Không cho bán mang về, dân sống sao?

30/07/2020 - 21:42

PNO - Giãn cách, nhưng không nên triệt tiêu mọi hoạt động, nhất là chuyện ăn uống - nhu cầu cơ bản, thiết yếu của mỗi người.

Chiều 30/7, UBND TPHCM ra công văn khẩn về phòng chống dịch COVID-19, theo đó, kể từ 0g ngày 31/7 sẽ dừng các sự kiện tập trung đông người, cấm tập trung quá 30 người nơi công cộng (trừ trường học, bệnh viện…), đóng cửa các cơ sở dịch vụ kinh doanh không thiết yếu… nghĩa là đã dần siết các hoạt động nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Chàng shipper với kiểu giao hàng đặc biệt được nhiều người khen ngợi
Chàng shipper với kiểu giao hàng đặc biệt được nhiều người khen ngợi

Với số ca nhiễm không nhiều như Đà Nẵng trong đợt dịch bùng phát này, TPHCM cũng như nhiều địa phương vẫn lên phương án chủ động ứng phó với quyết tâm có thể khống chế được dịch bệnh ở mức cao nhất. Nhiều nơi như Đắk Lắk, Hội An đã tiến hành giãn cách xã hội, cấm tụ tập đông người.

Thế nhưng yêu cầu dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng qua mạng, bán mang về từ 13g ngày 30/7 của UBND TP. Đà Nẵng dường như đã đi hơi xa.

Phương thức giao hàng độc đáo tại TPHCM
Phương thức giao hàng độc đáo tại TPHCM

Cần hiểu rằng việc giãn cách xã hội, khuyến khích mọi người ở yên trong nhà là cách để chúng ta khoanh vùng các ca nhiễm (nếu có). Khi mọi người đều giữ khoảng cách an toàn phòng dịch, ca nhiễm sẽ khó lây lan. Trong đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mọi người được khuyến khích làm việc tại nhà, hội họp qua mạng; quán ăn (mặt hàng thiết yếu) được hướng dẫn giãn cách bàn ghế, khống chế số lượng người ngồi và ở mức cao là không phục vụ khách tại chỗ mà chỉ bán online và bán mang về.

Trong những ngày giãn cách đó, nhiều cửa hàng ăn uống, giải khát đã có sáng kiến đặt thức ăn vào khay và chuyển theo băng chuyền cho khách để hạn chế tiếp xúc. Nhiều quán giao hàng qua… sào dài. Rất nhiều quán đã chuyển sang hình thức bán online, bởi con người không thể sống mà không ăn uống.

Giữa những cách giao hàng đảm bảo khoảng cách như trên và việc người dân tìm đến các cửa hàng, phương thức nào an toàn hơn?
Giữa những cách giao hàng đảm bảo khoảng cách như trên và việc người dân tìm đến các cửa hàng, phương thức nào an toàn hơn?

Ngay trong phương thức giao hàng tận nhà, các hộ gia đình tại TPHCM, Hà Nội cũng đã thể hiện nhiều sáng kiến: đặt hàng trước cửa, lùi xa, gọi khách ra nhận; thậm chí nhiều người giao hàng còn ứng dụng cả công nghệ khi dùng xe điều khiển từ xa, flycam để giao hàng mà hình ảnh chàng shipper giao trà sữa được dân mạng rầm rộ chia sẻ hồi tháng 3 là ví dụ điển hình.

Quyết tâm và quyết liệt chống dịch là điều tốt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến quá phức tạp như hiện nay. Nhưng quyết chống dịch không nên đồng nghĩa với khóa kín mọi thứ. Cái nào an toàn hơn giữa việc nhiều người dân kéo nhau đến cửa hàng mua thực phẩm và thực phẩm được giao đến từng nhà theo phương thức giãn cách như trên?

Cấm bán mang về, cấm bán hàng qua mạng thực chất sẽ đẩy người dân đến chợ, siêu thị; trong khi chúng ta không thể chắc chắn đó là những nơi an toàn, bởi thực tế đã có ca nhiễm, ca nghi nhiễm đi chợ. Động tác cấm bán qua mạng không chỉ làm khó cho dân mà rất có thể sẽ tạo ra tác dụng ngược.

Một số người có thể chỉ cần cơm ngày 3 bữa với gạo mắm sữa mì, nhưng sẽ còn nhiều người khác muốn được thưởng thức ly cà phê của quán quen, ly trà sữa loại có topping mình thích hoặc tô bún đặc sản. Giãn cách, nhưng không nên triệt tiêu mọi hoạt động, nhất là chuyện ăn uống - nhu cầu cơ bản, thiết yếu của mỗi người.

Thành Nhân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI