Giảm cholesterol cũng coi chừng... mang bệnh

28/09/2020 - 06:08

PNO - Hầu hết người dân đều lo ngại vấn đề cholesterol trong máu cao, nhưng lượng cholesterol thấp cũng sẽ nguy hiểm đối với cơ thể

Hầu hết người dân đều lo ngại vấn đề cholesterol trong máu cao, bởi liên quan tới các bệnh mạn tính không lây, đặc biệt là tim mạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được khi lượng cholesterol thấp cũng sẽ nguy hiểm đối với cơ thể.

Ăn kiêng quá đà, nhìn thấy dầu mỡ là sợ

Mải “chiến đấu” với cholesterol và cự tuyệt dầu mỡ trong các bữa ăn, nhiều bệnh nhân khi đến viện đã rơi vào tình trạng mắt mờ, biếng ăn, thiếu cân nặng. Thậm chí có người suy dinh dưỡng tới mức khó mang thai…

Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo tình trạng sợ cholesterol có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm không kém so với việc thừa a-xít béo này
Bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam khuyến cáo tình trạng "sợ cholesterol" có thể gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm không kém so với việc thừa a-xít béo này

Từng sở hữu một thân hình khá đầy đặn, sau thời gian ăn kiêng và tìm lại được vóc dáng, chị Đ.T.H. (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) lại rơi vào tình trạng biếng ăn kéo dài, gầy guộc. Dù cao gần 1,6m nhưng phụ nữ trẻ này chỉ nặng 45kg. Chia sẻ về điều này, chị H. cho biết, để giảm cân, chị gần như không ăn thịt mỡ và cũng hạn chế tối đa các món chiên, xào.

Tuy nhiên, khi kết thúc chế độ ép cân, hơn một năm trở lại đây, chị ăn uống không ngon miệng, chỉ nhìn thấy dầu mỡ đã cảm thấy sợ. Tại Viện Y học ứng dụng Việt Nam, chị H. được kiểm tra và phát hiện hàm lượng cholesterol trong máu thấp hơn mức trung bình, thị lực giảm rõ rệt mà nguyên nhân chính là thiếu chất béo trong bữa ăn hằng ngày.

Cũng tương tự như bệnh nhân H., bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết từng tiếp nhận chị N.M.H. (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) phải tới điều trị do suy dinh dưỡng dẫn tới khó mang thai. Nguyên nhân cũng là do bệnh nhân này sử dụng quá ít dầu mỡ trong các bữa ăn.

“Bệnh nhân được bác sĩ phụ sản khám, tuy nhiên do cơ thể suy dinh dưỡng khiến các điều kiện mang thai khó khăn nên phải chuyển sang viện để điều trị trước. Sau khi tăng cân, cơ thể phục hồi mới quay lại để tiếp tục công cuộc “tìm con”, bác sĩ Trương Hồng Sơn cho hay.

Tại Viện Y học ứng dụng Việt Nam, các bác sĩ cho hay, có tới 3/4 số trẻ tới khám suy dinh dưỡng là do chế độ ăn thiếu chất béo. Do cha mẹ lo sợ con trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thực phẩm này nên mỗi bữa ăn của con đều sử dụng thịt nạc hay chỉ cho thêm vài giọt dầu.

“Đây là một trong những sai lầm phổ biến của bố mẹ trong việc chăm sóc con nhỏ mà chúng tôi thường gặp. Trong khi nhu cầu sử dụng chất béo của người lớn và trẻ em khác nhau. Dùng quá ít dầu mỡ sẽ khiến cho trẻ biếng ăn, không hấp thụ được dẫn tới tình trạng thiếu cân nặng, suy dinh dưỡng”, bác sĩ Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.

Cholesterol thấp có thể nguy hiểm với cơ thể

Theo Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, hầu hết người dân đều lo ngại vấn đề cholesterol trong máu cao, bởi liên quan tới các bệnh mạn tính không lây, đặc biệt là tim mạch. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được khi lượng cholesterol thấp cũng sẽ nguy hiểm đối với cơ thể.

Cholesterol bản chất là một a-xít béo, trong đó chia thành cholesterol xấu và cholesterol tốt. Cholesterol xấu (còn gọi là LDL) làm tăng một số nguy cơ xơ vữa động mạch, tim mạch. Cholesterol tốt (HDL) lại có nhiệm vụ “túm” lấy cholesterol xấu, mang về gan để tiêu diệt.

“Thông thường, nhiều người chỉ nhìn chỉ số cholesterol tổng. Trong khi nếu cholesterol tốt giảm có thể làm tăng nguy cơ huyết áp và tim mạch do không tiêu diệt được cholesterol xấu. Thậm chí, theo một số nghiên cứu trên thế giới, khi cholesterol xấu giảm ở mức quá thấp cũng có thể gây ảnh hưởng tới tâm trạng của người bệnh và đặc biệt làm tăng nguy cơ ung thư”, bác sĩ trương Hồng Sơn phân tích. 

Ngoài ra, cholesterol còn có vai trò quan trọng trong mảng tế bào, dẫn động trong hệ thần kinh, tổng hợp vitamin, tham gia vào quá trình tổng hợp tiêu hóa và chuyển hóa các chất dinh dưỡng… Các vitamin như A, D, E, K được tiêu hóa, hấp thụ và tan trong dầu mỡ. Khi chế độ ăn giảm chất béo sẽ làm hạn chế hấp thu các vitamin này, gây ra nhiều căn bệnh về mắt, hệ miễn dịch, phát triển xương, thiếu máu…

“Rất nhiều trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, người lớn tuổi loãng xương, rối loạn đông máu, miễn dịch… bản chất sâu xa là do chế độ ăn thiếu mỡ do mải đấu tranh với cholesterol”, bác sĩ Trương Hồng Sơn nói. Cũng theo vị chuyên gia này, chất béo có liên quan tới khẩu vị của bữa ăn, do đó, không dùng dầu mỡ kéo dài sẽ gây ra tình trạng biếng ăn ở mọi độ tuổi. 

“Đừng e sợ chất béo bởi chất béo là một trong ba nhóm chất để tạo năng lượng cho cơ thể. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm hiểu để sử dụng đúng với nhu cầu của cơ thể, lựa chọn chất béo phù hợp với cách chế biến và độ tuổi”, bác sĩ Trương Hồng Sơn đưa ra lời khuyên. 

Để cholesterol không còn là nỗi ám ảnh, các chuyên gia khuyến cáo cần phải lưu ý sự cân đối khi sử dụng thực phẩm hằng ngày. Thông thường, lượng chất béo trong thực phẩm chiếm 20-25%, tuy nhiên có sự điều chỉnh do nhu cầu vận động, tiêu hao năng lượng của mỗi người. Lượng chất béo ở trẻ nhỏ được khuyến cáo cao hơn người lớn. 

Ngoài ra, cần cân bằng nhu cầu sử dụng chất béo từ động vật và thực vật. Theo đó, trẻ em cần bổ sung 70% chất béo từ động vật và 30% chất béo từ thực vật, do chất béo từ động vật dễ hấp thu hơn. Tỷ lệ này ở người trưởng thành, tương ứng là 50-50 và ở người già là 30-70. 


Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI