phố cũng đã đưa khỏi danh sách gần 3.000 hộ nghèo và cận nghèo. 

Việc TPHCM nâng mức chuẩn nghèo nhằm chăm lo tốt hơn cho người dân, giúp các hộ nghèo, cận nghèo ngày càng tiệm cận với mức sống trung bình và sự phát triển của thành phố. Như P.Bến Nghé, Q.1, từ đầu năm 2021 đã đưa vào chương trình GNBV 23 hộ cận nghèo. Sau đó, qua khảo sát nhu cầu sinh kế, các hộ này được tham gia mô hình “Khu ẩm thực thí điểm”. Có việc làm, thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống của các hộ dân ngày càng được cải thiện.

Mới đây, “Khu ẩm thực thí điểm” là một trong nhiều mô hình GNBV tiêu biểu được Ban Chỉ đạo chương trình GNBV của thành phố giới thiệu để các địa phương tham khảo, nhân rộng. Ngoài sự chăm lo, giúp các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản thì khơi dậy khát vọng thoát nghèo, hỗ trợ sinh kế phù hợp để chính các hộ tự lực vươn lên được xem là một trong các giải pháp thành công nhất trong nhiệm vụ giảm nghèo bền vững của thành phố lâu nay. 

TPHCM luôn nghiên cứu để tìm ra nhiều mô hình, cách làm hay về GNBV. Đặc biệt tinh thần tương thân tương ái luôn được lan tỏa, nhiều người sau khi thoát nghèo, đã tham gia các tổ tự quản GNBV để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các thành viên thoát nghèo. Từ đó, góp phần giúp thành phố luôn nằm trong nhóm tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước, tỷ lệ giảm hộ nghèo hằng năm luôn ở mức cao dù liên tục nâng cao mức chuẩn nghèo.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác giảm nghèo của thành phố năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Con số hơn 55.000 hộ nghèo, cận nghèo hiện tại của chương trình GNBV giai đoạn 2021-2025 là một thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao hơn.

Do đó, năm 2022, UBND TPHCM đã dành 8.617 tỷ đồng để đẩy mạnh GNBV. Bên cạnh chăm lo an sinh, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh, sửa chữa nhà ở, xây dựng nhà tình thương, thành phố tiếp tục xác định trọng tâm GNBV chính là các giải pháp hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm để các hộ tự vươn lên thoát nghèo…

TPHCM cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để phục hồi và tăng tốc phát triển kinh tế sau đại dịch như triển khai các chương trình đột phá về nhà ở, y tế, giáo dục; đầu tư hạ tầng, giao thông, thúc đẩy liên kết vùng tạo việc làm tại chỗ hay thu hút đầu tư để có nhiều cơ hội việc làm…

Với các giải pháp được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ; không chỉ công tác GNBV được thực hiện căn cơ hơn, tránh nguy cơ tái nghèo mà còn phấn đấu đến cuối năm 2025, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước và còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn thành phố - như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã đề ra.

Để sớm hoàn thành mục tiêu trên, có lẽ không thể thiếu sự chung tay, đồng hành của xã hội; sự nỗ lực của chính quyền và các đoàn thể cấp cơ sở ở sự sâu sát, nắm chắc hoàn cảnh từng hộ, tư vấn và hướng dẫn họ xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn vay…

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng mang tính quyết định, vẫn là ý chí, khát vọng vươn lên thoát nghèo của chính các hộ dân. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI