Sau bài học vắc xin, châu Á không muốn bị “bỏ lại phía sau” trong tiếp cận thuốc điều trị COVID-19

17/10/2021 - 21:09

PNO - Trong cuộc “săn lùng” toàn cầu nhằm bảo đảm vắc xin, nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã chậm chân. Lần này, họ không muốn mắc sai lầm tương tự.

Các nước châu Á đang gấp rút đặt hàng loại “vũ khí” mới nhất chống lại COVID-19 ngay cả khi thuốc kháng virus này còn chưa được cấp phép sử dụng. Đó là Molnupiravir, sản xuất bởi hãng dược phẩm Merck (Mỹ), đang được dự báo sẽ là yếu tố thay đổi cục diện đại dịch, đặc biệt là đối với những người không thể tiêm vắc xin.

Thuốc uống mang ý nghĩa toàn diện trong cuộc chiến chống COVID-19

Merck đang trình Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp đối với Molnupiravir. Nếu được chấp thuận, loại thuốc viên này sẽ trở thành liệu pháp điều trị kháng virus qua đường uống đầu tiên trong cuộc chiến chống COVID-19.

Hãng dược Merck (Mỹ) đang xin phép sử dụng khẩn cấp từ FDA Hoa Kỳ đối với thuốc kháng vi rút COVID-19 Molnupiravir do họ nghiên cứu, phát triển
Hãng dược Merck (Mỹ) đang xin phép sử dụng khẩn cấp từ FDA Hoa Kỳ đối với thuốc kháng virus COVID-19 Molnupiravir do họ nghiên cứu, phát triển

 

Theo phân tích của Công ty Airfinity, có ít nhất 8 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã ký kết các thỏa thuận ghi nhớ hoặc đang đàm phán để mua Molnupiravir. Trong đó, có New Zealand, Úc và Hàn Quốc. Đây đều là các quốc gia tương đối chậm trong chương trình triển khai vắc xin trước đây.

Bên cạnh những hứa hẹn, các chuyên gia lại lo lắng rằng một số người sẽ lạm dụng loại thuốc uống điều trị thay thế cho vắc xin COVID-19 bởi vắc xin vẫn là biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất. Đồng thời, họ cũng cảnh báo cuộc “chạy đua” dự trữ thuốc COVID-19 của châu Á có thể một lần nữa gây ra tình trạng “tích trữ” vắc xin như hồi năm ngoái. Các nước giàu hơn bị cáo buộc nắm giữ số lượng lớn vắc xin khi các nước thu nhập thấp hơn phải dừng “cuộc chơi”.

“Molnupiravir thực sự có tiềm năng thay đổi đại dịch. Chúng tôi cần bảo đảm rằng lịch sử không lặp lại hoặc không rơi vào mô hình hay sai lầm tương tự đã xảy ra với vắc xin COVID-19”, Rachel Cohen - Giám đốc điều hành Bắc Mỹ của Tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến thuốc cho bệnh tật bị bỏ rơi (DNDI) - nói.

Không giống như vắc xin tạo ra phản ứng miễn dịch, Molnupiravir phá vỡ sự nhân lên của virus. Bác sĩ Sanjaya Senanayake - chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Y quốc gia Úc - cho hay: “Theo một nghĩa nào đó, thuốc làm cho virus sinh ra những “đứa trẻ” không khỏe mạnh”.

Kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 trên 700 bệnh nhân chưa được tiêm chủng công bố vào đầu tháng 10 cho thấy thuốc viên Molnupiravir có thể giảm khoảng 50% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong.

Theo Wendy Holman - Giám đốc điều hành Công ty Ridgeback Biotherapeutics, đơn vị đang hợp tác phát triển với Merck, loại thuốc này hy vọng tạo ra tác động sâu sắc trong việc kiểm soát đại dịch. “Các phương pháp điều trị kháng virus có thể được thực hiện tại nhà để giảm số người mắc COVID-19 nhập viện là điều rất cần thiết”, bà nói. Và thay vì phải chờ xem liệu một F0 nào đó có nguy cơ trở nặng hay không, thì họ có thể được điều trị ngay sau khi có kết quả dương tính hoặc chẩn đoán lâm sàng.

Một phụ nữ được tiêm vắc xin Pfizer ngày 5/10 tại huyện Gua Musang, Kelantan, Malaysia
Một phụ nữ được tiêm vắc xin Pfizer ngày 5/10 tại huyện Gua Musang, Kelantan, Malaysia

 

Hơn nữa, tại nhiều quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi chương trình tiêm chủng vốn đã khởi đầu chậm chạp, hiện vẫn còn hàng triệu người chưa được tiêm chủng vì không đủ tiêu chuẩn tiếp cận các mũi tiêm. Và khi thuốc uống xuất hiện, thì đó quả là sự bổ sung vũ khí toàn diện trước COVID-19, song song giải pháp không thể thay thế là vắc xin.

Tuy nhiên, giáo sư Dược học Nia Wheate đến từ Đại học Sydney lo ngại thuốc viên này cũng có thể khiến cho việc thuyết phục người dân đi tiêm chủng gặp nhiều khó khăn hơn. Nó có thể làm tăng tỷ lệ người dân do dự tiêm vắc xin ở một số quốc gia, bao gồm cả Úc. “Nghiên cứu cho thấy mọi người thích uống thuốc hơn là bị tiêm. Luôn có một khả năng để mọi người nghĩ rằng thuốc điều trị sẽ là một giải pháp tốt hơn nhiều so với việc tiêm chủng”, Wheate nói.

Vẫn thiếu bình đẳng trong cung ứng

Như đã nói, trong 10 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đang đàm phán hoặc đã ký kết các thỏa thuận mua Molnupiravir, có đến 8 nước ở châu Á - Thái Bình Dương và có một số quốc gia có thể đang cố gắng tránh những sai lầm quá khứ khi chậm đặt hàng vắc xin, điều này khiến chương trình tiêm chủng bị trì hoãn.

Theo Cohen, một vài quốc gia thu nhập trung bình đang cố gắng không rơi vào “vết xe đổ” như đã mắc phải khi các quốc gia giàu có tích trữ tất cả các loại vắc xin.

Chưa biết các quốc gia trên thế giới sẽ dự chi khoảng bao nhiêu cho thuốc Molnupiravir. Nhưng có vài số liệu ở Hoa Kỳ cho thấy nước này đồng ý chi trả 1,2 tỷ USD cho 1,7 triệu liệu trình nếu thuốc được phê duyệt. Tương đương khoảng 700 USD cho một liệu trình dùng thuốc. Thế mà, theo phân tích của các nhà nghiên cứu Melissa Barber và Dzintars Gotham, chi phí gốc để sản xuất một liệu trình Molnupiravir chỉ vào khoảng 18 USD.

Nhà nghiên cứu Gotham, người chuyên nghiên cứu khả năng tiếp cận thuốc, cho biết các hãng dược thường áp đặt mức giá cao đối với thuốc, nhưng ông rất ngạc nhiên khi thấy mức chênh lệch khá cao nêu trên khi mà Chính phủ Mỹ đã góp phần không nhỏ vào các nguồn tài trợ để phát triển dược phẩm.

Trụ sở chính của Công ty Dược phẩm Merck tại Kenilworth, New Jersey, Mỹ
Trụ sở chính của Công ty Dược phẩm Merck tại Kenilworth, New Jersey, Mỹ

 

Merck không trực tiếp xác nhận những ước tính này có chính xác hay không dù trong một tuyên bố với CNN, công ty cho biết các nhà nghiên cứu giá đã không tính đến chi phí nghiên cứu và phát triển.

Trong một tuyên bố khác hồi tháng 6, Merck cho biết họ đã có kế hoạch áp dụng cách tiếp cận giá theo từng cấp độ cho các quốc gia khác nhau. Hãng cũng đã ký các thỏa thuận cho phép các đơn vị sản xuất chung nhằm đẩy nhanh công suất để thuốc có thể sớm có mặt ở 104 quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Thế nhưng theo Leena Menghaney - người đứng đầu chiến dịch tiếp cận thuốc ở Nam Á, Công ty Merck đang kiểm soát bằng sáng chế và có thể quyết định cung cấp thuốc cho những quốc gia nào và với giá bao nhiêu. Cô kêu gọi từ bỏ bằng sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ để các quốc gia trên toàn thế giới có thể sản xuất các phiên bản của Molnupiravir để tăng khả năng cứu sống nhiều người hơn.

Trong khi đó, bà Cohen cũng cho rằng công cụ và công nghệ y tế nên được xem là hàng hóa cộng đồng và đại dịch COVID-19 đã đặt ra thách thức về cách chúng ta có thể bảo đảm những lợi ích được chia sẻ một cách công bằng.

“Chúng tôi đang lo ngại về một loại chủ nghĩa dân tộc trị liệu nhưng điều đáng lo hơn là việc tiếp cận công bằng với thuốc kháng virus. Điều này có thể đặc biệt khó khăn cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình”, bà nói.

Senanayake cũng nêu quan điểm, một lần nữa có nguy cơ các nước giàu hơn làm lệch tỷ trọng công bằng trong điều trị. “Với COVID-19, chúng ta không thể ích kỷ. Nếu bạn chỉ bảo vệ cái kén nhỏ của mình, hay đất nước nhỏ bé của bạn mà để mặc nó xảy ra ở các quốc gia khác, thì một biến thể mới có thể xuất hiện và thế là mọi thứ hết kiểm soát”, ông nói.

Nam Anh (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI