Giáo viên "toát mồ hôi" khi dạy môn tích hợp

24/09/2022 - 06:02

PNO - Sau thời gian bồi dưỡng, giáo viên đơn môn đủ điều kiện giảng dạy các môn tích hợp: lịch sử - địa lý, KHTN trong chương trình GDPT 2018 bậc THCS. Thực tế khi "chạy" đến khối lớp 7, giáo viên môn tích hợp gặp rất nhiều khó khăn.

Vừa dạy vừa run

Là giáo viên môn sinh học, sau 2 năm hoàn thành chương trình bồi dưỡng thêm môn hóa học, vật lý, năm học này, cô Lê Thị Nhạ (giáo viên Trường THCS Minh Đức, quận 1) được phân công dạy môn KHTN trong chương trình mới. Để đứng lớp, cô Nhạ tự mua thêm sách, tự học và tham gia vào nhiều group giáo viên môn tích hợp để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy, đặc biệt cô không ngại hỏi đồng nghiệp những phần kiến thức chưa nắm rõ.

Vậy nhưng, giáo viên này thành thật: "Bây giờ đứng lớp sợ nhất là dạy sai kiến thức cho học sinh, sợ học sinh đặt câu hỏi mà mình không trả lời được. Môn KHTN đòi hỏi giáo viên phải tổ chức thực hành rất nhiều để các em khám phá kiến thức, do vậy càng là thách thức với giáo viên đơn môn phụ trách đa môn. Kiến thức môn học ở lớp 6 còn đơn giản, càng lên các lớp cao hơn càng đòi hỏi kiến thức ở mức chuyên sâu hơn, sẽ cực kỳ khó khăn cho giáo viên, thậm chí tôi còn lo không kham nổi". 

 

Việc đào tạo đơn môn, đứng lớp đa môn khiến giáo viên tích hợp gặp rất nhiều khó khăn
Việc đào tạo đơn môn, đứng lớp đa môn khiến giáo viên tích hợp gặp rất nhiều khó khăn

Cô N.T.H là tổ trưởng bộ môn KHTN của một trường THCS ở TP.Thủ Đức, có kinh nghiệm 1 năm dạy môn học này ở khối lớp 6, song khi chia sẻ về việc giảng dạy bộ môn trong chương trình mới, cô cho biết "vừa dạy vừa run".

"Năm nay tôi được phân công dạy lớp 7, chương trình được nhận định là khó. Trước đây tôi là giáo viên dạy hóa, nay đảm nhiệm thêm môn vật lý và sinh học, dù đã giảng dạy được 1 năm, nhưng mỗi buổi trước khi lên lớp, tôi đều phải chuẩn bị tinh thần rằng nếu hôm nay học sinh hỏi vấn đề khó quá thì phải trả lời ra sao, các em phản ánh vấn đề trong bài học thì phải làm thế nào, nếu phụ huynh hỏi thì sao... Thậm chí nhiều lần tôi phải tra google để trả lời cho các em".

"Xin đừng cho em đứng lớp"

Năm học 2022-2023, chương trình GDPT 2018 được triển khai đến khối lớp 7 ở bậc THCS. Bước sang năm thứ 2, việc giảng dạy bộ môn tích hợp ở các trường đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cô Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh) thừa nhận, đầu năm học phân công dạy môn tích hợp lớp 6, 7, giáo viên thường nói đùa rằng "xin đừng cho em đứng lớp"...

"Nghe đùa mà lại là thật. Giáo viên dù đã được bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ nhưng với thời gian không nhiều, lại đảm nhận vai trò mới, vừa phải đổi mới phương pháp dạy học vừa phải gồng gánh thêm kiến thức để đáp ứng yêu cầu của chương trình... nên khi phụ trách đứng lớp giảng dạy môn tích hợp rất nhiều thầy cô tâm tư. Nhiều giáo viên còn đề xuất tách môn ra, giáo viên nào giảng dạy bộ môn đó để đỡ áp lực, nhất là giúp thầy cô tự tin đứng lớp", cô Ân chia sẻ.

Tuy nhiên, theo cô Ân, mục tiêu của chương trình là khi giảng dạy môn tích hợp, một giáo viên phải đảm nhiệm được nhiều môn, do đó nhà trường không đồng ý đề xuất tách môn. Trên thực tế, nhiều trường vẫn triển khai phương thức này. Thế nhưng áp dụng về lâu dài sẽ triệt tiêu sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên, không đảm bảo mục tiêu chương trình.

"Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên "gốc" nào sẽ phụ trách chính bộ môn đó trong môn tích hợp để hướng dẫn cho giáo viên các bộ môn còn lại. Giáo viên phải tự bồi dưỡng, giảng dạy cho nhau. Ngoài ra, hội đồng bộ môn của phòng giáo dục hàng tháng đều họp, lên chuyên đề, theo sát giáo viên nên cũng giúp giáo viên gỡ khó, từng bước mạnh dạn hơn khi đứng lớp".

 

Dù luôn tự bồi dưỡng lẫn nhau song biết 2 mà dạy 1 vẫn khiến giáo viên thiếu tự tin
Dù luôn tự bồi dưỡng cũng như học hỏi lẫn nhau song nhiều giáo viên vẫn thiếu tự tin khi đứng lớp

Cô Trần Thúy An - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (quận 1) cho hay, việc tách môn để giáo viên đứng lớp dạy môn tích hợp đã từng là bài toán được nhà trường tính đến trước thực tế giáo viên còn nhiều băn khoăn khi dạy môn này. Tuy vậy, ở khối 6 việc tách môn có thể thực hiện được song lên khối 7, kiến thức môn lý, hóa, sinh trong môn KHTN rất rạch ròi, do đó, nếu sắp xếp như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Tức là có những thời điểm, giáo viên môn lý sẽ không đủ để đứng lớp song giáo viên hóa, sinh sẽ lại ngồi chơi.

"Từ năm lớp 6, nhà trường đã để giáo viên tích hợp đứng lớp. Song song đó tổ chức thầy cô tự bồi dưỡng lẫn nhau, soạn chung giáo án, với các vấn đề phát sinh thì trao đổi lại. Vậy nhưng, giáo viên đứng lớp mà biết 2 dạy 1 thì không thể nào tự tin, thậm chí sợ đứng lớp, đôi khi phải động viên tinh thần thầy cô".

Cần có nhiều giải pháp đồng bộ

Trao đổi với phóng viên, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thừa nhận, việc giáo viên THCS dạy các môn tích hợp gặp khó khăn và chưa thật sự tự tin trong dạy học là một thực tế mà các trường và thầy cô giáo phải đối mặt. Chương trình GDPT 2018 đã đặt ra thử thách và nhiều thách thức, buộc giáo viên phải thay đổi cách tiếp cận và phương pháp dạy học.

Ông khẳng định, để giải quyết và đảm bảo chương trình thành công, nhất là ở các môn học mới, thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, người dạy cần ý thức nguy cơ tụt hậu, vượt qua “lối mòn” của phương pháp dạy học cũ và chấp nhận thay đổi để tiến bộ. Tổ chuyên môn tăng cường chia sẻ, phối hợp, tập huấn hỗ trợ đồng nghiệp. Nhà quản lý cần xây dựng “không gian” vật lý bao gồm cơ sở vật chất, phòng học bộ môn, thư viện, tài liệu tham khảo, không gian tổ chức hoạt động đổi mới dạy học... để tạo thuận lợi cho hoạt động dạy học trực tiếp. Ngoài ra cần đầu tư hệ thống quản lý học tập, hệ thống hạ tầng CNTT, xây dựng chính sách hỗ trợ người học, người dạy giúp quá trình dạy học theo định hướng đổi mới được thuận lợi. 

Đặc biệt, học sinh phải thay đổi và được tạo điều kiện để thay đổi từ việc học theo thầy cô, dựa vào những kiến thức, kỹ năng do thầy cô cung cấp chuyển sang hướng tăng cường tự học, học theo hướng dẫn, phải chủ động nhiều hơn.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI