Hướng ngoại - hướng nội, hướng nào?

19/07/2014 - 07:15

PNO - PN - Chị Mỹ Hạnh (Trưởng phòng Chăm sóc khách hàng, Công ty SC Media) và anh Lê Phi (tiểu thương) hiện đang sống tại TP.HCM là cặp vợ chồng có nhiều điểm khác biệt. Chị tự nhận mình hướng ngoại trong khi anh lại hướng nội, nên...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi chồng ngại giao tiếp

Chị Mỹ Hạnh: Tính tôi hướng ngoại, thích có nhiều bạn bè, thích gặp gỡ mọi người, chồng tôi lại sống hướng nội, chỉ thích tận hưởng không khí gia đình, rất ít khi cà phê hay đi nhậu với chiến hữu. Thấy chồng ở nhà hoài, tôi cũng khuyến khích anh ra ngoài chơi với bạn bè cho vui, tôi sẵn sàng chăm con, nhưng anh cũng chẳng đi đâu. Thấy chồng cứ loanh quanh trong nhà, thỉnh thoảng cơn “chán” nổi lên, nhưng nghĩ lại cũng thấy thương anh ấy. Tôi nói hoài anh ấy không chịu đi, mình đi hoài cũng… có chút ngại nhẹ!

Anh Lê Phi: Tôi chỉ thích ở nhà, vui chơi cùng con cái và gia đình, còn vợ tôi thì thoáng hơn, lúc nào cũng muốn có bạn bè vui vẻ. Người ta thì sợ chồng đi chơi, bù khú nhậu nhẹt, đằng này vợ tôi lại khuyến khích tôi. Bà ấy nói hoài nhưng tôi vẫn cứ thích ở nhà. Bà ấy nhắc riết, có lúc tôi cũng quạu. Tôi ở nhà để còn lo việc buôn bán. Bạn bè alô rủ đi chơi nhưng tôi không muốn đi. Tôi thấy đi chơi nhiều cũng chẳng được gì, kẹt xe, khói bụi, ồn ào, ở nhà cho nó lành.

Giải pháp của chị Mỹ Hạnh: Tôi thường tổ chức gặp mặt bạn bè của cả hai vợ chồng tại nhà vào những dịp lễ trong năm. Đặc biệt, dành hẳn ngày mùng Bốn Tết hàng năm là ngày của bạn bè hai bên để liên kết với bằng hữu không bị đứt đoạn. Chồng tôi cũng cảm thấy không bị “cưỡng ép” trong việc giao tiếp, đồng thời cởi mở hơn với mọi người ngay tại… nhà mình.

Huong ngoai - huong noi, huong nao?

Gia đình chị Mỹ Hạnh - anh Lê Phi trong một lần đi chơi xa

Đưa con đi chơi - vợ chồng trật hướng

Chị Mỹ Hạnh: Những dịp lễ và ngày nghỉ, tôi thích đưa con đi du lịch, đến các điểm vui chơi, chồng tôi lại chỉ thích nghỉ ngơi xem phim, hát karaoke tại nhà. Con nít mà, đứa nào nghe đi chơi, ra khỏi nhà là khoái, cho ở nhà hoài là tụi nhỏ cũng lạc hậu với người ta. Ngoài ra, tiếp xúc ở những nơi công cộng nhiều giúp các cháu tự tin hơn trong giao tiếp. Nhiều lúc mấy mẹ con lên kế hoạch xong, rủ ba thì ba cứ ậm ờ, làm mấy đứa nhỏ cũng cụt hứng. Nói riết anh ấy mới chịu đi.

Anh Lê Phi: Tui ngán mấy cái ngày lễ lạc, cuối tuần mà đến các khu vui chơi, lúc nào cũng đông nghẹt người, thở còn không nổi, còn gì là vui. Đó là chưa kể, mấy ngày đó giá cả lên vù vù, nhiều khi bị chém vô tội vạ. Con cái ham đi vậy chứ chắc gì đã vui. Tui chỉ thích ở nhà ăn uống, hát hò để cả gia đình cùng sum vầy. Quanh năm suốt tháng ai cũng bận rộn, được mấy ngày lễ sao không nghỉ ngơi cho khỏe mà cứ đòi ra đường.

Giải pháp của chị Mỹ Hạnh: Nói hoài cũng mệt, thôi thì mình tìm cách dung hòa. Tôi lên lịch các hoạt động xen kẽ, tuần trước đưa con đi Đầm Sen thì tuần này ở nhà nấu món ngon, xem phim. Đôi khi tôi tranh thủ buổi chiều tối rảnh rỗi ba mẹ con đi nhà sách. Thời gian đầu chồng tôi cũng không hào hứng với việc đi chơi xa, nhưng qua những lần đi chơi, anh thấy được niềm vui của các con nên những lần sau đã nhiệt tình tham gia hơn.

Mua sắm cũng khác biệt

Chị Mỹ Hạnh: Nếu trong giao tiếp chồng tôi hướng nội thì trong việc mua sắm, anh ấy lại... “hướng ngoại”. Đồ dùng trong nhà, đặc biệt là các thiết bị điện máy, anh ấy chỉ thích mua hàng nhập khẩu và mua loại "xịn", nhiều khi tốn tiền rất “đau”, ảnh hưởng đến ngân sách và kế hoạch chi tiêu của cả nhà. Tôi thì thích hàng bình thường thôi, hàng nội càng tốt, miễn sao giá cả hợp lý, xài ổn là được. Hàng nội bây giờ nhiều thứ xài được lắm!

Anh Lê Phi: Tui nghĩ, hàng ngoại tuy giá có cao một chút nhưng bù lại dùng bền, tính qua tính lại cũng vậy chứ đâu có mắc. Đặc biệt là hàng điện máy, hàng nội làm sao mà dùng lâu bền được. Nhiều khi tôi mua về bà ấy cũng cằn nhằn, nhưng dùng lâu thấy tốt lại đồng tình.

Giải pháp của chị Mỹ Hạnh: Cuối cùng, tôi đưa ra giải pháp là mua hàng gì cũng được, miễn sản phẩm đó hợp với tài chính của gia đình. Tôi không muốn mua một món đồ mà phải sử dụng quá ngân sách đã dự định ban đầu, ảnh hưởng đến những khoản chi khác. Anh ấy thấy hợp lý nên cũng đồng tình, nhưng nếu đi ngang qua các món đồ ngoại trong siêu thị, anh ấy vẫn... nhìn say mê!

Ý kiến cuối cùng của anh Lê Phi: Nói chung rất là thương vợ, vì lúc nào bà ấy cũng có giải pháp rất ổn thỏa. Nhờ vậy dù vợ chồng hướng nội - hướng ngoại lung tung, gia đình vẫn luôn vui vẻ.

 XUÂN PHƯỢNG (thực hiện) 

Trong hôn nhân, vợ chồng có những điểm khác biệt nhau là chuyện bình thường. Vợ hoặc chồng mà người này hướng nội, người kia hướng ngoại cũng là một trong những khác biệt đó. Khái niệm “hướng ngoại” hay “hướng nội” cũng chỉ có tính tương đối, không ai hoàn toàn ở cực nào, mà tùy vào từng trường hợp cụ thể. Vấn đề còn lại là họ có chấp nhận nhau hay không và cố gắng tạo ra những giải pháp dung hòa. Một số điểm có thể tham khảo như sau:

- Đối với từng trường hợp cụ thể, hãy xem xét việc hướng ngoại hay hướng nội là tốt hay không tốt. Ví dụ, nếu một người vợ mà hướng ngoại quá nhiều, không chăm sóc gia đình con cái chu đáo, thì người chồng cần lên tiếng cảnh báo ngay.

- Phát huy vai trò của từng người cho phù hợp. Ví dụ, trong việc giữ mối quan hệ họ hàng, bạn bè hai bên, nếu hướng nội quá mức sẽ dẫn đến thụ động, khó có quan hệ hữu hảo, lúc này thì người hướng ngoại nên được khuyến khích phát huy tác dụng.

- Không chỉ trích, hãy chia sẻ và thương lượng. Chưa có bất kỳ tài liệu nào nói rằng hướng ngoại hay hướng nội là tốt hay xấu. Vì vậy, khi bạn cảm thấy người bạn đời của mình không giống mình, trước hết hãy chia sẻ, sau đó thì thương lượng đối với từng tình huống cụ thể. Hãy để cho sự khác biệt này là bổ sung cho nhau, chứ không phải là rào cản của nhau.

ThS tâm lý Nguyễn Thị Tâm
 (Giám đốc Trung tâm Hồn Việt)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI