Họa sĩ Nguyễn Công Hoài: “Tôi không hề muốn dịch bệnh là nguồn cảm hứng sáng tác của mình”

22/07/2021 - 14:03

PNO - Gia đình họa sĩ Nguyễn Công Hoài ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đang trong khu vực cách ly, từ hơn một tuần trước. Những ngày này, anh sống, vẽ và suy ngẫm về nghề nghiệp. Những bức tranh đặc biệt cứ thế ra đời, và anh dùng nó để đổi gạo, chia sẻ với bà con nghèo.

Phóng viên: Xem tranh của anh, có thể thấy ở đó có một Nguyễn Công Hoài trong vùng phong tỏa và một Nguyễn Công Hoài ngoài vùng phong tỏa… Những vận động về mặt nội tâm giúp anh miêu tả thế giới này bằng ngôn ngữ hội họa ra sao?

Họa sĩ Nguyễn Công Hoài: Cũng chẳng có gì ghê gớm cả. Bởi, có bị phong tỏa, giãn cách hay không, thì tôi vẫn ở nhà vẽ tranh. Vấn đề là, thân thể mình đang trong vùng phong tỏa, nhưng tâm hồn lại treo lơ lửng ngoài kia, quan sát thế giới theo cách riêng của mình, có thể qua mạng internet, qua báo chí, qua chia sẻ của bạn bè...

Giống như tên một bức tranh của tôi: Mắc kẹt, chúng ta có những mối ràng buộc, cộng cảm, cộng sinh lẫn nhau mà bình thường ít ai để ý. Phải khi dịch bệnh đến, mọi thứ mới vỡ ra. Gia đình tôi đang trong vùng phong tỏa, không được đi đâu, không được về thăm mẹ, không được gặp bạn bè. Nhà tôi lại ở giữa hai khu công nghiệp lớn, tình hình dịch bệnh đang hết sức phức tạp. Các anh em làm công nhân thân thiết của tôi đang trải qua những ngày khó khăn, bế tắc về kinh tế.

Nhưng nghĩ rộng hơn, dù phong tỏa hay không, bản thân con người vốn đã bị mắc kẹt, ràng buộc vào một thứ gì đó dù vô hình hay hữu hình, với gia đình, công việc, hay đủ thứ không tên, thậm chí, ràng buộc với ý thức của chính mình. 

Tôi đang tập nhìn mọi thứ khác đi. Cô đọng hơn, lược giản nhiều thứ, không còn hứng thú với việc mô phỏng, mô tả nữa. Cuối cùng, còn lại chỉ là sự tự thú với chính mình.

* Loạt tranh vẽ trong những ngày phong tỏa này gồm bao nhiêu bức?

- Bức tranh đầu tiên tựa là Sài Gòn, vẽ ngẫu nhiên thôi. Hai - ba tháng rồi, không được gặp gỡ anh em bạn bè kể từ sau triển lãm ở Hà Nội về, tôi nhớ quá, liền ngồi vẽ một bức liên quan đến Nhà thờ Đức Bà đang bị phong tỏa. Sau đó, tôi cảm thấy mình nên vẽ cái gì đó nữa để ghi lại một giai đoạn đặc biệt của đất nước mình, cũng là ghi lại cảm nghiệm, nghĩ suy của chính mình về những điều trông thấy.

 Tác phẩm Sài Gòn
 Tác phẩm Sài Gòn

Các bức tranh của tôi, có bức có tên như Giao lộ, Không tựa, Cửa đóng then cài, Mắc kẹt, Sài Gòn… nhưng cũng có bức tôi vẽ một cái chợ bị phong tỏa, nghĩ mãi vẫn chưa biết đặt tên gì. Hiện loạt này đã có sáu, bảy bức, tôi định vẽ thêm ba, bốn bức nữa rồi “chốt hạ”. Có thể sau này, khi có một độ lùi về mặt thời gian, cảm xúc sâu sắc hơn, chiêm nghiệm hơn, tôi sẽ trở lại với đề tài này chưa biết chừng. 

Rồi hôm qua, bất chợt thấy nhà mình nhiều tranh quá, nên muốn chia sẻ khó khăn với bà con. Với chút khả năng mọn của bản thân, tôi hy vọng những bức tranh của mình có thể đổi thành gạo cho những ai đang khó khăn.

Hiện, số tiền thu được hơn 50 triệu đồng, được chuyển thẳng vào số tài khoản của hai người bạn mà tôi tin tưởng, đang vận động ủng hộ cho bà con nghèo. Bao giờ hết cách ly, tình hình dịch bệnh ổn hơn, tôi có cơ hội được làm một họa sĩ hạnh phúc khi tự tay đóng thùng tranh gửi đi; còn hiện nay những mảnh đời khó sẽ có thêm một phần gạo để ăn.

* Một thời gian rất ngắn (mới một tuần trong vùng phong tỏa), anh đã vẽ sáu đến bảy bức. Có thể thấy lao động nghệ thuật của anh liên tục, hay dịch bệnh đang trở thành một nguồn cảm hứng lớn cho anh?

-Cũng có khi nhiều ngày không vẽ được gì, mà chỉ nghĩ ngợi; nhưng khi vẽ, tôi thường vẽ rất nhanh, vẽ liên tục, có bức hai ba tiếng đồng hồ đã hoàn thành. Tôi là một người làm việc khá khoa học. Từ lâu, tôi đã nghĩ rằng, công việc này cần tạo một thói quen tốt. Hằng ngày, tôi luyện cho mình phải làm việc vài ba tiếng. Vẽ xấu vẽ đẹp gì cũng được.

Tôi nghĩ, chất lượng và số lượng là hai thứ không đi đôi với nhau. Nhưng khi tạo thói quen tốt, thói quen đó sẽ cho mình những ý tưởng mới, phương pháp mới, hình thức mới, khơi mở được gì thì cứ khơi mở. Thay vì nói nhiều, thì tôi vẽ nhiều. Và đến bây giờ, tôi không sợ vẽ xấu nữa. Tôi chấp nhận hết cả những sự không tốt, chưa hoàn thiện của mình.

Những tác phẩm của tôi cũng không phải là sự ăn may hay vô tình, mà là kết quả của quá trình làm việc liên tục. Tối giản trong hình, hay trừu tượng đi chăng nữa, cá nhân tôi nghĩ, chúng thực sự là những trải nghiệm sâu sắc thì người ta mới đi đến được đó.
Dịch bệnh là một biến cố, tôi hay bất cứ nghệ sĩ nào cũng đều không muốn nó là nguồn cảm hứng sáng tác của mình.

Tài năng của nghệ sĩ không nằm ở chỗ cần phải có những diễn biến đau lòng như vậy mới có đề tài. Tôi nghĩ, người nghệ sĩ thực sự là những người với khả năng tự rèn luyện cao, trải nghiệm và khả năng tiếp thu thế giới bên ngoài, họ sẽ đi con đường của họ. Không nhất thiết phải có COVID-19, thiên tai, thảm họa. Nếu vậy, chẳng khác gì những nghệ sĩ chờ thời. 

* Tôi đọc được ở đâu đó có người nói, đại khái, trong những lúc ngặt nghèo, văn chương và nghệ thuật chỉ là những thứ vô tích sự. Họa sĩ nghĩ gì về điều này?

-Lạ là, những lúc ngặt nghèo, khó khăn, người ta hay quy các loại giá trị thành thực phẩm, tiền hoặc những thứ vật chất có thể ăn được/cầm nắm được. Tất nhiên, để tồn tại, để sống, đôi khi cũng không dễ dàng gì. Nhưng nếu chỉ có vậy thì dễ quá. Nghệ thuật thú vị ở chỗ, nó ghi lại không khí một thời bằng cách thức rất đặc biệt mà không phải cái gì cũng có thể mô phỏng và lấp đầy được.

* Cảm ơn họa sĩ.

Đậu Dung (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI