Hậu đại dịch, nhiều nước gặp khó khi lao động chuyển về nông thôn

24/10/2021 - 05:45

PNO - Trái ngược với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong đại dịch, các doanh nghiệp đang gặp khó trong việc phải tìm đủ lao động để lấp đầy các vị trí sản xuất khi tái mở cửa, vấn đề này đang tạo ra một nguy cơ mới đối với sự phục hồi nền kinh tế.

Thiếu hụt lao động

P.D. Hook - trại giống cung cấp một phần ba số gà ở Anh - dự kiến hoạt động mạnh khi nền kinh tế trở lại. Nhưng công ty đang bị trống hàng trăm vị trí lao động tại khâu chăn nuôi, chế biến và tài xế… gây khó khăn cho việc vận chuyển gia cầm đến các nhà máy. Số lượng vị trí tuyển dụng ở Anh hiện cao hơn khoảng 20% so với mức trước đại dịch. Tuy nhiên, Anh lại có thêm hơn 200.000 người thất nghiệp, bên cạnh khoảng 1 triệu người chọn không làm việc hoặc làm việc bán thời gian trong khi nhận trợ cấp chính phủ.

Trên khắp thế giới, các hãng hàng không, nhà hàng và khách sạn cũng rất khó có thể tuyển dụng nhân lực, làm cản trở các nỗ lực tận dụng nhu cầu tiêu dùng đang trỗi dậy. Nhiều người lao động về nhà trong đại dịch đã không quay trở lại các nhà máy hoặc công trường xây dựng, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và khiến các dự án đình trệ. Báo cáo tháng 10 đã vẽ nên bức tranh ảm đạm ở thủ đô Washington D.C. (Mỹ), với ít hơn 25% nhân viên văn phòng quay trở lại làm việc sau đại dịch. Trong một dấu hiệu dễ nhận thấy, rất khó để tìm thấy một quán cà phê mở cửa sau 16g ở trung tâm thủ đô Washington.

Công nhân nhập cư làm việc tại một công trường xây dựng vào tháng 5/2021 ở Singapore - ẢNH: GETTY IMAGES
Công nhân nhập cư làm việc tại một công trường xây dựng vào tháng 5/2021 ở Singapore - Ảnh: Getty Images

Đại dịch COVID-19 gây ra cú sốc chưa từng có cho nền kinh tế toàn cầu, khiến thị trường việc làm không bao giờ trở lại như cũ. Công nhân được đào tạo bị mắc kẹt ở những nơi không cần họ. Những người khác chọn nghỉ hưu sớm, hoài nghi về việc quay trở lại làm việc khi đối mặt với những lo ngại về sức khỏe kéo dài, hoặc gặp khó khăn trong việc chăm sóc con cái. 

Sự rối loạn trong thị trường lao động thậm chí còn ảnh hưởng nhiều hơn đến các khu vực phụ thuộc vào lao động di cư, nhập cư. Theo các quan chức Bộ Lao động Ấn Độ, tỷ lệ di cư từ nông thôn ra thành thị đang ở mức thấp nhất. Nilim Baruah - chuyên gia về Đông Nam Á tại Tổ chức Lao động Quốc tế - cho biết những giới hạn khắt khe đối với việc di chuyển quốc tế cũng đang làm tổn thương những quốc gia như Singapore, nơi lao động nhập cư chiếm khoảng 38% lực lượng lao động.

Chọn chuyển dịch hay tái thu hút

Sau hành trình đau thương trở về nhà, nhiều người lao động thích ở lại với gia đình và nhận các công việc tại địa phương hơn. Các chương trình việc làm nông thôn của chính phủ giúp mọi người có thể tìm được một cuộc sống gần nhà. Ngoài ra, các khoản trợ cấp, phúc lợi của chính phủ và trong một số trường hợp, việc gia hạn các khoản vay đã làm giảm nhu cầu quay trở lại thành phố của người lao động nhập cư. Nếu nhìn dưới góc độ lạc quan, đây có thể là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế địa phương, giảm tải áp lực cho những đô thị lớn.

Dù vậy, nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực vốn đang cấp bách, đầu tiên các công ty phải cung cấp cho nhân viên nhiều lựa chọn phù hợp về lịch làm việc, hỗ trợ hoạt động tìm kiếm nơi ở với giá cả phải chăng cho lao động từ nông thôn lên thành thị. Thứ hai, các công ty cần xem xét quy trình tuyển dụng nói chung, từ bỏ ý tưởng rằng bằng cấp là tiền đề cho sự thành công và ổn định nghề nghiệp. Thứ ba, tiến độ tiêm chủng chậm chạp ở nhiều nơi dẫn đến việc tái mở cửa không đều là một cản trở lớn đối với người lao động. Hầu hết các công ty chỉ nhận lại những người đã tiêm vắc xin và điều đó đang khiến nhiều người chưa nhận đủ mũi tiêm mắc kẹt tại quê nhà. Do đó, kế hoạch đẩy nhanh tiêm chủng có thể đảo ngược xu hướng chuyển dịch lao động. 

Cuối cùng, điều quan trọng cần làm là lập kế hoạch cho lực lượng lao động tương lai. Một công cụ quan trọng trong nỗ lực này là các chương trình định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông từ mọi khu vực tiếp cận trải nghiệm trong khoa học dữ liệu, y học, thể thao và nhiều lĩnh vực khác. 

Ngọc Hạ (theo NY Times, CNN, Forbes, Washington Post)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI