Kéo khán giả đến sân khấu: Bài toán giải đến khi nào?

23/05/2020 - 08:11

PNO - Nguồn nhân lực và đầu tư là 2 yếu tố quan trọng để kéo khán giả trở lại sân khấu, nhưng không dễ giải quyết rốt ráo 2 vấn đề này.

Chuyện cũ nói mãi không xong

Trong cuộc họp tìm giải pháp hỗ trợ các nhà hát sau dịch bệnh mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu: “Có quá nhiều chương trình nghệ thuật được làm sơ sài, đơn giản từ nội dung cho tới cảnh trí. Nếu cứ dựng và diễn theo lối cũ thì các đơn vị nghệ thuật đừng kêu ca vì sao không có khán giả?”.

Bộ trưởng nhấn mạnh, chỉ cần để lọt một chương trình dở, không đáp ứng được tiêu chí cao nhất là chất lượng thì sẽ làm giảm niềm tin và uy tín thương hiệu nghệ thuật của mỗi nhà hát. Nhưng, đây là câu chuyện không mới.

Nghệ thuật sân khấu thể hiện một phần văn hoá của quốc gia, dân tộc. Nhưng nghịch lý, khi đất nước ngày càng phát triển, sân khấu lại ngày càng lao dốc. Cơ sở vật chất và nhân lực hiện đều không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả. 

Sự lao dốc của sân khấu là câu chuyện buồn được nhắc đi nhắc lại trong những năm qua
Sự lao dốc của sân khấu là câu chuyện buồn được nhắc đi nhắc lại trong những năm qua

NSƯT Trần Lực nhận định: “Sân khấu hiện thụt lùi so với khán giả Việt Nam, chưa tính đến trình độ phát triển của thế giới. Hiện tại, chỉ cần một cú nhấp chuột, khán giả đã có thể xem những vở diễn đỉnh cao của Mỹ, Nga. Từ đó, họ sẽ có sự so sánh, liệu có đáng bỏ tiền để đến với sân khấu trong nước khi mọi thứ quá cũ kỹ, lạc hậu”.

Thực tế, cơ sở vật chất của các sân khấu nhìn chung còn nghèo nàn, lạc hậu. Hệ thống đèn chiếu, âm thanh, cảnh trí… có thay đổi nhưng không nhiều so với mấy mươi năm về trước. Điều này khiến diện mạo sân khấu kém hấp dẫn. 

“Sân khấu chỉ có vài ngọn đèn, màn kéo vẫn như xưa, bục bệ cũ kỹ, đôi lúc di chuyển khi chuyển cảnh, nghệ sĩ té ngã ngay trên sân khấu. Người làm nghề còn thấy khó chịu về sự cũ kỹ ấy, làm sao khán giả có thể chấp nhận?” - NSƯT Công Ninh đặt vấn đề.

Trong khi đó, những loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh đã đạt đến trình độ phát triển cao hơn rất nhiều về hình thức, kỹ thuật.

Yếu tố con người cũng đang trở thành bài toán nan giải cho sân khấu. Lực lượng sáng tác có tư duy khá cũ kỹ, mà theo NSND Trần Minh Ngọc “chúng ta chỉ đưa ra những điều khán giả đã biết, chứ không mang đến điều họ cần”.

Không ít nhà hát công lập có địa điểm biểu diễn, có lực lượng nghệ sĩ hùng hậu, được hỗ trợ kinh phí nhưng các vở diễn không tạo được tiếng vang, không thể bán vé. Nguyên nhân xuất phát từ tư duy cũ kỹ, sáo mòn, xa rời khán giả.

Các đơn vị xã hội hoá phần lớn chỉ đang làm tốt mặt giải trí, có đi vào một phần đời sống xã hội nhưng vẫn thiếu chiều sâu. Sân khấu vẫn thiếu những tác phẩm tạo dấu ấn, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa thể hiện được tính nghệ thuật cao. Thời gian qua, những tác phẩm đạt chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều đó không thể thúc đẩy sự tiến bộ chung của cả ngành sân khấu.

Những vở diễn, chương trình sân khấu mới mẻ, chất lượng vẫn còn ít ỏi
Những vở diễn, chương trình sân khấu mới mẻ, chất lượng vẫn còn ít ỏi

Để có một vở diễn chất lượng, ê-kíp phải tập luyện cùng nhau ít nhất khoảng 1 tháng, nhưng không ít diễn viên trẻ bận rộn chạy show, không đảm bảo lịch tập, thậm chí có trường hợp phải tìm người diễn thế. Chất lượng cũng theo đó giảm dần.

“Sân khấu có lợi thế trong việc nắm bắt tâm lý, thị hiếu khán giả nhờ khoảng cách rất gần. Khán giả cùng thở, cùng cười, cùng khóc với nghệ sĩ. Vì thế, chỉ cần nghệ sĩ mất phong độ, diễn xuất không tốt là đủ khiến khoảng cách giữa họ và khán giả ngày càng xa. Chất lượng tác phẩm không tốt khiến sân khấu đẩy mình vào thế khó” - NSƯT Trần Lực chia sẻ.

Khi chất lượng ngày càng đi xuống, việc bỏ tiền mua vé đến sân khấu khiến khán giả cân nhắc nhiều hơn. Trong khi đó, chỉ với khoảng 50% giá trị tấm vé đó, họ hoàn toàn có thể xem một tác phẩm phim ảnh bom tấn của Hollywood, thỏa mãn cả phần nhìn lẫn phần nghe.

Để kéo khán giả đến sân khấu: Bài toán không dễ giải

Điện ảnh sinh sau đẻ muộn, từng có thời gian lao đao vì chất lượng rất tệ. Nhưng vài năm trở lại đây, lĩnh vực này phát triển rất nhanh và mạnh mẽ. Các đơn vị đầu tư kinh phí nhiều hơn, cả nội dung lẫn hình thức đều đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả. Còn sân khấu, vốn có bề dày nay lại chịu cảnh đìu hiu, thay vì phải phát triển vững mạnh. Đó là một nghịch lý đáng buồn.

Không chỉ đi tìm cái mới, độc đáo, sân khấu phải khai thác tối đa lợi thế của mình, điều điện ảnh hay âm nhạc không thể có được. Trong đó, tính ước lệ, cảm giác trực quan phải thật sự sinh động. Không chỉ cần kịch bản hay, sân khấu cũng cần có cách thể hiện mới. Mục tiêu trước nhất là phải tạo ra những vở diễn, chương trình chỉn chu.

Con người, quan trọng nhất là tư duy, cần được thay đổi để giúp sân khấu đi lên
Con người, quan trọng nhất là tư duy, cần được thay đổi để giúp sân khấu đi lên

“Với những chương trình được nhà nước hỗ trợ kinh phí, nhà tổ chức cũng phải thực hiện chỉn chu, thu hút được khán giả, khuếch trương, quảng bá rộng rãi” - NSND Trần Minh Ngọc nói.                                                                                 

Rõ ràng, đã đến lúc cần cải tổ lại toàn bộ nhân lực của sân khấu.

Việc đầu tư cơ sở vật chất cũng góp phần không nhỏ để thay đổi diện mạo sân khấu. Hiện tại, một số nhà hát công lập đã được trang bị hiện đại hơn, nhưng so với sự phát triển của thế giới thì vẫn còn khoảng cách rất xa. Với các đơn vị tư nhân, đây là điều nan giải bởi họ vẫn phải gồng gánh áp lực kinh tế, điểm diễn thì thuê mướn.

Vấn đề kinh phí không chỉ quyết định cơ sở vật chất mà còn liên quan đến cả chất lượng vở diễn. Nghệ sĩ được trả thù lao đúng mức sẽ gắn bó với sân khấu hơn. Để có được điều này, lại phải quay về xuất phát điểm là sản phẩm chất lượng, thu hút khán giả để mang về nguồn thu tốt. Nghệ sĩ cũng phải đầu tư đúng mức cho việc tập luyện, diễn xuất.

NSƯT Công Ninh cho biết: “Mỗi tác giả giỏi chỉ sáng tác khoảng 2-3 kịch bản/năm. Với đồng lương ít ỏi ở sân khấu, họ phải tìm nơi có thù lao cao hơn, như phim truyền hình, điện ảnh. Khi thù lao đảm bảo cuộc sống, chắc chắn sẽ giữ được họ và tạo ra được kịch bản chất lượng”.

Kinh phí đầu tư là vấn đề nan giải với các sân khấu hiện tạiKinh phí đầu tư là vấn đề nan giải của không ít đơn vị nghệ thuật công lập lẫn tư nhân

NSND Triệu Trung Kiên - quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - cho biết, kinh phí dàn dựng những tác phẩm mới của nhà nước cấp cho các đơn vị nghệ thuật công lập chỉ ở mức độ vừa phải. Trong khi để có một tác phẩm đầu tư thỏa đáng, đáp ứng được thị hiếu của công chúng lại cần nguồn kinh phí lớn hơn. Điều này càng khó với các sân khấu xã hội hoá.

“Nếu đầu tư thỏa đáng lúc này chắc chắn sẽ thua lỗ nặng, các sân khấu sẽ mất khả năng hoạt động lâu dài. Thực tế, các sân khấu ngoài công lập hiện nay đa phần chỉ đầu tư nhỏ giọt, chắp vá, khó lòng tạo nên tác phẩm có chất lượng cao cả về hình thức lẫn nội dung” - NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ

Mỗi dự án điện ảnh, âm nhạc được đầu tư hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng, mà khả năng thành - bại khi ra thị trường vẫn còn là ẩn số, thì liệu với con số đầu tư ít ỏi như hiện tại, tương lai của sân khấu sẽ đi về đâu, trong khi yêu cầu của khán giả ngày một cao hơn. 

Với tình hình hiện tại, các sân khấu, không chỉ công lập mà cả xã hội hoá vẫn đang cần sự hỗ trợ của nhà nước, tuy nhiên, phải có đường hướng rõ ràng, chủ động. 

“Sự hỗ trợ từ nhà nước không chỉ đơn thuần là địa điểm diễn, kinh phí, đặt hàng kịch bản, mà cần có cách thức, chiến lược rõ ràng. Hỗ trợ chỉ để tạo nên sự tồn tại như thời gian qua thì không thể giúp nền nghệ thuật nước nhà phát triển được. Ngoài việc đầu tư phát triển chất lượng vở diễn, chương trình thì phải chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực trẻ” - NSƯT Trần Lực chia sẻ quan điểm.

Trong cuộc họp vào ngày 19/5 vừa qua của Bộ VH-TT&DL, chỉ 12 đơn vị công lập trực thuộc bộ được tính đến phương án hỗ trợ. Tất cả những đơn vị khác, đặc biệt là các sân khấu xã hội hoá - thành tố không nhỏ tạo nên bộ mặt sân khấu, vẫn bị bỏ quên. 

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI