Học thẩm mỹ vài tuần đã ra làm bác sĩ!

08/03/2017 - 21:04

PNO - Bơm chất làm đầy (Filler) đang là một xu hướng trong lĩnh vực làm đẹp. Do đó, nhiều người đi học vài khóa trên mạng Internet rồi tự phong thành 'bác sĩ' làm đẹp.

Bơm chất làm đầy (Filler) đang là một xu hướng trong lĩnh vực làm đẹp. Nhưng đây cũng là một xu hướng mang đến ẩn họa chết người vì nguyên nhân xuất phát từ tay nghề của những “bác sĩ” tay mơ bơm Filler.

12 triệu đồng đã trở thành bác sĩ

Theo như chỉ dẫn của Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Quang Hùng, Tổng thư kí Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM, chúng tôi gõ từ khóa “dạy tiêm Filler” thì có hàng nghìn kết quả dẫn đến những trang web chào mời đến học kỹ thuật tiêm chất làm đầy Filler.

Tôi thử tìm một địa chỉ để đăng ký thì chủ tài khoản của một trang web liền chào mời 'học trò' với những lời có cánh như: "Chỉ với mức học phí bằng 1/3 mức học phí đại học, bạn sẽ không sợ thất nghiệp".

Chủ tài khoản này khẳng định chi phí khóa học là 12 triệu đồng cho trọn gói học tiêm thẩm mỹ gồm: kỹ thuật tiêm Filler mũi – môi – cằm; tiêm trắng sáng da, tiêm giảm mỡ…Đặc biệt nhất là các khóa học này chỉ gói gọn trong vòng từ 1 đến 2 tuần.

Hoc tham my vai tuan da ra lam bac si!
Một quảng cáo mở lớp dạy tiêm chất làm đầy Filler

Lắc đầu ngao ngán trước những bác sĩ tự phong, những bác sĩ tốt nghiệp chuyên ngành thẩm mỹ chỉ sau 1-2 tuần, Phó giáo sư Đỗ Quang Hùng gọi đây là hiện tượng bùng nổ tiêm Filler. Ông so sánh hiện tượng này với sự bùng nổ trào lưu làm đẹp bằng tiêm silicon hàng chục năm trước đây. Giờ đây thì silicon đã bị cấm vì tác hại khủng khiếp của nó đã được chứng minh rõ ràng.

Vậy chất làm đầy Filler thì sao? Liệu nó có phải là thảm họa trong kỹ thuật làm đẹp hay không? Câu trả lời của bác sĩ Đỗ Quang Hùng là: “Không”.

Nguyên nhân của những ca tai biến sau tiêm Filler xuất phát từ những tay mơ tiêm Filler và từ chính sự nhẹ dạ của những người ham mê cái đẹp.

Hoc tham my vai tuan da ra lam bac si!
Tai biến sau khi tiêm Filler vào môi

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Quang Hùng, Tổng thư kí Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP.HCM cho rằng: “Hiện nay đang tràn lan những sản phẩm chất làm đầy  không nguồn gốc xuất xứ. Và cũng tràn lan những người tiêm chích Filler dạo. Họ đa số không được học hành bài bản, là tay mơ, là những người làm da, làm móng…Họ thấy bác sĩ tiêm Filler dễ quá nên tự học. Rồi không có bằng cấp gì cũng lên mạng internet mở lớp dạy tiêm Filler, rồi kiếm người thử nghiệm…”

Có một đoạn đường dài từ làm tốt đến… không xảy ra biến chứng

Những ca tai biến do tiêm Filler gần đây chủ yếu là ở mũi. Nhiều bệnh nhân còn đang nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Điểm chung của những trường hợp này là được tiêm Filler từ những “bác sĩ” không rõ lai lịch xuất xứ.

Lỗi này ở người tiêm Filler dạo mà cũng là ở người muốn được tiêm. Theo các chuyên gia thẩm mỹ, trước khi làm đẹp bằng cách tiêm Filler phải xác định bác sĩ thực hiện kỹ thuật này đã có chứng chỉ hành nghề hay chưa. Nhẹ dạ trong trường hợp này là tự sát.

Hoc tham my vai tuan da ra lam bac si!
Tai biến sau khi tiêm Filler vào mũi

Phó giáo sư Đỗ Quang Hùng khẳng định: “Tiêm Filler đúng cách thì biến chứng ít gặp lắm. Các nước phát triển tiêm hà rầm. Nhưng đó là họ có học tốt – thực hành tốt. Nhưng từ làm được cho đến làm tốt là một đoạn đường dài. Từ làm tốt cho đến làm không xảy ra biến chứng còn một đoạn đường dài. Đó là đoạn đường của kinh nghiệm”.

Những lời quảng cáo có cánh cùng với một mức giá rẻ đến không ngờ đã chiêu dụ được rất nhiều nạn nhân tham gia vào dịch vụ tiêm chích Filler giá rẻ.

Hoc tham my vai tuan da ra lam bac si!
Tai biến sau khi tiêm Filler vào cằm

Nếu chích 1ml chất làm đầy có nguồn gốc xuất xứ có giá khoảng 5 triệu đồng thì chất Filler không rõ nguồn gốc chỉ được bán với giá từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Tính luôn cả tiền công tiêm Filler thì có khi chỉ mất có 2 triệu đồng. Nguồn lợi lớn từ một thị trường ưa chuộng sắc đẹp đã khiến nhiều người lao vào tự học tiêm chất  làm đầy Filler.

Những bác sĩ tay mơ sẽ nhanh chóng biến Filler trở thành một hiểm họa gây tử vong cao, nhất là khi bị làm giả từ silicon lỏng.

Hoc tham my vai tuan da ra lam bac si!
Thêm rất nhiều ca tai biến sau khi tiêm Filler dạo

Theo phó giáo sư Đỗ Quang Hùng, trung bình một năm tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận gần cả trăm ca tai biến do tiêm Filler, trong đó, nhẹ thì hoại tử, nặng từ tử vong. Filler giả làm từ silicon lỏng khi bơm vào mạch máu sẽ gây thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi dẫn đến 99% là tử vong. Khi đó, chất làm đầy sẽ tạo cục máu đông trong mạch máu. Sau tiêm 24h, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, vã mồ hôi, lành lạnh, mạch nhanh và trong vòng 48 là… ra đi.

Một chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ khác là bác sĩ Lê Hành cũng đưa ra những khuyến cáo trên trang web lehanh.vn: “Đừng cả tin vào những lời quảng cáo, những lời nói không có bằng chứng. Quảng cáo càng nhiều thì phần thật trong đó càng ít. Dù tiêm Filler chỉ là một phẫu thuật nhỏ nhưng việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân phải luôn đặt lên hàng đầu, không phải muốn tiêm ở đâu cũng được, ai tiêm cũng được, tiêm chất gì cũng được”.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI