Thiếu giáo viên, TPHCM mời thầy cô nghỉ hưu đứng lớp

23/09/2022 - 06:26

PNO - Trong bối cảnh thiếu giáo viên, nhiều trường ở TPHCM đã xoay xở bằng cách ký hợp đồng với thầy cô đã nghỉ hưu để giải bài toán thiếu người đứng lớp. Nhiều giáo viên nghỉ hưu cũng mong muốn được tiếp tục gắn bó với nghề.

Vui vì được gắn bó thêm với nghề

Từ sáng sớm, cô Phùng Thị Hoàng Yến đã vượt quãng đường 7km từ nhà đến Trường THCS Lạc Long Quân (Q.Bình Tân) để dạy học. Giờ học môn công nghệ của lớp 6/3 do cô Hoàng Yến đảm trách trở nên rộn ràng khi cô đặt các câu hỏi thực tế về việc sử dụng năng lượng trong gia đình. Năm nay, cô Hoàng Yến sắp bước vào tuổi 60 nhưng vẫn được nhà trường mời dạy (thỉnh giảng).

Học sinh lớp 6/3 Trường THCS Lạc Long Quân chăm chú nghe cô Hoàng Yến giảng bài - Ảnh: Sơn Vinh
Học sinh lớp 6/3 Trường THCS Lạc Long Quân chăm chú nghe cô Hoàng Yến giảng bài - Ảnh: Sơn Vinh

Cô Hoàng Yến là giáo viên có kinh nghiệm 36 năm giảng dạy bộ môn công nghệ của Trường THCS Trần Quốc Toản (Q.Bình Tân). Tháng 9/2020, cô Hoàng Yến được nghỉ hưu theo chế độ nhưng do trường đang thiếu giáo viên môn công nghệ lớp Sáu nên đã giữ cô lại làm giáo viên thỉnh giảng. Cùng lúc đó, Trường THCS Lạc Long Quân cũng mời cô dạy môn công nghệ lớp Sáu nên cô cùng lúc dạy cho hai trường.

Công nghệ là một trong những bộ môn thiếu giáo viên trầm trọng. Bộ môn này phân chia theo từng khối. Giáo viên môn công nghệ lớp Sáu không thể dạy môn công nghệ lớp Bảy và ngược lại. Công nghệ là bộ môn phụ trong trường phổ thông. Hơn nữa, giáo viên bộ môn này được Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đào tạo, sinh viên tốt nghiệp trường này có bằng kỹ sư nên đa số chọn làm việc ở các công ty, nhà máy thay vì dạy học.

Cô Hoàng Yến tâm sự: “Mình về hưu nhưng được thỉnh giảng nên đỡ nhớ nghề, có thêm thu nhập và giúp cuộc sống của bản thân đỡ nhàm chán. Do đó, khi có trường mời, tôi nhận lời ngay. Gia đình tôi cũng rất ủng hộ điều này”.

Hiện tại, cô Hoàng Yến dạy ở Trường THCS Lạc Long Quân 12 tiết/tuần (tương đương 3 buổi sáng). Cô cho biết, số tiết dạy như trên là khá thoải mái, không áp lực như khi còn là giáo viên biên chế. Nhờ vậy, cô có thời gian đầu tư thêm cho các bài giảng. 

Năm học này, cô Lê Thị Minh (Q.Tân Phú) cũng nhận dạy cho hai trường tiểu học ở quận Tân Phú và Bình Tân. Cô Minh có hơn 30 năm làm giáo viên dạy bộ môn tiếng Anh. Khi cô nghỉ hưu vào năm 2021, được mời ở lại trường dạy tiếp. Cùng lúc này, một trường tư thục khác ở Q.Tân Bình cũng thiếu giáo viên tiếng Anh nên mời cô Minh về dạy 3 buổi/tuần.

“Ban giám hiệu phía trường tư thục sắp lịch phù hợp để các buổi dạy của tôi không trùng với trường còn lại. Tuy dạy ở hai trường nhưng mỗi tuần, tôi cũng chỉ dạy từ 6-7 buổi nên vẫn có thời gian nghỉ ngơi” - cô Lê Thị Minh chia sẻ.

Theo cô Minh, trong năm học 2022-2023 này, TPHCM đang rất thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên bậc tiểu học và THCS. Do đó, nhiều người bạn của cô ở các quận, huyện khác đến tuổi nghỉ vẫn được nhà trường giữ lại, một số thầy cô chuyển sang trường tư thục để dạy tiếp.

Tăng thỉnh giảng, hợp đồng để đủ giáo viên

 Cô Phan Thị Kim Chi - Hiệu trưởng Trường tiểu học An Lạc 3, Q.Bình Tân - cho hay, năm học vừa rồi, khi giáo viên chuyển công tác hoặc nghỉ thai sản, ban giám hiệu nhà trường đã mời hai giáo viên về hưu đến dạy. Giáo viên về hưu có lợi thế là có kinh nghiệm giảng dạy, quản lý học sinh nên không phải tốn thời gian làm quen công việc. Cô chia sẻ: “Mức chi trả cho việc thỉnh giảng hiện nay không cao nên cũng khó thu hút giáo viên về hưu”.

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, trong năm học 2022-2023, toàn thành phố thiếu gần 6.000 giáo viên theo biên chế. Trong đó, bậc THCS thiếu 2.467 giáo viên, bậc tiểu học thiếu 2.169 giáo viên, bậc mầm non thiếu 1.066 giáo viên.

Q.Bình Tân là một trong những địa phương thiếu nhiều giáo viên. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao. Trong năm học này, riêng Trường THCS Lạc Long Quân có đến 21 lớp Sáu nên số giáo viên cần cho khối lớp này khá nhiều.

Q.Bình Tân đang thiếu trầm trọng giáo viên một số bộ môn phụ. Chẳng hạn, năm nay, Trường THCS Bình Hưng Hòa có đến 56 lớp nhưng chỉ có một giáo viên dạy môn mỹ thuật. Để giải quyết vấn đề này, nhà trường buộc phải liên hệ với các trường khác để thỉnh giảng trong lúc chờ biên chế.

Mức lương cho giáo viên trẻ khá thấp cũng khiến việc tuyển dụng hoặc thuê giáo viên thêm khó khăn. Nhiều trường không tuyển được giáo viên dạy môn tiếng Anh do sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ có nhiều cơ hội việc làm ở các ngành nghề khác ngoài dạy học. Trong khi đó, nếu đi dạy ở các trường tiểu học, THCS, giáo viên trẻ chỉ nhận mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. 

Thầy Hà Ngọc Tuấn Huy - Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Long Quân (Q.Bình Tân) - chia sẻ, do trường mới được thành lập năm 2020 nên đang rất thiếu giáo viên. Hiện tại, các bộ môn cần giáo viên nhất là công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc, tin học, khoa học tự nhiên và giáo viên làm tổng phụ trách đội. Trường đang cần thêm khoảng 30 giáo viên biên chế để đáp ứng công tác giảng dạy. Trong khi chờ biên chế, nhà trường đã mời các giáo viên ở trường khác và giáo viên về hưu đến dạy. 

“Việc thỉnh giảng đã phần nào giúp trường giải được bài toán thiếu giáo viên. Giáo viên về hưu có nhiều kinh nghiệm, am hiểu học sinh nên quản lý học sinh rất tốt. Họ cũng rất yêu nghề, tâm huyết với nghề. Tuy nhiên, việc mời giáo viên ở trường khác về khiến nhà trường không chủ động được thời khóa biểu mà phải phụ thuộc vào lịch dạy ở trường khác” - thầy Tuấn Huy nói.

Theo thầy Tuấn Huy, hiện tại, mong muốn lớn nhất của nhà trường là sớm được cấp trên giao chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng viên chức sớm. Nếu được, việc tuyển viên chức sẽ diễn ra trong kỳ nghỉ hè để trường chủ động bố trí giảng dạy trong năm học mới.

Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.Bình Tân - cũng cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện quận đang khuyến khích các trường trên địa bàn linh động thực hiện các giải pháp như thỉnh giảng, ký hợp đồng ngắn hạn với cả giáo viên trẻ mới ra trường chưa được vào biên chế và cả với những thầy cô giáo đã nghỉ hưu.

Theo ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo - trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay, việc mời thầy cô đã nghỉ hưu đứng lớp là một giải pháp phù hợp, để tránh lãng phí nguồn nhân lực. “Rất nhiều giáo viên tuy hết tuổi lao động nhưng chuyên môn tốt và vẫn mong muốn được tiếp tục cống hiến với nghề” - ông Hồ Tấn Minh bày tỏ thêm. 

Khuyến khích ký hợp đồng với giáo viên nghỉ hưu có sức khỏe tốt

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cho biết trong bối cảnh thiếu giáo viên trầm trọng ở các cấp học, sở đã hướng dẫn tất cả các đơn vị trực thuộc chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký kết hợp đồng lao động ngắn hạn. Trong đó, khuyến khích các trường ký hợp đồng với giáo viên đã nghỉ hưu nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe lao động và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

“Theo quy định trước đây, nhà trường không được ký hợp đồng với giáo viên không phải là viên chức. Tuy nhiên, từ năm 2020, Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế đã phần nào gỡ khó cho các trường trong việc thực hiện hợp đồng lao động với giáo viên. Cụ thể, nghị quyết cho phép các trường được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên, miễn là số lượng nằm trong phạm vi biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo” - ông Hồ Tấn Minh giải thích thêm.

Thiếu trầm trọng giáo viên tin học, tiếng Anh 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, việc tuyển dụng giáo viên dạy một số môn trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 gặp nhiều khó khăn, gồm giáo viên tiếng Anh và tin học, nhất là ở các huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè). Sở đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục liên kết, thỉnh giảng, ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên bên ngoài, tổ chức nhiều đợt tuyển dụng giáo viên cho hai môn học này.

Lý giải về nguyên nhân thiếu giáo viên tin học, hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM cho biết, do nguồn cung giáo viên không đảm bảo. Hiện nay, Trường đại học Sư phạm TPHCM có đào tạo giáo viên toán - tin nhưng khi ra trường, hầu hết giáo viên chọn môn toán vì đây là môn chính. Một trường khác ở TPHCM từng đào tạo giáo viên tin học nhưng đã dừng mấy năm nay.

Về giải pháp thuê giáo viên dạy môn tin học theo hợp đồng ngắn hạn, vị hiệu trưởng này cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, tin học là tiết bắt buộc, không thu tiền học sinh. Do đó, chi phí để trả tiền thuê giáo viên môn này là một bài toán khó với các trường.


Sơn Vinh - Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI