Họ đã chọn lối... không an toàn

27/02/2019 - 07:51

PNO - Đã chọn nghề y để cứu người, không ít “thiên sứ áo trắng” đã vượt qua giới hạn an toàn - dù có thể gặp rắc rối nếu ca mổ thất bại.

Họ làm nghề bằng tất cả sự đam mê, cống hiến, cùng tình yêu thương bệnh nhân và niềm tin với y học: phải cho bệnh nhân cơ hội sống, bất chấp sinh mạng y khoa và con đường thăng quan tiến chức của mình.

“Vượt rào” y văn

Nếu không có đôi tay vàng của ê-kíp bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy thì nay đã là giỗ đầu của anh Trần Bảo K. (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM). Một năm trước, anh K. được chuyển đến BV Chợ Rẫy trong tình trạng đa chấn thương vì tai nạn giao thông: gãy xương cổ chân hai bên, gãy kín xương cánh tay phải. Nguy hiểm nhất là vỡ eo động mạch chủ ngực khiến anh khó thở, lơ mơ, sốc mất máu, bị ngưng tim ba lần, mạch và huyết áp không đo được.

Đặc biệt, vì bị vỡ eo động mạch chủ nên anh K. gần như mất hết máu trong cơ thể, nguy cơ tử vong đến 99%. Người thân đã tính đưa anh về lo hậu sự, nhưng các bác sĩ quyết “còn nước còn tát”. Anh được mổ cấp cứu ngay, trong tình trạng bác sĩ vừa phẫu thuật, vừa bóp tim trực tiếp. 

Ho da chon loi... khong an toan
Anh K. được bác sĩ ân cần dặn dò trước khi xuất viện

Ca phẫu thuật thành công trọn vẹn, anh K. được tái sinh ngoạn mục trong niềm hân hoan của gia đình. Các bác sĩ vỡ òa hạnh phúc vì vượt qua con đường khó mình đã chọn. Thật ra, đứng trước ca bệnh khả năng tử vong gần như 100% thì bác sĩ vẫn có quyền an bài, mà không một ai trách cứ.

Còn nếu can thiệp mà thất bại thì lý lịch y khoa lại có một vết đen, phải giải trình với lãnh đạo và con đường phát triển sự nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đã chọn nghề y, hầu hết các thiên sứ áo trắng đều chọn con đường đầy thử thách: vượt qua giới hạn an toàn - dù có thể gặp rắc rối nếu ca mổ thất bại.

Theo y văn, với bệnh lý như anh K. thì tử vong là chắc chắn. Nhưng các bác sĩ đã can đảm “vượt rào”, đưa anh K. vào phòng mổ ngay. Tiến sĩ - bác sĩ Phạm Minh Ánh - nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu BV Chợ Rẫy - kể: “Hơn 30 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp vỡ eo động mạch chủ rất nặng. Bệnh nhân bị mất gần hết máu trong cơ thể, tính mạng như ngàn cân treo sợi tóc.

Tôi không tìm được tim ở vị trí bình thường, vì tim đã hết máu bơm và xẹp như ruột. Sau đó, tim nháy đập và tôi đã thấy bằng cảm nhận, chứ không phải bằng mắt. Lúc đó, ê-kíp gây mê hồi sức truyền máu liên tục, tôi phải bóp tim trực tiếp và vá chỗ rách động mạch chủ”.

Bác sĩ Ánh cho biết, nếu mổ trễ hơn 5 phút, bệnh nhân sẽ tử vong. Với bệnh lý này, tỷ lệ sống sót chỉ chiếm 5/10.000 trường hợp. Đây là ca bệnh đầu tiên được BV Chợ Rẫy cứu sống trong tình huống này.

Những điều không ngờ

Mọi người thường nói: sinh tử là số phận. Nhưng ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của ngành y và trình độ, tay nghề của các bác sĩ Việt, điều này đã 
thay đổi.  

Ho da chon loi... khong an toan
Bà ngoại bé V. cảm ơn bác sĩ Đào Trung Hiếu và ê-kíp đã tái sinh cháu

Thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc BV Nhi đồng 1 - là người đã nhiều lần thực hiện điều này từ đôi tay vàng của ông và ê-kíp bác sĩ của BV. Khi nhắc về những ca cứu người từ cửa tử, giọng ông nhẹ tênh “đó là trách nhiệm của người thầy thuốc”. Nhưng đó là những ca mổ cực kỳ căng thẳng với sự chuẩn bị, tính toán cân não của cả ê-kíp. Như trường hợp bé gái C.V. ở tỉnh Tiền Giang.

Ngay sau khi lọt lòng mẹ tại BV Từ Dũ (TP.HCM) với cân nặng 3,9kg, bé V. được chuyển ngay đến BV Nhi đồng 1 vì mang khối bướu chiếm gần 1/3 cơ thể. Bác sĩ BV Nhi đồng 1 chẩn đoán: khối bướu là dị dạng mạch máu hỗn hợp bạch huyết, bệnh rất hiếm gặp. Bé được ghi nhận là ca thứ sáu trên thế giới.

Vào viện vài hôm, bé V. sốt liên tục, khối bướu lớn nhanh mỗi ngày. Chỉ số nhiễm trùng của bé tăng nhanh không ngờ. Khi ấy, bác sĩ Hiếu và đồng nghiệp đứng trước bài toán cân não: nếu không mổ thì bé V. cầm chắc cái chết, còn mổ thì khả năng tử vong trên bàn mổ rất cao. Ngay cả khi thoát được cửa tử, bé cũng có nguy cơ bị liệt tay”. Những cuộc hội chẩn diễn ra liên tục.

Bác sĩ Hiếu chia sẻ: “Chúng tôi đã bàn chờ bé lớn mới mổ. Nhưng không được, vì chỉ trong 5 ngày mà bướu phát triển quá nhanh, tình trạng nhiễm trùng bướu rất nặng. Còn mổ thì nguy cơ mất máu không kiểm soát được. Hơn nữa, bướu đã lan ra vùng nách - nơi có những mạch máu lớn và hệ thống dây thần kinh chằng chịt (đám rối thần kinh cánh tay) chi phối toàn bộ vận động và cảm giác cánh tay trái của bé.

Khối bướu lớn và đã nhiễm trùng như vậy, nếu không tách dây thần kinh được thì mổ xong mà cánh tay bé bị liệt thì ca mổ xem như không thành công. Ngoài ra, khi mổ bướu xong sẽ thiếu da để may lại vết mổ, bé sẽ đối diện với nguy cơ bị nhiễm trùng huyết và tử vong”. 

Tuy có nhiều nguy cơ, nhưng bác sĩ Hiếu cùng ê-kíp vẫn quyết định phẫu thuật vì muốn cho bé cơ hội sống. Ca mổ được chuẩn bị rất tỉ mỉ với nhiều phương án dự phòng. Ngày bé V. vào phòng mổ, gia đình bé đều nghĩ đó là lần cuối gặp mặt bé. Bên ngoài gia đình căng thẳng, bên trong phòng mổ, không khí cũng căng thẳng không kém. Một kíp mổ đặc biệt có đến hai bác sĩ gây mê cùng sự chuẩn bị lượng máu rất lớn: 6 bịch máu (750ml) và 300ml huyết tương tươi.

Khi từng đường dao mổ được đặt cực kỳ cẩn trọng, ê-kíp mới phát hiện đó không phải là khối bướu đơn độc, mà trong đó có nhiều nang nhỏ, xen lẫn lớp cơ thành ngực, thành bụng và nhiều mạch máu lớn, dây thần kinh đi vào trong bướu nên việc bóc tách cực kỳ khó khăn và phức tạp. Có nhiều nang chứa đầy mủ và mô hoại tử - nguyên nhân gây nhiễm trùng, sốt cao liên tục ở bé. Nếu không được mổ sớm chắc chắn bé không qua khỏi.  

Sau bảy tiếng rưỡi căng thẳng bên bàn mổ, cả ê-kíp đã thở phào nhẹ nhõm vì những nỗi lo trước đó đã không xảy ra do được kiểm soát chặt chẽ. Trước mổ, bé nặng 4,150kg, mổ lấy bướu xong còn 3,2kg. Bé được ra phòng hồi sức trong tình trạng không sốc, không phải truyền thêm máu, được cai máy thở chỉ 20 giờ sau mổ. Một ngày sau, bé tỉnh táo. Tuy nhiên, các thầy thuốc vẫn còn hồi hộp chờ đợi cánh tay trái của bé liệu có vận động được không.

Gần một tuần sau, bác sĩ Hiếu nhận được điện thoại với giọng hồ hởi như sắp khóc của bác sĩ Huỳnh Thị Phương Anh, cùng ê-kíp phẫu thuật: “Bé V. mới lấy tay đánh vô mặt em”. Cả hai thầy trò đều cười mà rưng rưng nước mắt. Những giọt nước mắt hạnh phúc cũng lăn dài trên gương mặt của vợ chồng trẻ làm công nhân ở huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang - cha mẹ bé V. 

Tôi vẫn nhớ cái rụt rè chìa tay rồi siết chặt tay bác sĩ Hiếu của bà ngoại bé V.: “Gia đình tôi mang ơn các bác sĩ không biết để đâu cho hết”. 

Viết nên lịch sử y khoa

Trước đây, y văn ghi nhận: hở eo động mạch chủ nặng sẽ tử vong thì nay đã có cách tiếp cận mới là vẫn có những cơ hội lớn cứu sống. Hay như căn bệnh hiếm dị dạng động tĩnh mạch (bệnh lý phức tạp nhất trong số các bệnh dị dạng mạch máu) của sinh viên Bùi Thanh M., ở Đồng Nai - đã đi hơn chục BV lớn nhưng ở đâu cũng lắc đầu “không có phác đồ điều trị”.

Điều này đồng nghĩa với việc M. về nhà nằm chờ chết. Nhưng những cơn đau nhức từ cái bớt đang lở loét chảy máu không ngừng, khiến cậu lại tìm đến BV Đại học Y Dược TP.HCM. Lần đầu tiên, M. được bác sĩ nhận điều trị với phác đồ có hai giai đoạn. Giai đoạn 1: cầm máu, chống chảy máu và làm lành vết hoại tử bằng can thiệp nội mạch và chăm sóc vết thương.

Giai đoạn 2: điều trị thuốc làm thuyên tắc các ổ dị dạng bằng can thiệp nội mạch. Chàng trai đã nở nụ cười với hy vọng được cứu sống. Cậu và vị bác sĩ của mình đã tạo ra cách tiếp cận khác với căn bệnh hiếm này: đã có phác đồ kiểm soát. Đây cũng là động lực để những đồng nghiệp khác tự tin hơn khi cứu người mang bệnh hiếm, người trong cơn thập tử nhất sinh.

Thế đó, nếu không có những cuộc vượt ngưỡng an toàn lẽ thường của các “thiên sứ áo trắng”, nếu không có sự quyết tâm, không ngại thách thức, vượt khó và trên hết là tấm lòng lương y như từ mẫu của họ thì nhiều cuộc đời sẽ không được thấy ngày mai và y khoa sẽ không có những kỳ tích. 

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI