Giới trẻ Thái Lan đắm chìm trong cần sa giải trí, bệnh nhân bị tác dụng phụ tăng nhanh

31/10/2022 - 13:53

PNO - Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề về các chứng nghiện của Thái Lan (CADS), số người dưới 20 tuổi sử dụng cần sa để giải trí đã tăng gấp đôi kể từ khi loại cây này chính thức hợp pháp hóa hồi tháng 6 vừa qua.

 

Một cửa hàng quảng cáo một loạt các loạt trà bong bóng cần sa ở Samut Prakan. (Ảnh: Somchai Poomlard).
Một cửa hàng quảng cáo hàng loạt các loại trà sữa có cần sa ở Samut Prakan

Sự gia tăng đã gây ra những lo ngại trong phụ huynh, nhà trường và những người vốn đã chỉ trích chính sách này về tác động của cần sa đối với sức khỏe thể chất và tâm lý của những người trẻ tuổi. Điều đáng nói là dù đã thông qua đạo luật nhưng những nỗ lực kiểm soát cần sa và cây gai dầu tại Thái hiện không đi đến đâu.

Giám đốc CADS, Ratsamon Kalayasiri, cho biết sự gia tăng sử dụng cần sa để giải trí trong giới trẻ Thái Lan nhấn mạnh sự cần thiết phải giám sát chặt chẽ tác động của chính sách này và nên cân nhắc về dự luật kiểm soát cần sa. "Việc sử dụng cần sa cho các mục đích khác ngoài y tế hoặc nghiên cứu là một vấn đề nhạy cảm.Vì vậy cần phải có một hệ thống tốt để kiểm soát việc tiếp cận chất này ngoài những mục đích trên", bà Ratsamon Kalayasiri nói.

Muhammad Fahmee Talib, giảng viên Khoa Y Đại học Prince of Songkla, cho biết số lượng bệnh nhân tìm cách điều trị sau khi tiêu thụ cần sa đã tăng lên rõ rệt. Theo số liệu thống kê, số bệnh nhân đang tìm cách điều trị các tác dụng phụ ảnh hưởng tâm lý và sức khoẻ sau khi tiêu thụ cần sa tăng lên gần 17% so với 3% của năm ngoái.

"Đảng Bhumjaithai đã quảng bá cần sa như một loại cây hái ra tiền trước khi được hợp pháp hóa. Và giờ đây cần sa được coi là một mặt hàng thu hút khách du lịch thì người Thái phải nhận hậu quả của tác động tiêu cực từ chính sách này", ông nói.

Riêng Patcharin Khankham, nhà phân tích hoạch định chính sách cấp cao tại Văn phòng Ban Kiểm soát Ma túy (ONCB), cho biết ngày càng có nhiều lo ngại khi cần sa trồng tại địa phương không đáp ứng các tiêu chuẩn để chế biến thêm thành các sản phẩm thuốc, vốn được xem là một ngành dược phẩm mà ngược lại nó trở thành thị trường để đáp ứng nhu cầu của người dùng giải trí. Bà nói rằng, có tới 95% cần sa trồng trong nước không đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết về dược phẩm.

Trong khi đó, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần trẻ em và vị thành niên tại Bệnh viện Siriraj, Chariya Phuditchinnaphat, cho rằng cần có cơ chế pháp lý để đảm bảo các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống có tẩm cần sa liệt kê chính xác nồng độ các thành phần tác động thần kinh trong sản phẩm của họ. Điều này sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng khỏi bị lạm dụng. 

“Gần đây, ba người đã được đưa vào Bệnh viện Siriraj sau khi ăn phải bánh quy có chứa nhiều tetrahydrocannabinol - chất vốn được cho phép hợp pháp theo luật pháp Thái Lan", bà nói.

Trọng Trí (theo Bangkok Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI