Giảng viên người Anh và đề tài tiến sĩ về hẻm Sài Gòn

24/07/2021 - 06:38

PNO - Nặng lòng với hẻm Sài Gòn, Andrew Stiff (50 tuổi), một giảng viên đại học đến từ nước Anh, đã chọn không gian đô thị độc đáo này làm đề tài luận văn tiến sĩ của mình.

Hẻm - không gian văn hóa đặc sắc 

Andrew Stiff đặc biệt hào hứng với những không gian bình thường trong hẻm mà người dân đã tạo nên. Hẻm Sài Gòn, ngoài chức năng không gian đô thị, còn thể hiện những nét văn hóa đặc trưng chỉ có ở Sài Gòn như hẻm ẩm thực, hẻm biệt thự, hẻm văn nghệ sĩ hay hẻm nghệ thuật… Từ những con hẻm vô danh, chúng trở thành một biểu tượng không gian văn hóa đặc sắc của thành phố.

Trong một lần ghé thăm Sài Gòn, khi vừa rời khỏi sân bay, Andrew Stiff nhận ra mình quên máy ảnh trên xe đẩy. Ông lập tức quay lại và tìm được chiếc máy ảnh yêu quý của mình. Cách Sài Gòn đối đãi trong lần đầu gặp gỡ đã khiến Andrew cảm động. Để rồi sau đó, khi được mời về dạy tại một trường đại học ở đây, ông đã không do dự, và cho rằng đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất cuộc đời. Ông chọn gắn bó với Sài Gòn.

Andrew trong một con hẻm ở Sài Gòn
Andrew trong một con hẻm ở Sài Gòn

Hẻm Sài Gòn từng đi vào thơ ca, hội họa, nhưng với Andrew, nó đặc biệt đến nỗi ông đã chọn không gian đô thị này để làm đề tài cho luận văn tiến sĩ của mình. Andrew bắt đầu dự án Hẻm Sài Gòn vào tháng 8/2016 với mục tiêu khám phá các con hẻm ở quận 4, thông qua các phương tiện, minh họa, âm thanh, nhiếp ảnh và video.

“Hẻm Sài Gòn cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc, độc đáo về văn hóa của thành phố. Không gian sống ở hẻm khác với những thành phố ở quê hương tôi. Nó mang đến những trải nghiệm đô thị và văn hóa đô thị, một nét đặc trưng của Sài Gòn. Các dự án phát triển mới trong thành phố không mang lại được trải nghiệm này, vì chúng được thiết kế cho các đơn vị riêng lẻ chứ không phải cộng đồng. Mối quan tâm hướng đến cộng đồng thường là những suy nghĩ sau cùng, được thêm vào cuối quá trình thiết kế”, Andrew giải thích.

Những con hẻm ở quận 4 khiến Andrew hào hứng, vì đây từng là địa bàn nổi tiếng của giới giang hồ Sài Gòn trước năm 1975. Suốt 5 năm khám phá, ngoài những gì thu hoạch được cho dự án, chính sự thân thiện và những nụ cười của người dân là thành quả lớn nhất mà ông cùng cộng sự đạt được.

Một góc hẻm Sài Gòn trong dự án của Andrew
Một góc hẻm Sài Gòn trong dự án của Andrew

“Mỗi lần khám phá hẻm, tôi thấy những không gian giống nhau, cùng một con người nhưng trải nghiệm mỗi lần lại khác nhau. Tôi thường đi bộ để quan sát các điểm tham quan, lắng nghe mọi âm thanh, thậm chí mùi hương trong mỗi con hẻm”, ông kể.

Andrew cho biết sự nhỏ gọn của những con hẻm mang lại cảm giác thoải mái, ngay cả khi xe cộ bình thản qua lại xung quanh. Ông thích những hoạt động thường nhật trong hẻm, cách người ta bài trí một quán ăn hoặc quán cà phê. Làm thế nào mà một góc tường có thể là nơi bắt đầu kinh doanh một quán cà phê nhỏ với một chiếc bàn bé xíu đặt ở đó? Người dân nơi này chỉ cần những không gian rất nhỏ để sinh sống, họ tạo ra nhiều thứ từ những điều nhỏ bé, điều này khiến ông càng thêm hào hứng.

Andrew cho rằng từ không gian hẻm, ta có thể học cách thiết kế và tái sử dụng thành phố, nhằm hướng đến việc tiêu dùng có trách nhiệm. Hẻm giúp ta hiểu cách sử dụng không gian và cách sống trong một cộng đồng. Những điều này rất quan trọng với tất cả các thành phố trong tương lai, khi ô nhiễm môi trường và di cư là một trong những vấn đề nhức nhối của đô thị hiện đại.

Nhìn Sài Gòn từ những con hẻm nhỏ là cách khám phá đô thị mà Andrew cho rằng nó đã thay đổi cách nhìn nhận cuộc đời của ông. Từng khám phá những con hẻm ở Melbourne, Barcelona, ​​Rome hay London, nhưng Andrew không thấy mối quan hệ giữa con người với không gian đô thị của họ như các con hẻm ở Sài Gòn. Không gian ấy được xác định bởi cách sống của cư dân. Ẩm thực hẻm Sài Gòn cũng là một trong những điều thu hút Andrew. Ông mê bún chả, phở, ốc và phá lấu được bán rất nhiều trong những con hẻm nhỏ.

Chất gắn kết đô thị

Andrew cho biết có một số nhà nghiên cứu đã xem hẻm như những không gian đô thị độc đáo, nhưng những nghiên cứu ấy có xu hướng nghiêng về nhân học hơn. Ở Sài Gòn, hẻm chiếm ưu thế trong không gian đô thị. Tại quận 1 và quận 3, có rất nhiều biệt thự do người Pháp xây, tòa nhà Chính phủ, khu dân cư và văn phòng hiện đại. Và chính hẻm là chất kết, gắn kết tất cả với nhau.

Tính đến thời điểm hiện tại, Andrew cùng cộng sự đã có hơn 1.000 mẫu phim kể cả bản chỉnh sửa và thử nghiệm. Ông cũng đang phát triển một kho lưu trữ các sản phẩm đã thực hiện trong quá trình hoàn thành luận văn tiến sĩ. Các dự án hẻm đã cùng Andrew du ngoạn khắp thế giới như “Hem 84” (Digital Video) tại Kuala Lumpur Experimental Film and Video Festival 2017, “Hem Walk 004” (Digital Video) tại Facade Video Festival ở Bulgaria năm 2018, “Hem City” (Digital Video) tại Kuala Lumpur Experimental Film and Video Festival 2019 cùng với hàng chục buổi triển lãm, nói chuyện về hẻm ở Sài Gòn.

Triển lãm Hẻm Sài Gòn của Andrew
Triển lãm Hẻm Sài Gòn của Andrew

“Tôi là nghệ sĩ thị giác chứ không phải nhà văn, nên việc trừu tượng hóa hình ảnh các con hẻm mang lại cho tôi sự thú vị riêng. Tôi yêu những con hẻm và Sài Gòn. Có lẽ tôi sẽ sống với tình yêu này đến cuối đời”, ông chia sẻ.

Ngoài hẻm, Andrew đang thực hiện một dự án khác ở Nhà Bè. Ông cho rằng nông thôn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với xã hội và thành phố. Ông cũng đang hợp tác với một dự án liên quan đến đô thị có tên Hanoi Ad Hoc, do một kiến ​​trúc sư trẻ Việt Nam tổ chức cùng sự phối hợp của một số tổ chức trong và ngoài nước.

“Tôi cũng đang xem xét việc phát triển các thử nghiệm của mình, cách sử dụng chúng như một phương án cho du lịch bản địa trong thế giới hậu COVID-19. Ý tưởng dựa trên sự thay đổi mô hình du lịch khi du khách muốn những trải nghiệm, tương tác với thành phố không chỉ gói gọn trong quận 1, mà kể cả những con hẻm hay những gì họ mong muốn”, Andrew cho biết.

Tấn Đồng

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI