Talk show Cải lương hôm nay

Giữ “linh hồn” của nghệ thuật cải lương

13/04/2023 - 08:20

PNO - Sự phát triển của cải lương gắn liền với sự vận động không ngừng của âm nhạc cải lương, từ đàn guitar phương Tây đến guitar phím lõm, từ Dạ cổ hoài lang đến bản vọng cổ nhịp 32… Âm nhạc có còn là “linh hồn” của cải lương hôm nay?

Chuỗi talk show Cải lương hôm nay do Báo Phụ nữ TPHCM thực hiện là cầu nối để các nghệ sĩ, những người làm nghề tâm huyết với sân khấu cải lương có thể cùng chia sẻ với khán giả mộ điệu những tâm tư, trăn trở về các vấn đề của cải lương hôm nay. Chương trình (mỗi số gồm 2 tập) sẽ được phát định kỳ vào thứ Sáu và thứ Bảy, trung tuần mỗi tháng tại www.phunuonline.com.vn và kênh YouTube của báo.

Số 1: Cải lương có cần “làm mới”?

“Bá Nha phải có Tử Kỳ…”

Khi nói đến “linh hồn” của nghệ thuật cải lương, người trong nghề cho rằng đó chính là âm nhạc. Âm nhạc cải lương đã vận động, phát triển, dung nạp các giá trị để trở thành những tinh túy của sân khấu cải lương. Xuyên suốt quá trình vận động và phát triển của sân khấu cải lương là sự xuất hiện và thăng hoa của những tên tuổi huyền thoại - những nghệ sĩ bằng tài năng thiên phú và sự nỗ lực đã cụ thể hóa và khẳng định sáng tạo đó trong lòng công chúng. 

(Từ trái sang) Nghệ sĩ ưu tú Phượng Hằng, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hải, nghệ sĩ Điền Trung và nhà báo Tiểu Quyên trong talk show Cải lương hôm nay - ẢNH: NGUYỄN QUANG
(Từ trái sang) Nghệ sĩ ưu tú Phượng Hằng, Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hải, nghệ sĩ Điền Trung và nhà báo Tiểu Quyên trong talk show Cải lương hôm nay - Ảnh: Nguyễn Quang

Khán giả mộ điệu có lẽ không bao giờ quên “vua vọng cổ” Út Trà Ôn đã khai mở sự quyến rũ của bản vọng cổ nhịp 32, một “sầu nữ” Út Bạch Lan với giọng ca chất chứa bao nỗi niềm, một “hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài với phong cách khó ai bắt chước, một giọng ca liêu trai Mỹ Châu, “đệ nhất đào võ” Diệu Hiền trứ danh với những bài ca chỉ dành cho kép, đôi bạn diễn - đôi danh ca Minh Vương - Lệ Thủy tạo sức hút kỳ lạ cho những bản tân cổ giao duyên…

Cùng với những giọng ca trứ danh chính là những tiếng đờn có thể gọi là “tri âm tri kỷ” với người nghệ sĩ. Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phượng Hằng gọi mối quan hệ gắn kết đồng điệu ấy là “Bá Nha - Tử Kỳ”. Người nghệ sĩ và thầy đờn cùng tạo nên những giai điệu, lời ca hòa quyện cho những làn điệu cải lương mượt mà, quyến rũ, sống mãi trong lòng khán giả mộ điệu nhiều thế hệ. Như Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Tuyết đã từng nói, nếu không có người thầy đờn - NSND Thanh Hải, sẽ không có cái tên Bạch Tuyết. Đó chính là sự khẳng định vai trò của âm nhạc, cùng cộng hưởng và tôn vinh giá trị với những bài ca, vở diễn.

NSƯT Phượng Hằng hồi tưởng: “Tôi nhớ khi tập vai Thục Oanh (vở Vụ án Mã Ngưu, vai diễn đưa tên tuổi chị vụt sáng khi vở được công diễn vào năm 1985 - PV), tôi đã tập luyện rất nhiều. Không chỉ ca vọng cổ mà còn có những bậc, luyến láy, khi trầm khi bổng, lúc nức nở nghẹn ngào. Nếu hát kiểu này cảm thấy chưa hay, chưa ổn sẽ sửa lại cho phù hợp; cần bỏ dấu thấp hay lên cao, sao cho sáng giọng… Lời ca theo từng cung bậc như thế nào phải nhờ đến thầy đờn. Lời ca - tiếng đờn hòa quyện trên sân khấu khiến người nghệ sĩ rơi lệ thì mới đủ sức khiến cho khán giả rơi nước mắt”.

Talk show Cải lương hôm nay số thứ hai có chủ đề Âm nhạc - Linh hồn của cải lương (gồm 2 tập) sẽ được phát sóng vào trung tuần tháng Tư, tại www.phunuonline.com.vn và kênh YouTube Báo Phụ nữ TPHCM. Tham gia chương trình có NSND Thanh Hải, NSƯT Phượng Hằng và nghệ sĩ Điền Trung. Các khách mời đã cùng chia sẻ câu chuyện về âm nhạc cải lương, từ ký ức đến hiện tại. 

Trong chương trình, NSƯT Phượng Hằng và nghệ sĩ Điền Trung sẽ cùng tái hiện trích đoạn các vở: Vụ án Mã Ngưu, Người tình trên chiến trận Hiu hiu gió bấc. Riêng NSND Thanh Hải dành tặng quý bạn đọc bản Vọng kim lang - những giai điệu được khán giả yêu thích từ những năm thập niên 1980 đến nay. Đặc biệt, quý bạn đọc sẽ được nghe lại những giọng ca vang bóng một thời: NSND Út Trà Ôn, NSƯT Út Bạch Lan, danh ca Tấn Tài, NSƯT Mỹ Châu, NSƯT Diệu Hiền…

Nghệ sĩ Điền Trung cũng khẳng định: “Âm nhạc cải lương có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đối với sân khấu cải lương. Âm nhạc góp phần tô đậm phần hồn của vai diễn, vở diễn. Khi bắt đầu vào vai, có vô tâm lý nhân vật được hay không là phải nhờ đến dàn đờn. Nhờ âm nhạc mà cảm xúc của mình mỗi lúc một dâng trào, thăng hoa cùng bài ca và 
nhân vật”. 

Lời ca nét diễn tôn vinh tên tuổi nghệ sĩ, còn những giai điệu, tiếng đàn tôn vinh các bậc thầy đờn tài danh của sân khấu cải lương: NSND Văn Giỏi, NSND Thanh Hải, NSƯT Hoàng Thành, NSƯT Khải Hoàn, các nghệ sĩ Bảy Dư, Văn Hải… “Nghệ sĩ và thầy đờn luôn có tác động, ảnh hưởng lẫn nhau. Các nghệ sĩ nói rằng hát hay nhờ có thầy đờn thì cũng phải nói ở chiều ngược lại rằng, các bạn ca hay thì tôi đờn mới hay được. Tôi muốn đờn hay mà bạn nào ca rớt nhịp thì cũng không thể, tôi phải theo các bạn. Nghệ sĩ phiêu theo tiếng đờn thì thầy đờn cũng thăng hoa cùng sự hóa thân, chìm đắm vào lời ca, nhân vật của người nghệ sĩ” - NSND Thanh Hải chia sẻ. 

Nỗi lo mai một

Trong ký ức tuổi thơ của nghệ sĩ Điền Trung, anh nhớ mãi không khí rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc trước giờ khai màn vở diễn. Chỉ cần âm nhạc nổi lên là như thúc giục khán giả đi coi hát. 3 từ “đi coi hát” gợi nhớ ký ức của rất nhiều người. Trong đó còn có hình ảnh bao người cầm đuốc dừa đi coi cải lương, ai nấy xách theo ghế, chiếu để giữ chỗ, nhiều người mang theo cả bánh mì… ra sân bãi, chờ coi vở. Là nghệ sĩ trẻ của sân khấu cải lương hôm nay, Điền Trung nói anh thiết tha mong sân khấu sẽ có được không khí rộn ràng ấy cùng khán giả.

NSƯT Phượng Hằng thể hiện sở trường vọng cổ hơi dài tại talkshow
NSƯT Phượng Hằng thể hiện sở trường "vọng cổ hơi dài" tại talkshow

NSND Thanh Hải bùi ngùi: “Chúng ta vẫn hay nói với nhau rằng, âm nhạc là linh hồn của nghệ thuật cải lương. Nhưng đó chỉ là câu nói ngoài cửa miệng thôi, ngày nay một số người đã quên và một số người không hiểu. 30 năm nay, khán giả dần xa rời cải lương mà chúng ta vẫn làm theo cách cũ vì chúng ta đã không để ý đến âm nhạc là xương sống, là yếu tố cực kỳ quan trọng của sân khấu cải lương. Sân khấu cải lương là ca kịch chứ không phải là kịch ca, là nghe nhìn chứ không phải nhìn nghe. Có rất nhiều vở diễn hôm nay được dàn dựng mà quên mất âm nhạc là yếu tố quan trọng nhất”. Ông nói, người xưa đã để lại cho sân khấu cải lương một kho tàng âm nhạc rất có giá trị, có tính dung nạp và có chất riêng. “Đó là sự sáng tạo rất quý báu của người xưa, chúng ta và thế hệ mai sau cần có trách nhiệm kế thừa, gìn giữ, bảo vệ và góp phần phát huy hơn nữa để cùng tô điểm cho âm nhạc cải lương phát triển tốt hơn” - NSND Thanh Hải nói thêm.

Ngày trước, khán giả say mê cải lương có thể chỉ cần nghe nhạc dạo là biết mình sắp được nghe bài bản gì, khúc gì. Cùng với giai điệu, giọng hát của các nghệ sĩ xưa đều có dấu ấn riêng - điều mà hiện nay rất thiếu, dù nghệ sĩ trẻ hôm nay vẫn có chất giọng hay, có kỹ thuật ca diễn tốt. Dàn đờn trên sân khấu ngày ấy cũng đầy đủ tân - cổ nhạc. Còn ngày nay, yếu tố âm nhạc đang dần bị xem nhẹ. Có khi chỉ có 1 guitar phím lõm và 1 cây đàn organ đảm trách phần âm nhạc cho các tiết mục ca cổ, trích đoạn. Các bài bản được giản lược bớt, không ít lần bị đánh giá là tùy tiện, chắp vá…

“Âm nhạc cải lương ngày càng bị mai một” cũng là một trong những vấn đề, nỗi lo của người làm nghề và khán giả mộ điệu hôm nay. “Nghệ sĩ trẻ phải nên nhìn vào những thành quả cũng như sự cố gắng của các bậc tiền bối, các đàn anh đàn chị đi trước để chúng ta cùng cố gắng. Có được dấu ấn riêng cho sân khấu, để lại ấn tượng không phai trong lòng khán giả hay không chính là từ sự nỗ lực của từng cá nhân” - nghệ sĩ Điền Trung bày tỏ khi nói về sự kế thừa và ảnh hưởng của thế hệ nghệ sĩ hôm nay trong cách xử lý bài ca và cách ca trong diễn/diễn trong ca từ thế hệ nghệ sĩ đi trước. 

Sân khấu cải lương đứng trước nhiều thách thức của thời đại. Các đoàn hát khó khăn, không sắp xếp được một dàn nhạc đúng tiêu chuẩn. Nghệ sĩ cũng cần phải “lấy ngắn nuôi dài”, kịch bản mới với những thử nghiệm mới không dễ chinh phục khán giả hôm nay. Thế hệ nghệ sĩ trẻ dù có chất giọng hay, kỹ thuật ca diễn tốt nhưng lại ít giọng ca có dấu ấn riêng, lại thường xuyên bị so sánh với thế hệ nghệ sĩ trước khi diễn lại các vở cải lương kinh điển. Nghệ sĩ có khi chỉ cần hát trên nền nhạc thu sẵn mà không cần nhạc công. Bên cạnh đó, việc lược bớt bài bản cũng khiến cho âm nhạc cải lương hiện nay bị đánh giá chắp vá, tùy tiện, ngày càng mất chất...

Âm nhạc cải lương vẫn tiếp tục vận động và phát triển nhưng có tạo nên những giai điệu, lời ca để lại dấu ấn thế hệ như một thời vàng son hay không, là sự nỗ lực và trách nhiệm của người làm nghề hôm nay. 

Lục Diệp- Ngọc Tuyết

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI